Ấn Độ – Về Miền Huyền Thoại

Chúng tôi đi Ấn Độ theo hành trình kinh điển của người Việt, có tên là “Tứ động tâm”, đi theo lộ trình tới 4 nơi ghi dấu các sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca:

  1. Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nay thuốc địa phận Nepal: Nơi Phật đản sinh,
  2. Bodgaya (Bồ Đề Đạo Tràng): Nơi Phật đắc đạo,
  3. Sarnath (vườn Lộc Uyển): Nơi Phật thuyết pháp lần đầu cho năm anh em Kiều Trần Như,
  4. Kushinara (Câu Thi Na): Nơi Phật nhập Niết Bàn.

Sở dĩ có cách gọi “Tứ động tâm” là muốn nói rằng, ai có cơ duyên đến được đủ những nơi này, sẽ có những rung động sâu sắc, chuyển hóa về tâm linh. Dĩ nhiên, với hệ thống giao thông ngày nay, các điểm đi sẽ không thể theo đúng thứ tự, mà phải thiết kế sao cho thuận tiện và an toàn.

Nhưng đó chỉ là khởi đầu. Đợi chúng tôi phía trước còn là rất nhiều những bất ngờ thú vị, mà chỉ trên mảnh đất chứa đầy huyền thoại này mới có.

 

  1. Bodhgaya

Chúng tôi bay từ Hà Nội tới sân bay quốc tế Kolkata (tên cũ: Calcutta), quá cảnh tại Bangkok, Thailand. Thành phố này đã từng là thủ đô của Ấn Độ dưới thời thuộc địa Anh cho tới tận năm 1911, và hiện nay vẫn là thủ phủ của bang Tây Bengal.

Thực chất, các chuyến bay quá cảnh chính là một dạng “gom khách”. Vì vậy, bạn sẽ luôn thấy một đặc trưng thế này: từ Việt Nam đến sân bay quá cảnh sẽ là muôn màu muôn vẻ các loại khách khác nhau, nhưng từ sân bay quá cảnh bay tới điểm đến, sẽ luôn mang nén đặc thù của nơi bạn sẽ đến. Đơn giản là, trên chuyến bay ấy, nếu không phải là những người sống hoặc làm việc, thì cũng là khách du lịch đang chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho những khám phá mới nơi đó.

Ấn tượng đầu tiên khi xuống sân bay là… người. Cơ man nào là người và người. Chỗ nào cũng là một biển người xếp hàng dài dằng dặc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tới một sân bay quốc tế đông đúc như vậy. Nhịp độ công việc hoàn toàn không có vẻ gì lúc này đang là 3 giờ sáng.

Sau hơn một giờ nhích từng bước làm thủ tục, cuối cùng chúng tôi cũng ra được nơi xe đón, bắt đầu khởi hành quãng đường 480km đi Bodhgaya. Có một lưu ý nho nhỏ là ở các quốc gia rộng lớn như Ấn Độ, thì quãng đường 500-1000km là cái gì đó rất… nhỏ, trong khi giao thông lại chưa được hoàn thiện lắm, nên thay vì sốt ruột, bạn nên thả lỏng nhấm nháp thời gian dần trôi. Người ta vẫn nói, vệ sinh là một vấn đề lớn ở Ấn Độ quả không sai. Cây cối bên đường phủ đầy bụi bặm, rác rến khắp nơi. Có thể tưởng tượng nếu dừng xe bước ra ngoài, ta sẽ thấy ngay mùi xú uế nồng nặc.

Đoàn ghé ăn sáng ở một quán nhỏ ven đường. Ban đầu cũng hơi “choáng” vì nhìn cái gì cũng đen nhẻm bụi bặm, từ mặt người đến mặt bếp, từ nhà vệ sinh đến bàn ăn…Oái oăm nhất là không có nhà vệ sinh cho nữ. Chỉ có một nhà vệ sinh chung, với xí xổm và bồn tiểu cho nam. Lưu ý là ở những xã hội như Ấn Độ, nơi vẫn còn nặng nề phân biệt nam nữ, khắp nơi bạn sẽ chỉ gặp đàn ông làm việc, bán hàng, phục vụ… Chỉ đến khi di chuyển tới các thành phố hiện đại hơn, mọi thứ mới dần khác đi. Còn lúc này, mấy anh em phải chia nhau ra đứng “bảo vệ” để chị em giải quyết nỗi buồn.

