Mùa Thu Ơi! Paris Dệt Mộng Tình Si…

Dạo bước trên những con đường Paris, ngâm nga lời bài hát của nhạc sỹ Lam Phương “Mùa thu ơi! Paris dệt mộng tình si. Khi nghe người đi vào đời, thấy lòng như bớt đơn côi… Bờ môi em là nguồn yêu thương đắm đuối. Ngày thuyền tình vào bến mới, ta sẽ cho nhau tình yêu tuyệt vời…”

Cảm nhận vì sao Paris luôn là điểm dừng chân của nhiều nghệ sỹ trứ danh, là điểm đến mong ước của không chỉ người Việt, mà còn của rất nhiều người ở các châu lục khác. Đặt chân đến Paris, dạo chơi trên những con đường đẹp như tranh vẽ, nhâm nhi tách cà phê góc phố, ngắm nhìn các công trình đã trở thành biểu tượng của thế giới… bạn sẽ hiểu vì sao Paris được gọi là “thủ đô của châu Âu”, là “kinh đô ánh sáng”.

Trong lịch sử, Việt Nam chúng ta đã có những nét giao thoa với văn hóa Pháp. Vì vậy, khi tới đây, ta sẽ có đôi chút cảm giác thân quen với lối kiến trúc đường phố. Mặt khác, khi vào châu Âu, người Việt xin Visa để vào Pháp bao giờ cũng là dễ nhất. Đó là lý do tại sao đa phần các tour du lịch châu Âu từ Việt Nam sẽ bay tời Pháp đầu tiên.

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về thủ đô Paris và nước Pháp xinh đẹp nhé.

Những điều cần biết trước khi đi

  • Đi Paris mùa nào đẹp nhất?

Mùa thu là khoảng thời gian đẹp nhất ở châu Âu. Thời tiết chưa quá lạnh, mọi vẻ đẹp của tự nhiên được bung nở hết cỡ. Nếu bạn đến Paris vào tháng 9 – tháng 11 sẽ tha hồ ngắm trời xanh, mây trắng, nắng vàng, cây cối lá vàng lá đỏ tuyệt đẹp.

Mùa xuân từ cuối tháng 3 tới đầu tháng 6 cũng rất thích hợp cho du lịch. Trời đã bớt lạnh và chưa bước sang mùa hè nóng bức. Giải Schneider Electric Marathon de Paris cũng diễn ra vào khoảng thời gian này, điều kiện khá lý tưởng cho một hoạt động ngoài trời như chạy bộ.

  • Visa Schengen

Sau khi đã xác định khoảng thời gian sẽ đi, bạn nên chuẩn bị trước thủ tục Visa. Để vào được các quốc gia thuộc khối liên minh châu Âu, bạn cần có visa Schengen. Yêu cầu và thủ tục không khó, nhưng bạn cần nêu ra đầy đủ các bằng chứng về năng lực tài chính đủ để chi trả cho chuyến đi, và các ràng buộc ở Việt Nam đảm bảo sẽ không trốn ở lại.

Kế hoạch của mình là đi khoảng tháng 9-10, nên làm thủ tục xin visa từ tháng 7

Đọc thêm: Cách Xin Visa Một Phát Ăn Ngay

  • Tiền tệ: Kinh nghiệm của mình là chỉ mang một ít tiền mặt, còn lại dùng thẻ tín dụng là tiện nhất, vừa kiểm soát được chi tiêu, vừa không phải lo rơi mất tiền. Pháp cũng sử dụng đồng Euro như các nước thuộc khối EU. Tuy nhiên, với loại tiền xu lại có những khác biệt nhất định giữa các quốc gia. Bạn nên có sẵn ít tiền xu trong người, vì có nhiều dịch vụ như vệ sinh công cộng, máy bán nước hoặc cà phê tự động… cần dùng đến.

