Điểm hẹn ở một quán Craft Beer giờ đã chẳng còn xa lạ với mọi người. Trước đây, craft beer (hay còn gọi là bia thủ công) là một khái niệm khá mới mẻ và có phần xa xỉ. Nhưng vài năm lại đây, với sự phát triển của nhiều quán bia cũng như các xưởng sản xuất, loại bia này đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một trào lưu.
Các quán bia craft thường có không gian khá “sang chảnh”, không quá bình dân như bia hơi. Đồ ăn đa dạng từ loại để nhâm nhi tới đồ ăn no. Nhìn chung, bạn có thể “uống chơi chơi” vài ly sau khi đã ăn tối, hoặc có thể dùng bữa cùng bạn bè, đối tác… đều phù hợp.
Có thể bạn đã một hoặc nhiều lần uống bia thủ công, nhưng thực sự bạn đã hiểu rõ nó là gì, được sản xuất thế nào, các thuật ngữ ghi trên Menu có nghĩa là gì chưa? Hãy cùng nhau tìm hiểu dưới đây nhé.
Bia thủ công cũng phù hợp với kiểu “uống chơi” thưởng thức
Mục lục
Bia thủ công, hay còn gọi là Craft Beer, là loại bia được ủ hay sản xuất tại những xưởng ủ bia có sản lượng nhỏ, thường là những xưởng sản xuất hoạt động độc lập, và áp dụng quy trình ủ bia truyền thống, kết hợp với những nguyên liệu đa dạng để tạo hương vị riêng biệt. Mỗi xưởng bia lại mang đến những hương vị bia độc đáo với công thức của riêng mình, được phát triển bởi những “brewmaster” (thợ ủ bia chính). Bia thủ công là sự kết hợp khéo léo từ nguyên liệu truyền thống và sự sáng tạo trong quá trình ủ bia, lên men rồi kết hợp với những nguyên liệu đặc trưng theo từng vùng miền, từng khẩu vị để tạo ra sự khác biệt.
East West là một thương hiệu bia thủ công rất nổi tiếng
Trong khi các loại bia công nghiệp được sản xuất với sản lượng hàng triệu lít một lần thì bia thủ công giới hạn hơn thế rất nhiều. Một xưởng bia craft dù lớn đến đâu cũng chỉ sản xuất ra tối đa không quá 1000 lít/lần và không quá 6 triệu lít một năm. Các nhà làm bia thủ công quan niệm “chất lượng hơn số lượng”. Sản lượng ít giúp họ đảm bảo mỗi mẻ bia được ủ ra đều thực sự tinh túy.
Tất nhiên, bia nào thì cũng đều được làm từ 4 nguyên liệu cơ bản là nước, hoa bia, mạch nha và nấm men. Ngành sản xuất bia công nghiệp ngày nay cũng sử dụng thêm nhiều phụ liệu để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên nhìn chung nguyên liệu của bia công nghiệp khá giới hạn. Hầu hết chúng đều có công thức không sai biệt lắm.
Bia thủ công lại khác. Nguyên liệu của bia thủ công rất phong phú, một người nấu bia giống như một người đầu bếp giỏi, được thoả sức sáng tạo với 4 nguyên liệu chính và kết hợp thêm vô số phụ liệu khác. Với niềm đam mê bất tận, các nhà làm bia craft không ngừng tìm tòi và thử nghiệm để tạo ra những hương vị bia độc đáo của riêng mình.
Hương vị của craft bia rất phong phú, phù hợp cho cả nam và nữ giới
Bia craft mang phong cách cá nhân của người tạo ra nó. Người thợ ủ bia theo trường phái khác nhau sẽ tạo ra hương vị khác nhau, với hàng ngàn loại trái cây, hương liệu, thảo mộc khắp mọi nơi. Đặc biệt, những dấu ấn mang tính đặc thù của mỗi vùng miền cũng có thể trở thành chất liệu sáng tạo để làm nên những hương vị bia độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.
