Hành Trình Chicago Marathon

Mục tiêu

Đây là giải major thứ 3 mình tham gia. Kết quả 3:15:38 tại Berlin 2022 thừa đủ để đạt chuẩn thời gian cho Chicago, nên mình quyết định sẽ chạy giải này vào ngày 8/10/2023.

Để tăng thêm hấp dẫn, mình tự đưa ra yêu cầu là cố gắng giải sau nhanh hơn giải trước một chút. Lý tưởng nhất là major này đủ đạt chuẩn thời gian (qualifying time) cho major sau. Cho nên, Berlin đủ đạt cho Chicago, Chicago cần đủ cho Boston… Vấn đề nằm ở chỗ, mặc dù BQ (Boston Qualify) cho nhóm tuổi 40-44 là 3h10, nhưng số lượng tham gia là có hạn, và xếp theo tiêu chí “the fastest first” – gạt dần từ người nhanh nhất đến khi đủ số lượng, nên muốn có suất, bạn cần dư ra khoảng 5-6 phút. Nói cách khác, muốn chạy Boston 2025, bạn cần có kết quả dưới 3h05 trong một giải được công nhận, trước tháng 9/2024.

BQ cho nhóm tuổi 40-44 là 3h10, nhưng muốn có suất, cần phải dư tối thiểu khoảng 5 phút

Luyện tập

Kế hoạch

Sau Tokyo ngày 5/3, nghỉ ngơi vài tuần, mình bắt đầu lên kế hoạch cho Chicago. Có khoảng 26 tuần cho chu kỳ này, đủ cho tích lũy và đan xen một vài B-race nhỏ (5K, 10K, HM) để test cho A-race là Chicago.

Phương pháp tập sẽ là theo công suất, sử dụng Stryd. Cách này giúp khắc phục các hạn chế về lỗi GPS, và cũng phản ánh chính xác tương quan với tốc độ. Nói cách khác, sức chưa đủ mà cố chạy nhanh (theo pace) là vô lý, thậm chí còn dẫn đến chấn thương. Mặt khác, phương pháp này cũng giúp mình cải thiện thành tích ở Tokyo, nên lần này sẽ tiếp tục đẩy thêm cho Chicago.

Khối lượng luyện tập thống kê trong 90 ngày trước race, theo Stryd Power

Môi trường thay đổi

Vấn đề lớn nhất lúc này là gia đình đang có kế hoạch chuyển vào Sài Gòn. Người lớn lo chuyển nhà, trẻ con lo chuyển trường, thường xuyên bay đi bay lại và thời tiết khác biệt của hai miền cũng khiến việc tập luyện gặp khó khăn. Thêm vào đó, mình cũng cần tìm một địa điểm tập chạy gần nhà, nhất là cho bài tập tốc độ. Giữa lòng Sài Gòn, lại ở một quận đông đúc bậc nhất như Tân Bình, bài toán này cũng khá hóc búa.

Cũng may là mình sớm tìm được khu Celadon City gần nhà có đường chạy khá vắng vẻ, an toàn

Các B-race

Kế hoạch tổng thể sẽ gồm 2 mục tiêu:

  1. Mục tiêu lớn (A-race): Chicago Marathon 8/10/2023
  2. Một số mục tiêu nhỏ (các B-race tham gia để làm buổi test, đánh giá mức độ tiến bộ). Tham gia race, vừa là có không khí hơn tự tập, vừa là có hỗ trợ không phải lo nước nôi, nên sẽ phản ánh chính xác hơn.
  • Lazada Run 25/4: Test 5K để xác định thể lực hiện tại, lên kế hoạchluyện tập.

Lúc này mình đã khởi động lại vài tuần sau Tokyo, chủ yếu là chạy easy. Hôm đó trời cũng rất nóng. Cự ly này lại xuất phát muộn, nên càng nóng. Mình mới từ Hà Nội vào, lúc đó đang mùa xuân ẩm ướt, cơ thể chưa thích nghi ngay với nắng nóng Sài Gòn, nên chưa tối ưu được.

Về đích 21:12, không tệ nhưng cũng không ưng ý.

Đang mùa khô nên Sài Gòn nắng nóng

  • Vietcombank Hậu Giang 15/7: Test 10K trước A-race 12 tuần.