Các điểm vệ sinh công cộng đều dùng tiền xu

  • Ngoại ngữ: Nếu có thời gian, bạn có thể lên Youtube học một số câu đàm thoại cơ bản bằng tiếng Pháp. Cũng không khó lắm đâu. Nhìn chung thì tiếng Anh ở châu Âu khá tệ và thập cẩm, nên càng diễn đạt theo nhiều cách càng tốt.
  • Chuyến bay: Paris có nhiều sân bay khác nhau. Từ Việt Nam thường sẽ bay tới sân bay quốc tế Charles de Gaulle. Có cả chuyến bay thẳng (khoảng 14h) hoăc bay quá cảnh để bạn lựa chọn. Kinh nghiệm của mình là nên chọn chuyến bay có 1 điểm quá cảnh, tuy lâu hơn chút nhưng không phải ngồi quá lâu trên máy bay gây mệt mỏi.

Xếp hàng mua vé tàu từ sân bay Charles de Gaulle về trung tâm thành phố

Phương tiện đi lại

Paris có môt hệ thống giao thông công cộng được kết nối hoàn hảo, được chia thành hai phần: trên mặt đường và dưới lòng đất. Hiểu và tận dụng hệ thống này, bạn có thể đi đến từng ngõ ngách của Paris rất tiện lợi và tiết kiệm.

  • Tàu điện ngầm: Là phương tiện phổ biến nhất, với tần suất khoảng 5 phút/ chuyến, hoạt động từ 5h30 sáng đến 1h sáng hôm sau. Lưu ý là lịch tàu có thể thay đổi vào cuối tuần hoặc các ngày lễ.

Đọc thêm: 9 Bước Đơn Giản Để Đi Tàu Điện Ngầm

Chi phí đi tàu điện ngầm vẫn là “dễ chịu” nhất

  • Tram: là kiểu các toa tàu điện chạy trên đướng ray. Có tổng cộng 8 toa xe điện kiểu này hoạt động dọc theo rìa ngoài Paris. Vé của Tram có thể sử dụng chung với xe bus, nhưng với tàu điện ngầm thì không được. Nghĩa là nếu bạn chuyển từ Tram sang xe bus hoặc ngược lại, vẫn chỉ dùng 1 chiếc vé duy nhất, còn nếu xuống tàu điện ngầm sẽ phải mua vé khác.

 

  • RER (Reseau Express Regional): là hệ thống đường sắt công cộng nối trung tâm với vùng ngoại ô. Có tất cả 5 tuyến RER hoạt động tần suất khoảng 10 phút/ chuyến. Lưu ý là kiểu tàu này có nhiều phân nhánh về các điểm cuối khác nhau, nên hãy chú ý điểm đến của mình, kẻo đi sang hướng khác.
  • Xe bus: Có 3 kiểu là xe bus thường (hoạt động từ 7h đến 20h30), xe bus đêm (từ 0h30 đến 5h30) và các tuyến xe bus đi ra ngoại ô.
  • Đi bộ: Nếu khoảng cách không quá xa và bạn có thời gian, thì đi bộ là cách rất tốt để khám phá. Đường phố sạch sẽ, an toàn… rất phù hợp. Quan trọng hơn là nó… miễn phí.

Đi bộ trên đường phố Paris cũng rất thú vị

  • Taxi: Có rất nhiều, nhưng khá đắt đỏ. Lưu ý là bạn nên đến các điểm đón taxi, không nên vẫy trên đường. Nếu bạn vẫy taxi dọc đường, cước phí vẫn được tính từ khi xe rời bến, không phải “giá mở cửa” như ở Việt Nam.
  • Xe tự lái: Bạn cần có bằng lái xe hợp lệ. Quan trọng hơn là chi phí cho mỗi lần đậu xe là khá cao, nhất là nếu bạn sử dụng xe riêng và cần gửi qua đêm.
  • Ngoài ra cũng có sẵn các dịch vụ như cho thuê xe đạp, xe ô tô điện… với các trạm nhận và trả ở khắp nơi trong thành phố.

Các điểm tham quan

  • Tháp Eiffel

Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc nổi tiếng làm bằng thép, nằm ở tại công viên Champ-de-Mars tại thành phố Paris, Pháp. Tòa tháp này được xây dựng từ năm 1884 để kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tư sản Pháp. Với thời gian thi công lên đến 26,5 tháng, tòa tháp hoàn thiện vào năm 1889.

