Những Sự Thật Về Du Lịch Biển Đảo

Nếu muốn so sánh một bờ biển trong đất liền với một hòn đảo, bạn cứ hình dung như khi bạn ngồi trên một con thuyền neo đậu trong bến cảng, so với một chuyến du ngoạn trên du thuyền giữa đại dương mênh mông. Một bên là tù túng, ràng buộc, còn bên kia là không gian khoáng đạt, tách mình ra khỏi phần còn lại của thế giới.

Nói đến du lịch biển đảo là ta nói đến thiên nhiên hoang sơ, dù mục đích là nghỉ dưỡng hay khám phá, thì các hòn đảo luôn là điểm đến vô cùng hấp dẫn. Nhưng, để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình của mình, bạn cũng nên hiểu rõ những thực tế của loại hình này.

Đường sá xa xôi

Thực tế đầu tiên bạn phải đối mặt, là hành trình sẽ dài hơn. Dài hơn ở đây không phải do quãng đường xa, mà bạn sẽ phải đi thành nhiều chặng: từ nơi bạn ở đến sân bay hoặc bến xe của tỉnh thành muốn tới, di chuyển ra bến cảng, đi tàu hoặc thuyền ra đảo, và cuối cùng là từ bến thuyền ở đảo về khách sạn.

Ví dụ bạn muốn đi đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, trước hết bạn cần bay tới sân bay Chu Lai, sau đó đi taxi hay xe ôm khoảng 40km tới cảng Sa Kỳ, lên tàu cao tốc ra đảo. Tàu cập bến, bạn tiếp tục đi taxi về khách sạn.

Tàu cao tốc đi đảo Lý Sơn đang neo ở cảng Sa Kỳ

Một số đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo đủ điều kiện để xây dựng sân bay trên đảo, sẽ rút ngắn được thời gian đi lại. Đổi lại, chi phí lại khá cao.

Lênh đênh tàu ra đảo Quan Lạn, Vân Đồn

Nhưng chính các chặng đi này lại là những trải nghiệm chỉ du lịch biển đảo mới có. Mỗi lần ra đảo Quan Lạn, Vân Đồn, nếu không gấp, nhà mình vẫn chọn đi tàu gỗ (xuất phát từ cảng Hòn Gai, chân núi Bài Thơ) thay vì đi tàu cao tốc (ở cảng Cái Rồng, Vân Đồn). Đi tàu gỗ tuy hơi chậm, nhưng lại có nhiều thời gian ngắm cảnh, giá vé cũng rẻ hơn, và có thể quan sát nhịp sống của người dân địa phương.

Chi phí đắt đỏ

Hãy hình dung, mọi thứ đang phục vụ bạn trên đảo, nhỏ thì từ cái bàn chải đánh răng, lớn cho đến cái ô tô, xe điện… từ vật liệu xây dựng, nhiên liệu xăng dầu cho đến anh đầu bếp nhà hàng… tất tần tật đều phải mang từ đất liền ra. Điều này khiến cho giá cả hàng hóa, dịch vụ ngoài đảo luôn cao hơn trong đất liền.

Giá cả hàng hóa dịch vụ trên đảo luôn cao hơn ở đất liền, do đầu vào chi phí cao

Phương tiện đi lại cũng vậy. Hiện nay các đảo ở Việt Nam rất phổ biến việc di chuyển bằng xe điện. Loại xe này sạch sẽ, tốc độ cũng vừa phải, thuận tiện cho ngắm cảnh, chụp ảnh. Bạn cũng có thể thuê xe máy tự đổ xăng, hoặc xe đạp… tùy theo nhu cầu. Nhưng mặt bằng chung giá cả khá cao.

Di chuyển bằng xe điện ở Côn Đảo

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có cách chi tiêu rẻ. Gợi ý: chịu khó đi sớm ra chợ hải sản, mua của dân đảo rồi thuê họ làm, đảm bảo bạn sẽ có trải nghiệm khó quên với chi phí rất hợp lý. Nếu bạn muốn biết thêm các tips kiểu đó, hãy để lại comment phía dưới bài nhé.

Điều kiện hạn chế

Cái hạn chế đầu tiên, nói đến có khi mọi người không để ý: đó là “nước”. Nên nhớ nơi ta đang ở là một hòn đảo, với xung quanh là biển cả mênh mông. Bằng một cách kỳ diệu nào đó, trên các hòn đảo vẫn có những mạch nước ngầm cung cấp nước ngọt cho người dân. Họ sẽ đào giếng hoặc xây bể chứa nước mưa. Tuy nhiên, khi khách du lịch đến đông, lại là một câu chuyện khác. Lượng nước cấp cho những vị khách có thói quen xài nước vô tội vạ ở thành phố tăng lên đột biến, có thể gây ra thiếu nước, thậm chí về lâu dài còn gây ra cạn kiệt nguồn nước.

Trong lúc du khách xả xối ào ào ở khách sạn, thì rất có thể người dân đảo đang phải chắt chiu từng chút nước cho sinh hoạt

Hạn chế thứ hai là về y tế. Tất nhiên rồi, với điều kiện xa xôi, đi lại gian nan, sẽ rất khó khăn cho công tác y tế, đặc biệt với những ca khẩn cấp. Vì thế, mọi người phải hết sức giữ gìn, đừng để xảy ra chuyện gì đáng tiếc khi đang còn trên đảo. Không phải trường hợp nào cũng có thể giải quyết được bằng tiền, kể cả khi bạn có rất nhiều tiền.

Nhưng… hoàn toàn xứng đáng

Kể một hồi toàn gian nan khốn khó, nghe có vẻ nản nhỉ? Nhưng không! Cái gì cũng có giá của nó. Những thứ bạn nhận được hoàn toàn xứng đáng. Biển trời mênh mông khoáng đạt, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, chất lượng không khí tuyệt hảo, một thế giới tách biệt hoàn hảo với bộn bề cuộc sống… tất cả là của bạn.

Biển trời bao la – đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Nếu trên đất liền, bạn chỉ có một phía để ngắm biển, thì trên đảo, biển cả bao quanh bốn bề. Sáng ngắm Mặt trời mọc phía Đông, chiều chụp ảnh Mặt trời lặn phía Tây.

Khung cảnh hoang sơ của biển đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Điểm cộng lớn nhất của các bãi biển trên đảo là vắng người. Nếu bạn đi trái mùa, có khi một mình bạn một bãi biển. Có thể một số người sẽ hơi choáng ngợp với khung cảnh ấy, nhưng khi đã quen, bạn sẽ thấy chán ngấy các bãi biển đông người.

Hoàng hôn trên đảo Cô Tô, Quảng Ninh

Tiềm năng biển đảo của Việt Nam thực ra rất lớn, cá nhân mình thấy còn hơn cả mấy nước xung quanh như Thái Lan, Campuchia, Philipin… Nhưng vì nhiều lý do, loại hình này vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng đó. Hy vọng trong những năm tới, với sự hỗ trợ của thông tin và cơ sở hạ tầng, sẽ có nhiều người đến với biển đảo hơn.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Trả lời