Kể Chuyện Các Phi Trường

Câu chuyện chia sẻ những gì trải qua ở 8 sân bay và 5 hãng bay quốc tế trong chuyến đi Chicago – Halifax tháng 10/2023.

Có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nhưng chẳng phải vậy đâu. Đi nhiều mà không quan sát và ứng biến nhanh nhạy thì chỉ càng thêm nhiều rắc rối. Nếu có “khôn” thì cũng chỉ là rèn luyện thêm kỹ năng quan sát và ứng biến mà thôi. Đừng bao giờ mang chủ nghĩa kinh nghiệm ra ngoài thế giới. Mỗi nơi sẽ có những hệ thống khác nhau, tư duy vận hành khác nhau, và cách giải quyết vấn đề cũng không giống nhau. Vì thế, kinh nghiệm của bạn ở châu Âu mang sang Bắc Mỹ hay Trung Quốc cũng vô tác dụng. Hơn nữa, việc mình thì chỉ có mình lo giải quyết, đừng trông mong dựa dẫm vào ai.

Nên câu đó phải phát biểu lại: “Đi một ngày đàng học một sàng dại. Sàng đi sàng lại được một tẹo khôn”.

Tháng 10/2023, mình có chuyến đi Chicago, US và Halifax, Canada. Chỉ trong một hành trình, mình có cơ hội trải nghiệm:

  • 8 sân bay: Tân Sơn Nhất (Sài Gòn, Việt Nam), Incheon (Seoul, Hàn Quốc), O’Hare, Philadelphia (Mỹ), Halifax, Toronto, Vancouver (Canada), Manila (Phillipines).
  • 5 hãng bay: Vietnam Airlines, Korea Airlines, America Airlines, Phillipines Airlines và Porter (hãng bay giá rẻ của Canada).
  • 3 phòng chờ (lounge): Jasmine Halal (Tân Sơn Nhất), Matina (Incheon) và SkyTeam (Vancouver). Các sân bay còn lại hoặc do ở khác Terminal, hoặc không có thời gian.

Mỗi một trải nghiệm lại hoàn toàn khác biệt, chẳng cái nào giống cái nào, và dĩ nhiên là chẳng bao giờ đoán được trước. Chỉ riêng việc tiêu hóa được các thứ English từ Korean đến American, Canadien lại về Filippino đã đủ thành một câu chuyện dài.

Đọc thêm: Những “Tips” Quan Trọng Khi Bay Quá Cảnh

Saigon – Incheon – O’Hare

Chuyến bay từ Sài Gòn sang Chicago, quá cảnh Seoul. Hãng bay Vietnam Airlines

Incheon, Korea

Lưu ý là với tất cả các chuyến bay quốc tế, nhiều hãng bay không hỗ trợ check-in online. Bạn cần ra sớm để làm thủ tục tại quầy, kiểm tra hành lý, hộ chiếu (Visa nếu có), và in thẻ lên máy bay (Boarding Pass).

Đọc thêm: Thủ Tục Trực Tuyến Check-in Online

Mình khởi hành từ Sài Gòn tối ngày 3/10. Lợi thế “sân nhà” nên chẳng có gì phải lo lắng. Thứ duy nhất quan ngại là hành lý. Mặc dù điều kiện vé là “2 PCS” hành lý xách tay, mình mang 1 ba lô đeo và 1 valy kéo nhỏ gọn là Ok. Nhưng ai mà biết được, nhỡ nhân viên bắt lôi ra cân là cũng mệt. May mắn là mọi thứ cũng đơn giản, chỉ bị thu lại chai nước lúc qua máy soi an ninh. Yên tâm ngồi trong phòng chờ Jasmine, đến gần giờ thì ra boarding thôi.

Tới Seoul là khoảng gần 7h30 sáng giờ địa phương. Chuyến bay nối tiếp đến 10h40 mới khởi hành, nhưng theo kinh nghiệm, sau khi bắt wifi để đồng hồ và điện thoại cập nhật múi giờ, mình lập tức di chuyển ra cổng lên máy bay số 248. Sân bay rất rộng, và phải di chuyển bằng shuttle bus từ Terminal 1 sang Terminal 2. Bạn sẽ không biết mình phải mất bao lâu để di chuyển đến cổng mình cần, vì có thể xảy ra trục trặc bất cứ lúc nào. Vì vậy, hãy cứ đến nơi mình cần, rồi muốn ăn uống hay mua sắm gì thì tính sau, nếu còn thời gian. Đừng la cà khi chưa biết rõ nơi mình cần đến.