Bữa ăn cũng khá đa dạng: bánh mì đen, bánh ngọt, trứng luộc, cơm trộn, còn có cả cà phê… cũng ngon ra phết. Có lẽ qua một đêm di chuyển vừa đói vừa mệt, nên ăn cũng thấy ngon hơn.

Một góc bếp với các nhân viên phục vụ ở nơi dừng ăn sáng

Lắc lư trên xe thêm khoảng 8 giờ đồng hồ, đoàn cũng tới khách sạn. Nhận phòng, nghỉ ngơi một lát, anh Ranjit – hướng dẫn viên – dẫn đoàn đi thăm tháp Mahabodhi (Đại Bồ Đề), nơi có gốc cây Bồ đề (Pippala) tương truyền là nơi Đức Phật đã đắc đạo.

BodhGaya (Bồ Đề Đạo Tràng) là khu thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ, nằm phía nam thành Gaya nước Magadha (Ma Kiệt Đà) thời Ấn Độ cổ đại, bên dòng sông Niranjara (Ni Liên Thiền). Ngày nay, khu vực này nằm ở vùng ngoại ô thị trấn BodhGaya, đươc UNESCO công nhận là di tích văn hóa thế giới vào năm 2003.

Mặc dù Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng thực tế là nó đã bị thất truyền từ hàng ngàn năm nay. Hoạt động Phật giáo gần đây chỉ diễn ra ở một số khu vực với một số lượng người khiêm tốn, chủ yếu phục vụ cho mục đích du lịch hành hương của du khách đến từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan… Lúc này đang là tháng 2, bắt đầu mùa đại lễ, nên Phật tử và du khách khắp nơi đến rất đông. Ngay trên đường đi, bạn đã có thể bắt gặp các hình ảnh hành lễ, rước tượng, nhất bộ nhất bái (đi một bước lại quỳ lạy một cái)…

Một góc khu tháp Đại Bồ Đề

Trên đường từ khách sạn tới nơi tham quan, có đi ngang một khu chợ rất đông vui nhộn nhịp. Xe bán hàng, ăn uống, các trò biểu diễn xiếc nhào lộn trên dây… rất vui mắt. Lúc quay về khách sạn, không cưỡng được mùi thơm hấp dẫn và các màu sắc cực kỳ đa dạng của mấy hàng ăn ven đường, chúng tôi có ghé một quán bánh nhỏ, gọi thử 2 suất bánh nhìn có vẻ “dễ nuốt”. U là trời, nó vừa mặn vừa ngọt đến nỗi không thể ăn hết một phần. Đành ngậm ngùi bỏ lại một phần “ẩm thực địa phương” trên đĩa để về khách sạn ăn tối.

Kỷ niệm nhớ đời với “ẩm thực địa phương”

  1. Thành Vương Xá (Rajir) – Nalanda

Ăn sáng tại khách sạn xong, chúng tôi lên xe đi thăm thành Vương Xá (Rajir). Đây vốn là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) – một kinh thành cổ xưa của Ấn Độ – trị vì bởi vua Tần Bà Sa La (Bimbisara). Vua Tần Bà Sa La là người vô cùng mến mộ Phật giáo , và đã dâng một phần giang sơn cho Đức Phật, nhưng Ngài từ chối. Và cuối cùng, nhà vua cúng dường khu vườn trúc xinh đẹp, nơi sẽ dựng lên khu Tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), khởi nguồn cho lịch sử tu viện Phật giáo sau này.

Di chỉ khảo cổ, nơi phát hiện các dấu tích của chữ viết cổ cách đây hơn 5000 năm, nằm gần khu vực thành Vương Xá

Chúng tôi leo lên đỉnh Linh Thứu (Vulture’s Peak) gần đó, tương truyền là nơi Đức Phật thường ngồi giảng pháp cho các đại đệ tử. Từ trên đỉnh núi này, ta có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ khu vực thành Vương Xá xưa kia. Nếu chùn chân mỏi gối, bạn có thể thuê dịch vụ khiêng kiệu, vừa đỡ mỏi lại vừa có cảm giác như vua Tần Bà Sa La thuở nào lên núi viếng thăm Đức Phật.