Đúng ngày race thì trời đổ mưa bão. Mưa cũng không phải vấn đề lớn, mà cái khó là các vũng nước lớn: bạn không thể guống chân nhanh được khi chân cứ bì bõm trong nước, nhất là khi lên xuống dốc cầu. Kết quả là về đích (43:19) chẳng thấy mệt gì.

Bài test thế là coi như bỏ.

Mưa như trút từ đầu đến cuối

  • Sơn Kim Thủ Đức 3/9: Test HM trước A-race 5 tuần

Test HM khác với race HM. Khi race thực sự, bạn sẽ có taper nghỉ ngơi dưỡng sức. Còn khi test, là bạn vẫn đang trong quá trình tập, với khối lượng và cường độ cao. Vì thế, mục tiêu là chạy với HMP (Half Marathon Power) lâu nhất có thể, còn sập ở đâu dừng ở đó. Mặc dù thế, hôm đó mình chỉ chạy được đến km7, tức là 1/3 quãng đường, đã không thể duy trì được HMP. Kết quả về 1:44:11 cũng coi như bỏ.

Giải Sơn Kim không duy trì được pace HM

  • Green Cần Giờ 25/9, trước A-race 2 tuần:

Đây là buổi long run cuối cùng trước khi taper. Thực ra cũng là kết hợp đi chơi cùng gia đình, và bà xã cũng tham gia đội crew tiếp nước. Kế hoạch là chỉ chạy đến 30k thì dừng, tương đương với 90 phút endurance power và 50 phút marathon power.

Một lần nữa, bài này cũng gãy do tích lũy mệt mỏi của mấy tuần tập căng trước đó, không thể ráng đoạn MP. Cơ thể đã lên tiếng, cần nghỉ ngơi để phục hồi cho A-race.

Giải Cần Giờ lủi thủi chạy môt mình do quá ít vận động viên tham gia

Tóm lại, tất cả các bài test đều có kết quả không như mong muốn. Nhưng nó vẫn có ý nghĩa của nó. Nó phản ánh đúng năng lực thực tế tại thời điểm đó, để ta biết và điều chỉnh.

Đến với Chicago

Trước giải

  • Hành trình sang đất Mỹ

Bay từ Việt Nam qua Mỹ là một hành trình rất dài. Nửa vòng Trái Đất. Lại bay ngược chiều thời gian. Mình khởi hành từ Sài Gòn đêm thứ Ba, quá cảnh sân bay Incheon ở Seoul lúc 10h40 sáng thứ Tư, và tới sân bay O’Hare ở Chicago lúc… 9h35 sáng cùng ngày.

Đây lại đang là lúc phải chú ý nạp dinh dưỡng để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đua. Vì thế, mặc dù di chuyển liên tục, nhưng vẫn phải đảm bảo ăn uống đầy đủ. Suất ăn trên máy bay là không đủ. Kinh nghiệm là trong lúc chờ đợi boarding, bạn nên vào các phòng chờ (lounge) để ăn uống và nghỉ ngơi cho lại sức. Mình may mắn sở hữu chiếc thẻ Visa Signature của Vietcombank, hầu hết các sân bay lớn trên thế giới đều có Lounge hợp tác, nên mình có thể vào ăn uống miễn phí. Nhưng nếu không có thẻ Visa Signature, bạn vẫn có thể mua suất, vẫn rẻ và chất lượng hơn nhiều nếu mua ở các quầy bán ở sân bay.

Tranh thủ nạp carb ở sân bay Incheon trong lúc chờ boarding

Đọc thêm: Những “Tips” Quan Trọng Khi Bay Quá Cảnh

  • Expo

Mình sang tới Chicago là trưa thứ Tư. Sau khi nhận phòng, chỉ kịp thay đồ là lăn ra ngủ 1 giấc, mở mắt ra đã 7 giờ tối. Mặc dù trên máy bay đã ngủ rất nhiều, nhưng Jetlag “giật ngược” 12 tiếng đồng hồ khiến cơ thể không thể cưỡng được.

Xem thêm: 6 Mẹo Hay Đánh Bay Jet Lag

Sáng hôm sau tỉnh táo hơn hẳn. Sau khi chạy nhẹ một lát, mình bắt chuyến tàu điện đi ra Expo ở khu vực Grant Park. Kinh nghiệm là ở mấy giải này, nên đi lấy Bib càng sớm càng tốt. Lúc này còn vắng, không phải xếp hàng lâu. Hơn nữa, hay có những gian hàng có khuyến mãi, tặng quà… chỉ xuất hiện ngày đầu, sau đó sẽ không còn.