Di chuyển ngay đến cổng mình cần đến, rồi làm gì thì làm

Khi đã đến cổng 248 là khoảng 8h30 sáng, mình bắt đầu search xem có phòng chờ nào liên kết với Viecombank trong chương trình Lounge Key hay không. Nếu có thì mình có thể sử dụng phòng chờ miễn phí trong lúc đợi giờ bay. May là có phòng chờ Matina ngay ở cổng 251 gần đó. Lúc này đã xác định đúng cổng cần đến, ta có thể yên tâm vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe cho chuyến bay dài sắp tới.

Tuy nhiên, bạn vẫn phải luôn để mắt tới tình trạng chuyến bay của mình được cập nhật liên tục ở bảng điện tử khắp nơi trong sân bay, phòng hờ có gì thay đổi như trễ giờ, đổi cổng lên máy bay…

Tình trạng các chuyến bay được cập nhật liên tục

Khoảng 9h30 sáng, ăn uống no nê rồi, mình bắt đầu ra cổng chờ boarding. Tuy còn gần 1h nữa mới khởi hành, nhưng bạn không nên chủ quan, vì với các chuyến bay quốc tế, bất cứ lúc nào cũng có thể có vấn đề phát sinh. Và quả là có vấn đề phát sinh thật.

Đang ngồi lướt điện thoại, bỗng mình nghe thấy loa gọi “Passenger Phung Nguyen! Go to boarding counter, please” (Mời hành khách Phụng Nguyễn tới quầy thủ tục có việc cần) . Hơi chột dạ, mình tiến tới quầy thủ tục, thấy có mỗi mình và 1 hành khách nữa. Nhân viên Korea Ailines rất xinh xắn, niềm nở chào hỏi và đưa ra một loạt câu hỏi, đại loại như “Anh có giấy tờ nào khác ở Mỹ không? Như bằng lái xe chẳng hạn? Anh đi Mỹ lần nào chưa? Anh sang Mỹ làm gì? Có người thân ở Mỹ không”, v.v… và v.v…

Sau khoảng 10-15 phút vừa hỏi vừa gõ máy tính, cuối cùng thì em ấy xin số điện thoại ở Việt Nam và địa chỉ email khi cần đến, và dán một cái tem màu xanh là ra phía sau Hộ chiếu, rồi mời mình về chỗ ngồi. Lúc đó mình cũng không hiểu lý do và ý nghĩa của miếng sticker màu xanh đó, sau này mới biết là vì mình đi Mỹ lần đầu, lại đi một mình, nên họ kiểm tra và lấy thông tin. Đã có trường hợp chuyến bay Korea Airlines phải quay đầu do hành khách có nghi vấn, nên họ làm vậy. Sticker màu xanh nghĩa là “Ok”. Từ đó đến lúc ra máy bay, nhân viên cứ thấy sticker đó là mời đi qua.

Sticker màu xanh của Korea Ailines Security dán phía sau Hộ chiếu

Vậy đấy, nếu mình cứ đủng đỉnh, la cà mua sắm đến sát giờ mới ra cổng lên máy bay, thì mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn. Trường hợp này mình chưa từng gặp, nên có thời gian bình tĩnh xử lý thì sẽ nhẹ nhàng hơn.

O’Hare, Chicago, US

Chuyến bay từ Seoul sang Chicago kéo dài khoảng 12 tiếng. Khởi hành 10h40 sáng ở Seoul và tới nơi vào khoảng… 10h sáng cùng ngày.

Phải công nhận, khoảnh khắc chứng kiến lúc bay qua giao điểm giữa đêm và ngày thật ngoạn mục. Phía bên kia Trái Đất đang là bóng đêm , nhưng bên này, máy bay đang bay vào ánh bình minh trên mặt biển. Ngồi ngắm giây phút này, bao nhiêu mệt mỏi của chuyến hành trình đằng đẵng bỗng như tan biến.

Nhưng cảnh chỉ đẹp khi ở trên trời. Xuống đất là lại “có chuyện” ngay:

Từ trên máy bay, nhân viên hãng Hàng không đã phát cho hành khách mẫu khai nhập cảnh. Bạn phải trình Tờ khai này khi làm thủ tục. Nhưng nhân viên an ninh vẫn có thể hỏi bạn rất nhiều, yêu cầu bạn xuất trình nhiều thông tin khác. Ví dụ như mình phải đưa bằng chứng khách sạn/ AirBnB đã đặt, xác nhận của Ban tổ chức giải chạy Chicago Marathon… để họ kiểm tra trước khi cộp dấu.