Ngày nay, những địa danh này chỉ nằm trong các câu chuyện kinh điển, còn thực tế chỉ là một vùng đất khá xơ xác, với vài bức tường còn sót lại. Dọc đường là vô số người ăn xin với muôn hình vạn trạng cuộc sống lam lũ. Mặc dù rất đáng thương, nhưng bạn tuyệt đối không nên cho tiền. Nếu làm vậy, ngay lập tức bạn sẽ phải hối hận vì không thể thoát khỏi đám đông ăn xin bu đặc xung quanh.

Đường lên đỉnh Linh Thứu. Dọc đường là vô số người ăn xin

Sau khi ăn trưa, chúng tôi tới thăm Nalanda (Na Lan Đà) – trường Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới, cách thành Vương Xá khoảng 12km, thuộc ngôi làng Bada Ganon. Đây chính là nơi học giả Đường Huyền Trang – nhân vật trong tác phẩm “Tây du ký” nổi tiếng – đã dày công nghiên cứu và dịch toàn bộ kinh Phật từ tiếng Phạn để truyền bá về Trung Hoa trong suốt 13 năm. Nơi đây đã chứng kiến sự cường thịnh của Phật giáo suốt hơn 700 năm, từ thế kỷ V đến thế kỷ XII, trước khi bị hủy diệt bởi người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1193. Toàn bộ trường học, chùa viện bị đốt phá, và các tang sĩ bị giết hại rất nhiều. Chỉ có một số ít tăng sĩ và kinh sách được cứu và đưa vào Tây Tạng.

Bên những phế tích còn sót lại

Khu vực này được trùng tu và đón khách du lịch từ năm 2007. Mặc dù chỉ còn là phế tích, nhưng nó vẫn khiến người ta thán phục về quy mô rộng lớn của nó cách đây hơn ngàn năm.

Chụp ảnh kỷ niệm trước cổng trường Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới

Một cảnh sinh hoạt đời thường bên ngoài Na Lan Đà ngày nay

Chúng tôi quay trở về khách sạn ở BodhGaya ăn tối, nghỉ ngơi, và đi tới một khu chợ đêm gần đó. Ở đây, ta có thể thấy ngay định nghĩa của cực điểm ồn ào và hỗn loạn. Các dòng người chen chúc, gào thét vào tai nhau để trả giá trong môt “trung tâm mua sắm” là một khu đất có mái che. Bằng một cách nào đó, vợ tôi mua được một chiếc áo khá đẹp với giá rất rẻ (khoảng 75k vnd). Tất nhiên là chẳng thể mua được gì nhiều trong bối cảnh náo loạn đó, mặc dù có rất nhiều đồ hand-made đẹp và rẻ, chúng tôi chọn cách về ngủ để hôm sau tiếp tục lên đường sớm.

  1. Varanasi – Vườn Lộc Uyển

Đến ngày thứ 4 trong hành trình, bắt đầu có người cảm thấy ngán ngẩm khi bữa sáng nào cũng thấy món cà ri. Người Ấn ăn rất nhiều tinh bột: cơm, bánh mì, mì các loại… và đặc biệt là màu vàng và mùi đặc trưng của cà ri luôn là thành phần chính trong bữa ăn.

Lịch trình sáng nay là đi tới Varanasi – thành phố cổ 5000 năm tuổi – cách BodhGaya 240km. trên đường sẽ ghé thăm bức tượng Phật cao gần 300m (nhưng hôm đó đóng cửa nên chỉ đứng ngắm từ bên ngoài). Đã vậy, tình hình giao thông không khả quan lắm, dòng xe kẹt cả cây số. Cũng may là anh tài xế đã liều mình chạy ngược chiều để thoát khỏi tình trạng ùn ứ, để đoàn kịp đến điểm ăn trưa lúc…3 giờ chiều.