Chi phí xây dựng tháp Eiffel lên đến hơn 800 ngàn franc, nên về tổng thể lẫn chi tiết của tòa tháp này đều được đánh giá vô cùng tinh tế, chính xác và tỉ mỉ. Không có bất cứ thương vong nào xảy ra trong hơn 2 năm xây dựng tháp, tất cả các chi tiết, lỗ khoan đều vừa vặn. Do đó, tháp Eiffel luôn được xem là một kỳ tích vĩ đại trong lịch sử xây dựng và kiến trúc thế giới.

Đây là điểm tham quan có lượng du khách tham quan hàng đầu thế giới. Người ta phải dùng đến 2 tấn giấy mỗi năm để… in vé tham quan tháp

Tháp Eiffel có chiều cao nguyên bản là 300m. Sau này có thêm cột ăng-ten trên đỉnh nên ngọn tháp đã đạt đến chiều cao 325m, tương đương với một tòa nhà cao 100 tầng. Thân tháp được làm hoàn toàn từ chất liệu thép, với trọng lượng lên đến 9000 tấn và có tổng tất cả hơn 12000 chi tiết hàn nối bằng kim loại. Bởi lý do này mà tháp Eiffel có hiện tượng giãn nở nhiệt, dẫn đến sự chênh lệch chiều cao trong mùa đông và mùa hè. Vào mùa hè, tháp Eiffel sẽ cao hơn khoảng 17cm, và giảm xuống từ 10-20cm vào mùa đông.

Tòa tháp có tổng cộng 3 đài quan sát ở trên, giữa và dưới, sức chứa lên đến 10.000 người cùng lúc. Thang máy được bố trí từ mặt đất lên đến đỉnh tháp, hoặc mọi người cũng có thể đi thang bộ với tổng cộng 1710 bậc thang. Đài quan sát ở tầng cao nhất cách mặt đất 276m và có diện tích là 350 mét vuông. Đài quan sát ở tầng giữa cách mặt đất 115m.

  • Khải Hoàn Môn (L’arc de triomphe de l’Etoile)

Khải Hoàn Môn là một công trình ở Paris được xây dựng vào năm 1806, dưới thời hoàng đế Napoleon I để tôn vinh quân đội Pháp và kỷ niệm những chiến thắng lẫy lừng. Sau khi hoàng đế Napoleon 1 không còn cai trị, việc xây dựng Khải Hoàn Môn đã bị ngưng lại vào năm 1814. Sau đó, công trình được tiếp tục và hoàn thiện vào năm 1836 dưới triệu đại của vua Louis Philippe.

Toạ lạc ở trung tâm thành phố Paris, Khải Hoàn Môn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động, nghi thức và các sự kiện lớn trong năm. Cứ vào ngày Quốc khánh Pháp, lễ diễu binh sẽ được tổ chức ở đây trước sự chứng kiến, theo dõi của đông đảo người dân Pháp. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều các hoạt động văn hoá, thể thao, các lễ hội lớn như lễ hội chào năm mới, hay giải xe đạp Tour de France cũng thường xuyên được diễn ra quanh khu vực này.

Khải Hoàn Môn là công trình kiến trúc được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Jean-Francois Chalgrin (1739 – 1811). Công trình mang kiến trúc mái vòm cổ điển, được xây dựng hoàn toàn từ đá trắng, với chiều cao 50m, rộng 45m và sâu 22m. Mặt đứng của Khải Hoàn Môn có hình vuông tương đối, các mặt đều được trang trí bằng phù điêu và tượng. Có đến 558 bức tượng về nhiều nhân vật vĩ đại trong lịch sử của Pháp.

Từ năm 1920, bên dưới cổng vòm cung của Khải Hoàn Môn có một ngôi mộ chiến sĩ vô danh. Đây là mộ của một người lính Pháp hy sinh trong trận đánh Verdun ở Thế chiến thứ nhất. Từ đó đến nay, cứ đến 18h30 trên ngôi mộ này, sẽ có một ngọn lửa được thắp sáng.

Vị trí của Khải Hoàn Môn là một đầu của đại lộ Champs-Elysées

Từ dưới mặt đất, bạn có thể đi lên tầng cao nhất bằng thang máy hoặc leo 284 bậc thang bộ. Đây là địa điểm của phòng triển lãm, nơi trưng bày tranh, ảnh, hoạ đồ về quá trình xây dựng Khải Hoàn Môn qua các thời đại.