Bạn nên nhớ, về nguyên tắc, Visa chỉ là một dạng “cho phép” chứ không phải “quyền”. Nói cách khác, mặc dù có Visa, nhưng nếu phát hiện có nghi vấn, họ vẫn không cho bạn nhập cảnh mà chẳng giải thích gì hết. Cho nên, kinh nghiệm ở đây là có thế nào thì cứ nói vậy, đừng quanh co tìm cách bịa chuyện. Bạn không bao giờ biết được là họ đã có thông tin về bạn từ khi nào, nên tốt nhất cứ nói đúng sự thật.

Sau một hồi cật vấn, em nhân viên an ninh da đen cũng đóng dấu cái cộp cho mình đi qua. Nước Mỹ mà, lúc nào cũng phải tỏ ra trấn áp người khác mới chịu. Nhưng ở các quốc gia này, mọi người đều bình đẳng. Miễn là bạn không làm gì sai thì không việc gì phải ngại.

O’Hare – Philadelphia – Halifax

Chuyến bay từ Chicago tới Halifax, quá cảnh ở Philadelphia. Hãng bay American Airlines

O’Hare, Chicago, US

Ăn rồi, chơi rồi, chạy rồi. Giờ chuẩn bị lên đường sang Halifax thăm gia đình người bạn.

Chuyến bay khởi hành từ Chicago lúc 6h35 sáng. Nhưng chuyến tàu muộn nhất đi qua chỗ mình để bắt Blue line đi sân bay O’Hare là lúc 1h15 sáng, nên ăn tối xong chỉ nghỉ một lát là mình chuẩn bị thu dọn đồ đạc lên đường. Tất nhiên bạn không nên chọn chuyến cuối cùng, vì bị nhỡ chuyến đó là vô phương cứu chữa. Nên đi chuyến trước đó, để không may có trục trặc thì vẫn còn chuyến cuối dự phòng.

Vì đi ra sân bay khá sớm, mình gần như là hành khách đầu tiên làm thủ tục check-in. Lưu ý là tất cả các hãng bay chỉ mở quầy làm thủ tục trước giờ bay 3 tiếng. Mọi thủ tục in thẻ lên máy bay, kiểm tra an ninh… đều ngon lành, không có phát sinh gì, cho đến khi… ra máy bay.

Về nguyên tắc, hành lý xách tay mỗi người đều có thể mang “2 PCS”, tức là 2 ba lô hoặc 1 ba lô đeo, 1 va ly kéo nhỏ, miễn không quá cân. Nhưng lần này, trước khi lên máy bay, nhân viên ra thông báo “Tất cả những ai có 2 hành lý, mời đứng qua một bên”. Họ giải thích là do máy bay nhỏ, không gian rất hạn chế, nên phải cất bớt xuống dưới khoang, mọi người sẽ nhận lại hành ký khi tới nơi.

Tình huống này mình cũng chưa gặp bao giờ. Thông thường nếu quá cân hay quá khổ, hành lý sẽ được giải quyết khi làm thủ tục check-in, đằng này lại tới cửa máy bay mới chia. Trường hợp của mình lại càng đáng lo, vì còn quá cảnh qua Philadelphia, nhỡ thất lạc thì sang Canada rồi biết hỏi ai? Rồi họ có tính thêm phí không? Vì hành lý xách tay (carry-on) là miễn phí, nhưng hành lý gửi (checked luggage) là có tính phí.

Cẩn thận hỏi cả nhân viên mặt đất và tiếp viên trên máy bay, họ đều khẳng định không sao, đây là chuyện thường ngày, cứ yên tâm đến điểm cuối là nhận lại hành lý. Hoàn toàn miễn phí

Những ai có 2 hành lý mời đứng sang một bên để chia bớt, gắn tag cho vào khoang

Philadelphia, US

Dù sao thì từ Chcago qua Philadelphia vẫn là chuyến bay nội địa, nên mọi thứ cũng đơn giản hơn. Máy bay nhỏ hơn, nhân viên ít hơn, thủ tục an ninh dễ dàng hơn… Nhưng chuyến này là bay quốc tế, từ Philadelphia đi Halifax, mọi thứ đều được kiểm soát rất chặt.