Lấy Bib xong là mấy anh em rời khỏi Expo ngay

Thời điểm này, ưu tiên số một là cho cơ thể nghỉ ngơi, nên mọi người không la cà quá lâu ở Expo. Chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm, mấy anh em bắt xe bus ra khu vực Start để khảo sát.

Khu vực xuất phát rất rộng, số lượng vận động viên lại cực kỳ đông, nếu không khảo sát trước, đến lúc ra Start sẽ rất bỡ ngỡ, và nguy cơ đi lạc mất thời gian là rất cao. Hướng dẫn của Ban tổ chức rất chi tiết, nhưng việc của mình là phải xác định được vị trí trên thực tế để còn tính toán thời gian đi về bằng tàu.

Các cổng vào khu vực xuất phát của Chicago Marathon 2023

Đường chạy Chicago có mấy đặc thù thế này:

  1. Khoảng 3km đầu GPS cực loạn do quá nhiều tòa nhà cao tầng, và chạy chui qua nhiều đường hầm dài.Điểm này có thể khắc phục nếu chạy theo power của Stryd, còn nếu căn cứ theo pace thì rất hoang mang.
  2. Phần lớn đường phẳng, nhưng gần về đích lại phải leo 2 cái cầu. Tuy không cao lắm nhưng cũng khá chối.

Đang tham khảo ý kiến anh Định về đường chạy

  • Lên đồ

Thu thập đủ thông tin, trên đường quay trở về AirBnB, mình ghé siêu thị mua sẵn đồ để nấu ăn cho 2 ngày tới, dành thời gian nghỉ ngơi và load carb. Đồ đạc cũng chuẩn bị sẵn ra, kiểm tra xem còn thiếu gì…

Chuẩn bị sẵn hết đồ để sáng mai khỏi vội

Ngày đua

Hôm nay mình chuẩn bị 3 phương án để tùy cơ ứng biến:

A+: 3h05 (pace 4:20-4:22)

A: 3h08 (pace 4:23-4:25)

B: 3h10 (Pace 4:28-4:30)

  • Ra vạch xuất phát

Ở Mỹ, dường như ở đâu nhân viên cũng như cảnh sát, từ ga tàu điện đến siêu thị. hu vực xuát phát hôm nay cũng không phải ngoại lệ. Nhân viên an ninh đứng rải rác khắp nơi, chỉ dẫn nhiệt tình nhưng mặt mũi lạnh te. Tất cả các túi đồ đều phải mở ra để kiểm tra từng thứ, đồng thời vận động viên cũng được rà soát khắp người trước khi bước qua cổng.

Nhiệt độ lúc này đang khoảng 6 độ C. Mình đã lường trước nên trùm kín đầu tai mặt mũi, găng tay, khẩu trang, mặc sẵn bộ quần áo gió và trùm áo mưa mỏng cho ấm, lát trước khi xuất phát sẽ cởi ra bỏ sau.

Lúc qua vạch xuất phát, GPS nhảy loạn xạ, không biết đang chạy pace nào

  • Trên đường đua

Phải công nhận Chicago là giải mà cổ động viên cuồng nhiệt nhất trong các giải major mình tham gia. Suốt quãng đường 42km, không lúc nào không có các đám đông cực kỳ huyên náo hò hét, đánh trống thổi kèn. Đường chạy qua nhiều khu đặc trưng như Little Italy, China Town… nên cổ động viên cũng rất đặc trưng. Ví dụ như chạy qua China Town sẽ là các đám múa lân đánh trống tưng bừng.

Khu phố người Hoa là đoạn km32-33

Tham vọng mục tiêu A+ 3:05, nên mình chủ động bám theo pacer 3:05 ngay từ đầu. Nhóm này chạy đến đâu là đám đông hô ầm ĩ “Three 0 Five! Come on! BQ! Three 0 Five!” (Đại khái là cổ vũ nhóm 3:05 cố lên, đạt Boston Qualify… blah blah) cực kỳ phấn khích.

Nhóm bám theo pacer 3:05 khá đông, sau 30k cũng rụng dần

Hôm ấy trời quá lạnh, nhiệt độ lúc chạy đua chỉ khoảng 7-9 độ C. Rất may là trước ngày đua, em Hạnh Nguyễn đưa mình mấy gói Maurten, Loại gel này dạng thạch nên không bị đông đặc lại trong trời lạnh. Mấy loại gel khác như Hammer là bết cứng vào, xé ra không mút được vào miệng.