Cũng tại đài quan sát ở trên đỉnh, bạn có thể dễ dàng quan sát được các cảnh quan tuyệt đẹp của đại lộ Elysées, bảo tàng Louvre, tháp Eiffel, giáo đường Sacré Coeur và cả khu vực mới La Défense. Để đi đến chân công trình, có thể sử dụng lối đi Kỷ Niệm (tên tiếng Pháp là Passage du Souvenir), được xây dựng ngầm ở phía bên dưới quảng trường.

  • Đại lộ Champs-Elysées

Đại lộ Champs-Elysées dài gần 2km và rộng 70m, kéo dài từ quảng trường Concorde đến quảng trường Charles de Gaulle, nơi có Khải Hoàn Môn. Đây là nơi tổ chức hầu hết các sự kiện lớn ở thủ đô nước Pháp. Cũng giống như đại lộ Unter den Linden ở thủ đô Berlin nước Đức, người dân Paris tổ chức đón Giao thừa tại đây. Vào ngày Quốc khánh Pháp 14/7, đại lộ là nơi diễn ra các cuộc duyệt binh, diễu hành. Các sự kiện mang tính lịch sử của quốc gia như sự kiện Giải phóng Paris cuối Thế chiến thứ II hay chiến thắng World Cup cũng được tổ chức tại đại lộ rộng lớn này.

Đọc thêm: Cổng Brandenburg – Biểu Tượng Hòa Bình Của Nước Đức

 

Năm 1616, Hoàng hậu Marie de Medicis quyết định xây dựng một con đường dài rợp bóng cây xanh từ cung điện Tuileries đến phía đông, trên khu vực lúc đó là một cánh đồng ngoại ô Paris.

Năm 1667, con đường được kiến trúc sư nổi tiếng André Le Nôtre thiết kế lại nhằm mở rộng Vườn Tulierie. Lúc này, con đường được gọi là “Grande Allée du Roule” hay “Grand-Cours”, đã trở thành một nơi sang trọng nhưng vẫn bị tách biệt khỏi thành phố bởi một vài toà nhà bao quanh khu vực.

Năm 1694, con đường được đổi tên là “Champs-Elysées” (hay tên tiếng Anh là Elysian Fields – Thiên đường). Cái tên này bắt nguồn từ chữ “Elusia” trong thần thoại Hy Lạp, là nơi an nghỉ cuối cùng của linh hồn các anh hùng và những người đức hạnh.

Champs-Elysees được mệnh danh là “Đại lộ không bao giờ ngủ” vì luôn đông đúc náo nhiệt bất kể ngày đêm

Năm 1724, Đại lộ Champs-Elysees được mở rộng đến đồi Chaillot (nay có tên là l’Etoile, nơi có Khải Hoàn Môn). Hình dáng hiện tại của Đại lộ được hình thành từ năm 1838 bởi kiến trúc sư người Pháp Ignaz Hittorf (cũng chính là người thiết kế lại Quảng trường Concorde), ông đã xây nên công viên Champs-Elysees. Kiến trúc sư cũng cho làm vỉa hè, lắp đèn chiếu sáng và đài phun nước tại đây. Đại lộ Champs-Elysees bắt đầu xuất hiện nhiều nhà hàng, khách sạn, đặc biệt là sau năm 1900, khi có tuyến đường tàu điện ngầm số 1 Paris đến ga Etoile thì nơi đây càng được lựa chọn là địa điểm du lịch Pháp nhất định phải đến.

Toàn cảnh đại lộ nhìn từ trên cao

Lần gần đây nhất Đại lộ nổi tiếng này được thiết kế lại là năm 1994 bởi Bernard Huet. Những lối đi hai bên đường được chuyển thành khu vực dành cho người đi bộ. Bên cạnh đó, ông cho xây đựng một bãi đỗ xe ngầm và trồng thêm nhiều cây xanh. Hiện làn đường dành cho ô tô chỉ chiếm một nửa bề rộng của đại lộ rộng lớn này.