Ăn trưa xong, đoàn đi thăm vườn Lộc Uyển (Sarnath), theo âm Hán Việt nghĩa là “vườn nai”, nơi Đức Phật lần đầu giảng pháp cho anh em Kiều Trần Như (Kondanna) sau khi Ngài đắc đạo. Địa điểm này là 1 trong 4 thánh tích “Tứ động tâm”, cách thành Varanasi khoảng 13km về phía đông bắc.

Phía xa đắng sau là tháp Dhamekha, một trong các công trình còn sót lại của khu thánh tích

Mặc dù thánh địa này đã phát triển rực rỡ trong nhiều triều đại, và được trùng tu nhiều lần, nhưng hiện nay hầu hết các công trình Phật giáo ở đây đã hoặc bị tàn phá bởi người Hồi Giáo, hoặc bị hư hại theo thời gian, nhưng vẫn còn một số tòa tháp uy nghi trường tồn, và người ta đã cho xây dựng Bảo tàng Sarnath lưu giữ các di vật khảo cổ. Đặc biệt, nơi đây còn có cây bồ đề được chiết nhánh từ cây bồ đề ở BodhGaya.

Hoàng hôn nơi phế tích đẹp nhưng buồn da diết

  1. Thành phố cổ Varanasi – Dòng sông Hằng huyền thoại

Varanasi là một thành phố cổ hơn 5000 năm tuổi, nằm bên bở sông Hằng. Có một câu nói nổi tiếng về nơi này “Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và tuổi của nó gấp đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại”.

Sông Hằng – cũng giống như tất cả các con sông lớn ở châu Á – bắt nguồn từ dãy Hymalaya, theo hướng từ Bắc xuống Nam, nhưng khi qua đây, nó lại chảy ngược từ Nam lên Bắc hướng về đầu nguồn. Vì thế, trong tâm thức người Hindu, trên mảnh đất này, dòng sông Hằng chảy lên thiên đàng. Tâm nguyện cuối đời của họ là được hành hương về đây, được chết ở đây và tro cốt được rải xuống sông Hằng linh thiêng. Đó là lý do vì sao ở Varanasi có rất nhiều người già, ốm yếu, thậm chí đang nằm hấp hối. Dọc các con hẻm nhỏ, bạn sẽ thấy rất nhiều người nằm ngồi la liệt, mà không chắc họ còn sống hay không.

Nghi thức tắm trong dòng sông linh thiêng, bất chấp cái giá lạnh cắt da

Chúng tôi được khách sạn đánh thức từ 4 giờ sáng, để 5 giờ đã có mặt ở bến sông. Trời lạnh và đầy sương giá mù mịt, nhưng cũng không ngăn được sự tò mò của các du khách hiếu kỳ. Dường như thời gian chưa hề đi qua nơi này. Mọi nghi lễ cổ xưa và có phần quái dị như hàng ngàn năm trước vẫn đang diễn ra ngay trước mắt tôi, ngay tại thế kỷ 21 này. Góc kia là mấy tay phù thủy đang vừa thổi lửa vừa hoa tay múa chân làm phép, chỗ này lại là mấy người túm tụm có vẻ như đang bói toán gì đó. Dưới song, vài dàn thiêu xác đang cháy dở, củi nổ lép bép và rơi xuống sông, lẫn với những phần thi thể chưa cháy hết. Thực tế là, để có thể thiêu xác trọn vẹn, bạn phải có đủ tiền để mua củi cho dàn thiêu, còn không, bạn phải chấp nhận việc thiêu dở dang.

Mặt trời dần ló dạng trên mặt song rộng mênh mông như biển, soi rõ dần cảnh sinh hoạt của phố xá. Một số quán trà, ăn uống, biểu diễn trò chơi xin tiền… lao xao nhộn nhịp dần. Một cách dè dặt, chúng tôi sà vào thử vài món ăn đồ uống địa phương. Đặc biệt nhất có lẽ lại là món đồ uống phổ biến nhất của Ấn Độ: Trà sữa. Ở đây, khi nói “trà sữa” có nghĩa là rót trực tiếp sữa bò tươi vào trà. Sữa thơm ngậy quyện với các  thảo mộc trong trà, tạo nên hương vị đặc trưng rất khó tả. Cũng may trong đoàn không ai bị đau bụng.