Chú phía sau kiểu “Ông kia có loại gel gì mà vẫn mút được ta?”

Nửa đầu cuộc đua, pacer chạy cực chuẩn. Lúc đó do GPS sai đoạn đầu, nên mình không biết có đúng mục tiêu không, hình như hơi chậm (?!) Nhưng sau này khi xem splits của Ban tổ chức, nửa đầu của mình đúng 1:32:29. Tuy nhiên, khi đến khu Little Italy khoảng km 29-30, mình bắt đầu thấy hơi đuối. Mình hiểu rằng nếu cố duy trì tốc độ này (pace 4:22-4:25), rất có khả năng sẽ sập nguồn ở km 36-38. Vì vậy, mình quyết định giảm tốc độ, lùi lại một chút và chuyển qua phương án A, mục tiêu 3:08.

Nếu không giảm pace, mình chắc sẽ sập nguồn sau khoảng 6-8km nữa

  • Về đích rồi

Đến km40, bắp chân bên phải bắt đầu nháy nháy. Mình biết là mình đã quyết định đúng khi giảm mục tiêu xuống, nếu không lúc này hẳn sẽ phải dừng đi bộ. Lạy trời cho chuột đừng hỏi thăm lúc này. 1 mile to go…

Wow! Vạch đích đây rồi. Hoàn toàn kiệt sức! Muốn giơ tay ăn mừng mà không nổi! Kế hoạch negative splits đã hoàn toàn phá sản.

Băng qua vạch đích cũng là lúc hoàn toàn kiệt sức

Cũng như các giải major khác, bạn sẽ phải đi bộ khá xa sau vạch đích để ra cổng. Sau khi nhận medal, poncho trùm cho đỡ lạnh, mình bắt đầu giãn cơ và đi bộ dần ra. Dọc đường rất nhiều quầy sữa nóng, bia lạnh, trái cây, bánh… tùy bạn muốn ăn gì thì lấy.

Vậy là, với kết quả 3:08:58, mình đã có kỷ lục cá nhân mới, đạt chuẩn Boston Qualify. Nhưng chỉ dư ra hơn 1 phút, thì cơ hội có suất cho Boston 2025 là quá mong manh.

Nhưng có sao đâu. Cuộc chơi còn dài. Giờ cứ tận hưởng niềm vui đã.

Kết quả chính thức của BTC

Sau giải

  • Ảnh giải:

Ảnh của Ban tổ chức chụp quá xấu, nhìn ai cũng như ma. Giá lại quá đắt. 90usd cho tất cả ảnh, và 30usd cho 1 ảnh mua lẻ. Crazy!

Mình quyết định không mua. Nên trong bài viết này toàn dùng ảnh có che. Ha ha.

  • Đi chơi

Đi tàu về AirBnB, nghỉ ngơi tắm rửa xong, mình quyết định tự thưởng cho mình một suất Hot dog ở đầu phố rồi lên tàu đi chơi, tham quan khu trường Đại học Chicago và mấy bảo tàng. Trên đường đi sẽ dừng ở Grant Park để cổ vũ những người đang về đích.

Thật lòng thì những điểm tham quan ở Chicago không có gì hấp dẫn mình lắm. Ngoài mấy công viên và khu Đại học Chicago ra, mấy thứ còn lại như bảo tàng, trung tâm thương mại… không phải gu. Đi bộ lang thang và trò chuyện với các sinh viên Đại học Chicago một lát, mình bắt tàu quay về để nghỉ ngơi và ăn tối.

Chụp ảnh kỷ niệm tại Campus của Đại học Chicago

  • Tiếp tục hành trình

Ăn tối xong, nghỉ một lát, mình dọn đồ và đi tàu ra sân bay. Sáng sớm mai mình bắt chuyến bay sang Canada để chơi với gia đình một người bạn vài hôm trước khi về lại Việt Nam.

Hành trình với World Marathon Majors còn dài, có thể là 1 năm, cũng có thể là 10 năm, không ai biết được. Chỉ mong chúng ta có đủ sức khỏe và sắp xếp được để cùng tiếp tục hành trình đầy thú vị mà không kém gian truân này.

 

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Để lại một bình luận