Sự kết hợp khéo léo giữa nguyên liệu truyền thống, nguyên liệu vùng miền và sự sáng tạo trong quá trình ủ bia, lên men tạo nên điều khác biệt. Không bao giờ đo đếm được sự đa dạng mà hương vị bia craft mang lại. Hoàn toàn khác với hương vị bia công nghiệp phổ biến trên thì trường!
Nếu chưa quen, bạn có thể nhờ nhân viên tư vấn để thưởng thức được nhiều hương vị khác nhau
Để tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, ngành bia công nghiệp hiện tại sử dụng công nghệ enzym kỹ thuật. Phương pháp này giúp sản xuất dịch nha trực tiếp từ hạt đại mạch hoặc sắn lát (khoai mì lát) mà không cần malt (hỗn hợp mạch nha được tạo ra sau khi cho các loại hạt ngũ cốc ươm mầm).
Ngoài ra quy trình sản xuất bia phổ thông cũng cắt giảm và điều chỉnh nhiều bước so với truyền thống để tối ưu hóa sản lượng. Đổi lại, với những sự thay đổi này, chất lượng bia tạo ra sẽ khó có thể hoàn hảo như kỳ vọng của những nhà thưởng thức sành sỏi., mà chỉ ở mức “thương mại”.
Trong khi đó, để giữ được tinh túy của mình, bia craft vẫn trung thành với quy trình ủ bia truyền thống. Trong quy trình này, người làm bia khéo léo giữ lại men bia, nhân tố quyết định độ đắng và mùi thơm đặc trưng của bia. Thời gian lên men của bia craft cũng tuân thủ chuẩn 3-6 tuần, giúp mẻ bia cho ra hương vị tuyệt hảo. Quan trọng không kém là bia hoàn toàn không có chất bảo quản! Tuy điều này khiến bia chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn sau khi ra thành phẩm nhưng lại đảm bảo nguyên vị và tốt cho sức khỏe người uống.
Bia craft được ủ ở gia đình hoặc các xưởng sản xuất bia nhỏ, độc lập. Nói một cách đơn giản, bia craft là một loại bia không được sản xuất bởi một nhà máy/tập đoàn bia công nghiệp. Quy mô nhỏ, không chạy theo sản lượng khổng lồ giúp bia craft luôn giữ được tinh túy hương vị khiến người thưởng thức say mê.
Chính vì thế, bạn sẽ hay được nhân viên ở quán giới thiệu “Hôm nay nhà em có mẻ bia abc…”, cũng là một nét đặc trưng của bia thủ công đó.
ABV là viết tắt của Alcohol By Volume, là chỉ số cho biết nồng độ cồn trong bia (%). ABV là công thức đo lường chuẩn quốc tế, được tính bằng số ml cồn trong 100ml chất lỏng ở 20 độ C, đây chính là chỉ số % mà bạn hay thấy trên nhãn chai/lon bia. Số % càng lớn thì nồng độ cồn của loại bia đó càng mạnh. Mọi người thường hay dùng từ bia “nặng” hay “nhẹ” là để nói đến độ cồn này.
Bạn có thể tìm thấy thông tin về ABV chỉ đơn giản bằng cách nhìn lên thân chai hoặc lon bia. Ở hầu hết các quốc gia, thông tin này bắt buộc phải được in trên bao bì của bia. Nếu không tìm thấy trên nhãn chai, bạn có thể tìm trong menu hoặc hỏi nhân viên phục vụ trước khi chọn bất cứ loại bia thủ công nào.
Đối với các loại bia lager (sản xuất bằng phương pháp lên men chìm) phổ biến như Tiger, Budweiser, Heineken… thì nồng độ sẽ ở mức 5%. Bia craft có nồng độ cồn đa dạng hơn, dao động từ 3%-10%.
Nhiều người dùng hay hiểu lầm bia craft có ABV cao nên ngần ngại thử, đặc biệt là nữ giới. Thực tế có không ít loại bia craft không chỉ có nồng độ cồn thấp, mà còn vì hương thơm, vị chua của quả mâm xôi, màu sắc hồng cam tuyệt đẹp.