Đón bình minh trên dòng sông Hằng linh thiêng

Và quạ. Ôi chao là quạ. Tiếng kêu ai oán của loài chim này trong buổi sớm lạnh lẽo tĩnh mịch, càng làm tăng thêm vẻ thê lương nơi mảnh đất gắn liền với cái chết của người Hindu này. Quạ khắp nơi: trên thuyền, trên vách đá, trên mặt sông… đang chờ đợi để “xử lý” nốt những phần thi thể còn sót lại kia.

Người Ấn Độ phần lớn theo đạo Hindu, thờ thần Bò. Vì thế, họ không bao giờ ăn thịt bò, mà chỉ để chúng già yếu rồi tự chết. Những chuyện kiểu ấy khiến cho lũ Quạ ở đây rất đông đảo. Chúng luôn rình rập đâu đó hoặc ngang nhiên đậu trên lưng một con bò sắp chết, chờ đợi giây phút quyết định.

Nghi thức trước khi hỏa táng

Thử món trà sữa Ấn Độ

Điều khiển, chơi đùa với rắn hổ mang – trò tiêu khiển phổ biến ở các thành thị xưa

  1. Kushinaga

Tạm biệt Hằng Hà, đoàn khởi hành hướng về Kushinagar (Câu Thi Na), một thị trấn nhỏ của bang Utta Pradesh, nằm sát biên giới với Nepal. Đây là điểm mốc quan trọng thứ 3 của hành trình, liên quan tới cuộc đời Đức Phật, nơi Ngài đã nhập diệt và cũng là nơi cử hành lễ Trà Tỳ Kim Thân (thiêu xác).

Đoạn đường này là khó khăn nhất của cả hành trình. Đường đi gồ ghề trồi sụt, xóc nảy liên tục. Khởi hành từ Varanasi lúc 9:00 sáng, mà tới 7:00 tối chúng tôi mới tới được khách sạn. Mệt mỏi là vậy, nhưng khi nghe thấy tiếng nhạc vui nhộn ở làng bên, lập tức có một nhóm nhỏ trong đoàn đã mò sang. Hóa ra là có một đám cưới. Thanh niên trai gái nhảy múa tưng bừng. Điểm đặc biệt là ở đây người ta hoàn toàn không dùng các chất kích thích như bia rượu hay đồ uống có cồn khác. Có điều, giữa đêm tối ở một nơi xa lạ, đám người ngoại quốc sẽ gây chú ý và hoàn toàn có thể bị nguy hiểm. Cho nên, ngay khi biết chuyện, nhân viên khách sạn lập tức đi sang yêu cầu chúng tôi quay về ngay.

Ở một nơi heo hút vùng biên cương này, đêm cũng dài hơn, lại chẳng có gì để chơi. Mọi người khai form xin visa để sáng mai nhập cảnh Nepal, chơi bài một hồi rồi cũng ngáp ngắn ngáp dài, chào nhau đi ngủ.

Khu vực này hiện nay hầu như không còn lưu giữ được gì nhiều/ Thậm chí, để đi được đến các điểm tham quan, du khách phải đi qua cả nhà dân địa phương. Tháp Niết Bàn, chỉ có duy nhất bức tượng Đức Phật Thích Ca nằm trong tư thế kiết tường, dài 6m, được tạc bằng đá đen và có dát vàng.

Nghi lễ đắp y lên tôn tượng Đức Thế Tôn, và đi bộ 3 vòng quanh tượng

  1. Lumbini

Rời Kushinagar, đoàn nhằm hướng biên giới Nepal thẳng tiến. Biên giới Ấn Độ với những con đường bụi mù mịt, vừa chật hẹp vừa xóc nẩy. Càng đi về phía Nepal, cảnh vật càng xơ xác tiêu điều.

Thủ tục khai Thị thực tại cửa khẩu (Visa on Arrival) diễn ra chóng vánh với mức phí 20 usd/ người.