  • Đồi Montmartre

Montmartre là một trong những khu phố của Paris, nơi đây nằm trên một quả đồi lớn thuộc quận 18. Từ trên đỉnh đồi, bạn có thể ngắm toàn cảnh thủ đô Paris tráng lệ. Montmartre còn được mệnh danh là “khu phố nghệ sĩ” bởi nơi đây đã từng là chốn nghỉ chân của rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới mà đặc biệt có thể kể tới như Van Gogh, Picasso hay Modigliani…

Nơi đây không những có khung cảnh thiện nhiên tuyệt đẹp, mà còn có Thánh đường Sacré-Cœur là một địa điểm mà bạn nhất định không được bỏ qua khi ghé thăm đồi Montmartre. Đây là một nhà thờ công giáo vô cùng nổi tiếng ở Paris, được xây dựng vào khoảng những năm cuối thế kỷ 19. “Sacré-Cœur” nghĩa Hán Việt là “Thánh Tâm”, tức là dâng trọn trái tim cho Chúa.

Nhà thờ lúc nào cũng đông nghịt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới

Với kiến trúc đặc biệt, vòm chính của nhà thờ cao đến 55m, đỉnh cao nhất là 83m với đường kính lên đến 16m. Với diện tích gần 500m2, nhà thờ được trang trí theo lối phong cách La Mã, với nhiều mảng kính màu tạo nên một lối phong cách đậm chất Pháp những năm đầu thế kỷ 20.

Những con đường uốn lượn dẫn lên đỉnh đồi được lát đá rất đẹp, nằm giữa khung cảnh thơ mộng

Quảng trường Tertre là một quảng trường nhỏ với chiều dài khoảng 350m, chiều rộng khoảng 200m trên đỉnh đồi. Thực chất Tertre chỉ là một không gian nhỏ với rất nhiều những hàng, quán ăn xung quanh, lúc nào cũng đông nghẹt khách du lịch.

  • Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame de Paris)

Đáng tiếc là thời điểm mình đến, Nhà thờ Đức Bà vẫn đang trong giai đoạn trùng tu sau khi bị thiệt hại đáng kể trong vụ hỏa hoạn năm 2019. Công việc phục hồi lại kiệt tác kiến trúc Gothics này bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, nhưng Pháp vẫn quyết tâm hoàn thành để mở cửa đón du khách trở lại vào cuối năm 2024.

Ăn vặt

  • Cà phê: Một buổi sáng mùa thu se lạnh, ngồi ở quán cà phê góc phố Paris, nhâm nhi ly espresso nóng thơm ngậy… thật tuyệt phải không? Đây là một “nghi thức” của mình trước khi bắt đầu một ngày với những khám phá mới.

  • Pizza: Mình không nói đến pizza trong các nhà hàng sang trọng, mà là một kiểu “ẩm thực đường phố”. Bạn có thể vào một siêu thị bất kỳ, chọn một loại pizza trên các giá có hệ thống làm nóng, mua mang đi, khi nào đói thì ăn.

Một chiếc pizza nho nhỏ cũng đủ “ấm lòng” trên đường du ngoạn

  • Bánh mì Baguette: Tản bộ ở Paris vào buổi sáng, bạn sẽ thấy nhiều người bước ra từ các cửa hàng địa phương, trên tay là những chiếc bánh mì này. Theo BBC, người dân Pháp tiêu thụ 320 chiếc baguette mỗi giây. Trung bình, mỗi người sẽ ăn nửa chiếc một ngày. Dân số của quốc gia này là hơn 65,5 triệu người, mỗi năm, họ cần tới 10 tỷ chiếc. Do vậy, bạn chớ ngạc nhiên khi người Pháp rất coi trọng chiếc bánh mì baguette của mình. Kể từ tháng 4/1994, Paris tổ chức Le Grand Prix de la Baguette, cuộc thi để tìm ra người làm bánh mì giỏi nhất thành phố. Những người đạt giải quán quân sẽ không được phép tham gia sau 4 năm, kể từ khi đạt giải.

Bánh mì Baguette phổ biến đến mức giá của nó là một chỉ số để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế

Paris cổ kính và lãng mạn luôn là điểm đến hấp dẫn, là nguồn cảm hứng bất tận của các nghệ sỹ trên khắp thế giới. Hãy một lần đến đây để đắm mình trong một nền văn minh đỉnh cao mà vẫn vô cùng mềm mại, một xã hội phát triển bậc nhất nhưng lại rất bình dị, thân thiện.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Để lại một bình luận