Nếu bạn chọn các loại bia có ABV cao hơn 5%, hãy chuẩn bị tinh thần để say một cách nhanh chóng. Việc chú ý đến chỉ số ABV giúp bạn chọn được loại bia craft phù hợp với thể trạng ở từng thời điểm, giữ vững phong độ, không để mình rơi vào trường hợp bị “ma men” đánh gục.
Khi còn ở Hà Nội, mình hay ngồi quán craft bia tên là Evenstar ở Phạm Ngọc Thạch, sau chuyển lên ngã tư Bà Triệu – Tô Hiến Thành. Bia ngon, giá hợp lý, nhân viên thân thiện
IBU là viết tắt của International Bitterness Units, là cách đo lường lượng iso-alpha axit hình thành trong quá trình nấu bia.
Chính loại axit này là nhân tố quyết định vị đắng của bia. IBU tiêu chuẩn có các mức từ 0–100+. Chỉ số IBU càng cao, bia sẽ càng đắng. Ngược lại, chỉ số càng thấp, bia sẽ càng ít đắng và dễ uống hơn.
Vì IBU tương quan tốt với cảm giác đắng của bia nên dễ dàng hiểu được đây là chỉ số yêu thích của các thợ nấu bia. Nhờ chỉ số này mà thế giới bia trở nên thú vị, mỗi loại bia sẽ có một hương vị và độ đắng khác nhau, tạo nên một thế giới bia đầy màu sắc và là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sản xuất bia.
Phần lớn các loại bia mà bạn đã từng uống sẽ có IBU nằm trong khoảng 5-120 (số càng lớn thì bia càng đắng), bia phổ biến tại thì trường Việt Nam thường có IBU nằm ở khoảng 30–35. Bạn nên lưu ý thông số này để có sự tham chiếu về độ đắng khi thử một loại bia mới.
Tham khảo IBU của một số thương hiệu bia phổ thông ta sẽ có mức IBU khác biệt: Tiger có IBU bằng 0, Heniken có chỉ số IBU là 23. Điều này giải thích cho việc nhiều người uống thường bảo bia Heniken đắng hơn Tiger!
Nhiều khi mức IBU trong bia đã thể hiện luôn trong tên loại bia. Ví dụ, các loại bia có Strong Ale, Porter, Stout trong tên gọi thường nằm ở vị trí khá cao trong bảng định lượng IBU. Tuy nhiên, với sự phát triển và đa dạng hóa của các nhà sản xuất bia thủ công, cách phân định này không còn chính xác như trước nữa, một phần là do hiện nay có rất nhiều phương pháp để sản xuất ra cùng một loại bia thủ công.
Mình hay chọn loại bia Tê Tê Electric IPA này, phần vì ủng hộ thương hiệu Việt, phần vì khẩu vị cũng “vừa miệng” (ABV 5.8%, IBU 45)
Body là thuật ngữ dùng để diễn tả chất nền, độ đặc và đậm của bia. Khái niệm này cũng dùng phổ biến với rượu vang, trà và cà phê.
Để đánh giá chất lượng đồ uống, ta sẽ cảm nhận cả quá trình từ trước, trong và sau khi thưởng thức. Ví dụ trước khi uống sẽ quan tâm đến hương (flavor) khi đưa lên mũi ngửi, trong khi uống sẽ để ý tới body và “taste” (vị) trong khoang miệng, còn sau đó sẽ là “after taste” (dư vị, hậu vị) là các hương vị đọng lại trong cuống họng, sống mũi…
Hầu hết các loại bia lager phổ biến như Tiger, Heniken, 333… sẽ được xếp vào hạng “body mỏng”. Chỉ khi bạn đặt chân vào thế giới bia craft, bạn mới được dịp tiếp xúc với các loại bia có “body vừa” đến “body dày”. Tức là mùi vị sẽ đặc và đậm hơn.
Nếu tiếp khách, mình hay chọn quán Belgo ở Lê Ngô Cát, quận 3. Không gian đẹp, bia và đồ ăn ngon
Viết xong bài này, lại thấy thèm ly bia craft. Chắc lát phải nhắn rủ vài bạn bè đi làm vài quai mới được.