Khu vực làm thủ tục Hải quan tại biên giới Ấn Độ – Nepal

Vườn thánh địa Lâm Tỳ Ni (Lumbini) là nơi Đức Phật sinh ra đời, ngày nay thuộc quận Rupandehi, Nepal, cách biên giới với Ấn Độ khoảng hơn 30km, nằm ngay dưới chân dãy núi Hymalaya. Xưa kia nơi đây thuộc khu vực cách khoảng 25km về phía đông của kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Hoàng hậu Maya Devi đang trên đường trở về nhà cha mẹ để sinh con đầu lòng – theo tục lệ thời ấy – thì chuyển dạ hạ sinh Đức Phật ở đây. Vua cha Tịnh Phạn (Siddhartha Gautama) và đoàn tùy tùng đến rước Hoàng Hậu và Thái Tử về cung, đặt tên là Tất Đạt Đa.

Bức tượng phía sau đoàn: Theo truyền thuyết, vừa sinh ra, Đức Phật đã đi tới 7 bước, chỉ 1 tay lên trời và 1 tay xuống đất, nói “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là đấng Thượng tôn)

Thánh địa Lâm Tỳ Ni ngày nay được biết tới, là hoàn toàn nhờ công lao to lớn của vua A Dục (Ashoka), một vị vua rất mộ Phật. Sau khi đăng quang lên ngôi, Đức vua đích than đi chiêm bái các Thánh tích, và cho dựng một trụ đá ghi rõ “Đây là nơi Đức Phật đản sinh”. Nhờ đó mà vào năm 1806, các đoàn khảo cổ có thể phát hiện và chứng minh, rồi được chính phủ Nepal công nhận, và UNESO chính thức ghi nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1997.

Hiện trạng nơi đây chỉ là một khu phế tích hoang sơ tiêu điều. Trụ đá A Dục đổ nát theo thời gian, được bảo vệ bởi một khung sắt han rỉ. Bên cạnh có một đền thờ Hoàng hậu Maya Devi và một hồ nước tương truyền là nơi Hoàng hậu tắm sau khi sinh hạ Thái tử.

Khu vực nhà tưởng niệm, bảo vệ các di chỉ khảo cổ còn sót lại. Bên trong có một bức phù điêu diễn tả cảnh Hoàng hậu Maya Devi hạ sinh Thái tử

Tại khu vực này, chính phủ Nepal đã cấp đất cho xây dựng nhiều chùa chiền của các quốc gia khác nhau. Việt Nam chúng ta cũng có một ngôi chùa khá quy mô do sư thầy Thích Huyền Diệu phát tâm kêu gọi công đức xây dựng. Nếu có cơ hội, bạn nên tới Chùa để thấy được công sức to lớn đã biến một vùng đầm lầy hoang vu thành một địa điểm tôn giáo ý nghĩa. Đặc biệt ở đây còn có loài chim Hồng hạc rất đẹp thường bay về trú ngụ và kiếm ăn.

  1. Sravasti

Sravasti (thành Xá Vệ) là tên gọi kinh đô cổ xưa của vương quốc Kosala được trị vì bởi vua Pasenadi, một con người vô cùng kính mộ Đức Phật. Đây là nơi gắn bó rất mật thiết với cuộc đời truyền dạy giáo pháp của Đức Phật: trong 45 năm truyền đạo, thì đã có tới 25 “Mùa Mưa An Cư” Ngài trải qua ở đây.

Cây Bồ đề được chiết nhánh từ cây nguyên thủy tại BodhGaya, được trồng bên trong khuôn viên của Kỳ Viên

 Nơi đây có một đại thí chủ tên là Cấp Cô Độc (Anathapindika) – cái tên nghĩa là “người chuyên chu cấp cho người nghèo” – nổi tiếng với câu chuyện cúng dường khu vườn Kỳ Viên để xây dựng tinh xá cho Đức Phật với một giá cực kỳ đắt đỏ, tương đương số vàng ròng đủ để trải khắp khu vườn.

Khu vực được cho là nơi ở của Cấp Cô Độc xưa kia, giờ chỉ là một gò đất trống

Ngày nay, Sravasti thuộc quận Bahraich, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow 160km về phía Đông, được kết nối bởi đường xe lửa Bắc – Đông, mà chúng tôi sẽ trải nghiệm ngay sau đây.