Tranh thủ mua cho con gái chiếc magnet làm kỷ niệm

Hành khách trên chuyến bay này thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Trong những năm gần đây, người Việt sang định cư khu vực Nova Scotia, Canada tăng lên nhiều, nên mình thử để ý xem có khách nào người Việt không – nhưng không có. Moi hết đống tiền xu còn lại trong người, mình ghé coffee shop gọi một ly espresso, cho hết tiền xu vào chỗ để tiền Tip. Đây là cách mình dùng để “xử lý” tiền xu của các nơi đi qua, vì đằng nào sang Canada hay về Việt Nam, những đồng xu ấy cũng chẳng tiêu được.

Cái bát ở góc trên bên trái “Thanks for your tips” là nơi có thể bỏ xu vào đó

Halifax, Canada

Máy bay hạ cánh sân bay Halifax vào một buổi trưa trời đẹp. Nắng vàng, mây trắng với gió nhẹ.

Halifax là thành phố thuộc tỉnh bang Nova Scotia khá xa xôi, nên lượng khách cũng vắng. Đã vậy, mọi thủ tục nhập cảnh là đều tự làm trên máy: scan Hộ chiếu, khai các mục liên quan như đi với ai, mang bao nhiêu tiền mặt, có mang vũ khí chất nổ gì không, v.v… Khai xong thì cái máy sẽ in ra Tờ khai, bạn mang ra nộp lại cho nhân viên là xong.

Đọc thêm: Halifax – Thành Phố Hiền Hòa Bên Bờ Đại Tây Dương

Nhưng tưởng xong mà lại chưa xong

Mọi người lần lượt đi ra, đưa Tờ khai in ở máy cho nhân viên. Đến mình thì có nhân viên an ninh mời đứng lại “hỏi thăm” một lát. Đại khái “Ở Vietnam anh làm nghề gì? Có vẻ đi du lịch nhiều nhỉ? Vừa bay từ Mỹ qua à…?” Hỏi han cũng thân thiện, không có vẻ gì là đang kiểm tra. Nhưng hãy luôn cảnh giác.

Khung cảnh bên ngoài khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Halifax, Nova Scotia, Canada

Xong màn “chào hỏi” này, xung quanh mình chẳng còn khách nào. Đi ra khu vực băng chuyền để lấy hành lý bị “chia” ở Chicago, thấy mỗi cái valy của mình nằm chỏng gọng.

Bài học: Một lần nữa, hãy luôn trả lời đúng sự thật, vì bạn không thể biết mục đích của họ là gì, và họ đã có thông tin nào về bạn trước đó. Nhất là khi bạn là công dân của một quốc gia vừa nhỏ vừa nghèo đi ra thế giới.

Halifax – Toronto – Vancouver – Manila – Saigon

Chuyến bay Halifax – Vancouver, quá cảnh 45 phút ở Toronto. Hãng bay Porter, Canada

Chuyến bay từ Vancouver về Sài Gòn, quá cảnh Manila. Hãng bay Philippines Airlines

Toronto, Canada

Ở sân bay Toronto cơ bản cũng không có vấn đề gì, chỉ có điều quãng thời gian quá cảnh (layover) ở đây, hãng Porter để quá ngắn: 45 phút.

Thường từ khi máy bay chạm đất đến khi bạn ra được khói máy bay cũng phải mất 10 phút. Di chuyển ra khu vực quá cảnh, đúng nghĩa là chỉ kịp đi vệ sinh xong là lên thẳng chuyến tiếp theo (mà vẫn là một trong những hành khách cuối cùng).

Bay giá rẻ nó vậy. Tiết kiệm từng chút một, cả không gian và thời gian.

Hàng không giá rẻ nội địa nên máy bay rất nhỏ. Mình người Việt ngồi còn chật, mấy chú Americans với Canadiens đến khổ

Vancouver, Canada

Canada rất rộng. Từ Halifax qua Toronto mất 2h15′ bay, lệch 1 múi giờ. Từ Toronto tới Vancouver mất 5h bay, lệch 3 múi giờ. Do vậy, khởi hành ở Toronto là 19h20, bay 5 tiếng nhưng sang đến nơi là khoảng 21h30. Hãy luôn chú ý đến yếu tố lệch múi giờ và chỉnh lại điện thoại, đồng hồ cho đúng giờ địa phương. Quên là bạn sẽ phải trả giá đấy.