  1. Lucknow – Taj Mahal

Tạm biệt các thánh tích Phật giáo, xe đưa đoàn hướng về Lucknow để bắt xe lửa đi Agra, nơi có một kỳ quan của kiến trúc Hồi giáo Ấn Độ: Đền Taj Mahal.

Tới Lucknow vẫn còn sớm. Trong lúc chờ tới bữa trưa, chúng tôi thả bộ xung quanh, ngắm nghía đường phố nhộn nhịp của nếp sống hiện đại, khác xa với những gì trải qua mấy ngày vừa rồi. Nơi đây đã rất gần với thủ đô Dehli, nên hàng quán, đường phố khá đông đúc, có cả trung tâm thương mại tên Singapore Mall.

Sau khi dùng bữa trưa ở khách sạn Lineage, xe đưa đoàn ra nhà ga để bắt chuyến xe lửa lúc 15h35. Phải nói là, hệ thống đường sắt của Ấn Độ tuy nhìn ngoài có vẻ cũ kỹ, nhưng dịch vụ lại khá tốt. Nhân viên nhiệt tình, thân thiện, có phục vụ cả đồ ăn nhẹ và trà. Tất nhiên, nơi này đã rất gần thủ đô, và đây là tuyến đường sắt hiện đại bậc nhất cả nước. Còn trên thực tế, tình trạng quá tải, tai nạn đường sắt với những hệ thống lỗi thời luôn là vấn đề nhức nhối của đường sắt Ấn Độ.

Quang cảnh bên trong nhà ga thành phố Lucknow

Bên trong toa hành khách

Chuyến tàu chạy tầm 5 tiếng thì đến ga Agra. Vì đây là một ga phụ, chỉ dừng 2 phút, nên chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng hành lý từ trước, đứng chờ sẵn ở lối lên xuống, cửa mở là lao ngay xuống. Xe đón về khách sạn Crystal Inn thì đã 9h tối.

Suất ăn nhẹ trên tàu khá tươm tất, còn khá hơn suất ăn trên máy bay ở Việt Nam

  1. Taj Mahal – Jaipur

Đi xa và kể nhiều chuyện vậy, nhưng thực tế là chúng ta vẫn chỉ đang ở bên trong bang Uttar Pradesh. Đền Taj Mahal thực chất là một lăng mộ, nằm trong khuôn viên vườn Mughal mênh mông bên dòng sông Yamuna thuộc quận Agra, do vị vua Mughal Shah Jahan cho xây dựng để tưởng nhớ người vợ rất mực yêu quý của mình là Mumtaz Mahal. Công trình này không những là một viên ngọc quý của kiến trúc Hồi giáo, mà còn là di sản vô cùng độc đáo của nhân loại.

Con đường phía trước dẫn vào Đền

Công trình được kết hợp từ vô số khối đá cẩm thạch trắng, với các đường nét, hình khối được chạm khắc tinh xảo, mềm mại. Gần 20.000 thợ thủ công từ khắp các quốc gia đã tập trung về đây để tạo nên tuyệt tác này trong hơn 20 năm (1632-1653).

Có một câu chuyện đặc biệt là, trong Thế chiến thứ 2, người ta đã “ngụy trang” cho khu lăng mộ kỳ vĩ đồ sộ này bởi… cây tre. Và bằng một cách nào đó, nó đã không bị phát hiện và oanh tạc bởi các máy bay chiến đấu, nên vẫn còn giữ được nguyên vẹn sau chiến tranh.

 

Các khối đá cẩm thạch trắng được chạm khắc vô cùng tinh xảo.

Chưa hết choáng ngợp bởi vẻ kỳ vĩ của Taj Mahal, chúng tôi tiếp tục ngẩn ngơ trước vẻ đẹp lộng lẫy mà uy nghiêm của khu Pháo Đài Đỏ ngay gần đó. Gọi là “Pháo đài” vì nó là một kiểu pha tạp giữa kiến trúc Ấn Độ, Hồi giáo của Iran và cả phương Tây. Thực chất, đây là cung điện dành cho hoàng tộc Ấn Độ, mang dấu ấn của nhiều triều đại khác nhau.