Sân bay Vancouver cũng siêu to khổng lồ. Nhìn bảng điện tử thấy chuyến bay của mình có cổng ra máy bay là D70. Lần quá cảnh này là dạng “self-transfer”, nghĩa là mình sẽ phải lấy hành lý và check-out, sau đó làm thủ tục check-in lại từ đầu. Đã tính toán từ trước, nên mình không có hành lý gửi, chỉ mang hành lý xách tay để tiết kiệm thời gian.

Luôn để mắt đến thông tin chuyến bay trên bảng điện tử

Bây giờ đi tìm quầy làm thủ tục check-in. Và là lúc phát sinh câu chuyện tiếp theo:

Thông thường, bảng điện tử sẽ thể hiện quầy làm check-in của chuyến bay. Nhưng ở đây lại không có (?!) Túm một nhân viên hỏi, té ra là cứ đi thẳng đến cổng ra máy bay D70, ở đó sẽ cùng lúc xử lý check-in, in boarding pass và lên máy bay luôn. Đúng là mỗi nơi một kiểu, không nơi nào giống nơi nào.

Mướt mải đi đến cổng D70 thì đã thấy một hàng dài người làm thủ tục. Lại thêm nữa, chuyến này hầu hết hành khách là người Philippines, nên bắt đầu nói to nói nhiều, trẻ con la hét… Mất khoảng 30 phút để đến lượt. Cầm thẻ lên máy bay trên tay, yên tâm đi tìm chỗ lót dạ và nghỉ ngơi một lát.

Đến nơi đã thấy một hàng dài người đứng chờ

Có một phòng chờ tên là SkyTeam ngay gần đó, cũng thuộc chương trình Lounge Key. Chợt thấy đói cồn cào, mới nhớ là từ khi rời Halifax, qua Toronto và tới Vancouver là gần 1 ngày, chưa có bữa ăn nào tử tế. Bây giờ mới 23h, vẫn còn hơn 1 tiếng nữa mới cần ra xếp hàng. Không ăn uống, nghỉ ngơi lúc này còn chờ đến khi nào?

Nạp năng lượng cho cả người và điện thoại, sau một ngày dài di chuyển, và chuẩn bị cho… di chuyển dài hơn

Manila, Philippines

Vì lý do nào đó mình cũng không rõ – do ngồi quá lâu (hơn 12 tiếng) trên máy bay nên mọi giác quan cũng chai lỳ – chuyến bay từ Vancouver về Manila mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Kết quả là, lẽ ra có hơn 1 giờ layover ở sân bay Manila, lại thành không có đến 1 phút nghỉ ngơi. Vừa bước ra khỏi cửa máy bay, đã thấy nhân viên mặt đất hớt hải hô to “Những ai đi Sài Gòn/ Hồ Chí Minh, đi theo lối này”. Vậy là lại ba chân bốn cẳng đi theo, làm thủ tục an ninh chớp nhoáng và lên thằng máy bay.

Chuyến bay từ Manila về Sài Gòn là cái Airbus bé xíu. Mình, một lần nữa, lại là một trong những người cuối cùng lên máy bay. Mọi người hình như đã ngồi chờ khá lâu, ai cũng đã ngay ngắn trên ghế hoặc đang ngủ gà gật hoặc đang đọc tạp chí. Vì là bay nối chuyến (connecting flight), nên dù có chậm thì chuyến tiếp theo cũng sẽ vẫn phải chờ mình thôi.

Lại về với cà phê vỉa hè Sài Gòn

Từ Phillipines về đến Sài Gòn chỉ mất khoảng 2 giờ bay, mà cảm giác lâu không kém 12 giờ bay vừa rồi. Có lẽ tâm lý sắp về nhà nó vậy. Đến Sài Gòn, việc đầu tiên là ngồi làm ly cà phê vỉa hè trước khi về nhà, để cơ thể sắp xếp lại cho thích nghi với môi trường mới. Đã 24 giờ di chuyển liên tục, chỉ ở sân bay hoặc trên máy bay, hoàn toàn không tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời.

 

Mỗi một chuyến đi là những trải nghiệm riêng, không bao giờ lặp lại. Hãy tự quan sát và rút ra những bài học cho riêng mình, để hạn chế đến thấp nhất các rủi ro, nếu có. Cũng đừng ngại chia sẻ cho mọi người những kinh nghiệm của mình. Giúp người khác cũng là giúp chính mình vậy.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Trả lời