Tham quan khu Red Fort trên lưng voi là một trải nghiệm thú vị

Để tham quan được hết khu vực này cũng khá mất thời gian. Bạn sẽ đi khắp các tòa ngang dãy dọc, bao gồm nhiều nơi nghỉ ngơi, làm việc, nhà ăn, nhà cầu nguyện… của vua và hoàng tộc. Có Cung điện mùa hè và Cung điện mùa Đông. Chỗ nào cũng đông đúc khách tham quan và xứng đáng để chụp ảnh sống áo.

Vẻ đẹp lộng lẫy nhưng cũng vô cùng tinh tế

Quay về khách sạn, ăn trưa và nghỉ ngơi một lát, xe lại tiếp tục hành trình hướng về Dehli, với điểm đến tiếp theo là thành phố Jaipur. Nơi đây đã là phố thị với các điểm du lịch, nên đường sá khá đông đúc, và giá cả thì… trên trời. Ở khu mua sắm, chúng tôi mua được một số đồ quần áo vải vóc sau khi đã mặc cả còn một phần tư giá người bán đưa ra, mà cảm thấy như vẫn hớ.

Ở Jaipur có một khu trung tâm thương mại tên là JT Barjaz. Bạn có thể đi tuktuk ra đó chơi, tuy nhiên không nên đi một mình và vào lúc tối muộn. Khá vắng vẻ và không an toàn lắm.

 

  1. Cung điện Amer – Dehli

Chúng tôi dành buổi sáng để đi tham quan khu phố cổ được sơn toàn một màu hồng – gọi là “Pink City”, và cưỡi voi leo dọc theo một phần con đường được mệnh danh là “Vạn lý trường thành” của Ấn Độ, dài 800km từ Jaipur đi Dehli, để lên thăm cung điện Amer, cung điện Royal Palace – nơi ở và làm việc của triều đại phong kiến cuối cùng.

Bên trong cung điện, nhiều hoạt động tái hiện cuộc sống của triều đính để phục vụ du khách

Trước khi rời mảnh đất huyền thoại, chúng tôi cũng kịp đi một vòng City tour quanh Dehli, tham quan Indian Gate, Nhà Quốc hội, công viên trung tâm… để cảm nhận thấy rõ sự tương phản cao độ của các vùng miền, nơi thì cực kỳ hiện đại, đầy đủ tiện nghi, trong khi nhiều nơi, người dân vẫn sống như cha ông họ từ nhiều thế kỷ trước. Ở khắp nơi, bạn đều có thể cảm nhận được sự tương phản đến đối lập, nhưng lại hòa quyện với nhau tạo nên cuộc sống hàng ngày kỳ lạ này. Cùng là một góc phố, có những người ăn mặc sang trọng, nước hoa thơm phức, bên cạnh lại là rất đông người vô gia cư nhếch nhác bẩn thỉu. Bên trong những khu vực xa hoa tráng lệ, vẫn có những nghi thức cực kỳ cổ xưa… Cho nên, không quá lời khi nói rằng, đến Ấn Độ, nhiều khi ta không biết là mình đang sống ở thế kỷ nào.

Indian Gate là một Đài tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong Thế chiến thứ nhất. Cổng nằm ngay đầu con đường Rajpath – trục đại lộ dẫn thẳng đến dinh Tổng thống. Người dân Ấn Độ thường thích tập trung vui chơi ở đây.

Trên chuyến bay trở về Việt Nam, mọi ký ức của gần hai tuần trên đất Ấn Độ như những thước phim đan xen lẫn lộn trong đầu, mà phải rất lâu sau tôi mới có thể sắp xếp liền mạch lại. Mặc dù đã tìm hiểu khá kỹ càng trước khi đi, nhưng quả thực với tâm thế từ một quốc gia bé nhỏ đi sang một nền văn hóa vĩ đại, không thể tránh khỏi cảm giác choáng ngợp. Dù thế nào, thì chuyến đi đã mãi mãi là một dấu ấn không thể quên trong đời.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Trả lời