Nếu bạn muốn sẻ chia, đóng góp cho cộng đồng, luôn có các cơ hội để làm việc đó. Xung quanh chúng ta luôn có những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, những hoạt động cần nhiều người chung tay góp sức. Không cần đợi đến lúc dư dả thời gian hay tiền bạc, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể tham gia cá hoạt động như vậy. Miễn là bạn thực sự mong muốn.
Thiện nguyện, có thể là quyên góp, đóng góp vật chất như quần áo, sách vở, chăn đệm…, cũng có thể chỉ là tặng một bài hát, có những lời động viên, hoặc viết bài chia sẻ thông tin, lan tỏa năng lượng tích cực, cùng nhau nấu cơm tặng bệnh nhân, v.v…
Dưới đây mình muốn chia sẻ một vài hoạt động như thế.
Mục lục
Andros The Lakes Race là một giải chạy quy mô nhỏ, ở khu vực Hồ đá Làng Đại học thuộc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Năm 2023 là lần thứ 5 giải được tổ chức, với mục đích kêu gọi ý thức cộng đồng, thông qua hoạt động chạy bộ cùng trẻ mồ côi đến từ các mái ấm tình thương khắp nơi, cùng nhiều việc làm ý nghĩa khác như quyên góp giầy cũ, cùng nhau nhặt rác…
Xem thêm: Andros The Lakes Race – Một Hoạt Động Nhân Văn
Niềm vui của trẻ khi hoàn thành cuộc đua
Ngoài việc tạo ra sân chơi lành mạnh, khuyến khích vận động, toàn bộ tiền thu được từ việc bán Bib sẽ được quyên góp cho các trại trẻ mồ côi.
Các bé mồ côi thuộc trung tâm nhân đạo “Quê hương”
Tham gia công tác tổ chức giải là hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng mỗi người, sẽ được phân công vào các đội nhóm phù hợp như tiếp nước, đường chạy, phát medal…
Con gái tham gia chạy ủng hộ
Cùng nhau thu gom rác – một hoạt động trong chương trình
Hai vợ chồng Chris Devoize cùng cậu con trai nhỏ quả là một gia đình tích cực và tràn đầy năng lượng. Chris vừa là người sáng lập, đồng thời cũng chịu trách nhiệm tổ chức giải chạy từ thiện này. Cậu con trai cũng thử sức với cự ly 2km.
Chris là sáng lập viên, đồng thời là Giám đốc giải chạy
Think Playground (TPG) là tên một doanh nghiệp xã hội, gồm một số thành viên chịu trách nhiệm điều hành hoạt động và kêu gọi các nguồn lực xã hội. Ý tưởng của nhóm là sử dụng các vật liệu rẻ tiền hoặc phế liệu như tre gỗ, lốp xe cũ… để tạo ra các sân chơi cho trẻ em khắp nơi.
Mỗi khi sắp xếp được thời gian, mình sẽ tham gia cùng nhóm để đóng góp khi thì công sức, khi thì tài chính… để cùng nhau biến các kế hoạch thành hiện thực.
Hình ảnh bên dưới là một sân chơi được làm cho học sinh trường tiểu học ở xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chài, tỉnh Yên Bái.
Công việc bắt đầu từ một mặt bằng trống
Mỗi người một việc, tùy theo khả năng của mình
Ngoài việc xây dựng sân chơi và lắp đặt các dụng cụ, tụi mình còn vào thăm từng nhà trong bản, hỏi thăm, tặng quà, giao lưu văn nghệ, thể thao với các em học sinh, tặng vở và sách giáo khoa cho Nhà trường…
Ban ngày đi tặng quà các gia đình trong xóm
Buổi tối giao lưu văn nghệ với các em học sinh
Niềm vui với đồ chơi mới
Mặc dù vẫn còn e dè, nhưng các em vẫn không giấu được vẻ háo hức, tò mò
Đại diện Nhà trường nhận quà là những cuốn sách giáo khoa và vở viết
Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực miền núi chịu thiếu thốn trăm bề. Đường sá xa xôi, hiểm trở. Thời tiết khi thì lạnh thấu xương, lúc lại nóng rát mặt. Những nơi như Hà Giang thậm chí còn không có nước để làm nông nghiệp, do đặc thù địa hình núi đá, mưa xuống là trôi hết. Nhà nước phải hỗ trợ xây các bể chứa nước mưa lơ lửng giữa các vách núi.
Tự “thồ” hàng lên núi mới thấu hiểu cảnh vất vả của đồng bào miền núi
Có nhiều đoạn còn không đi xe máy được, vác đi bộ
Cuộc sống đã khó khăn, nói chuyện đi học với trẻ em ở các vùng này lại càng khó khăn gấp bội. Thiếu thốn đủ thứ: trường lớp, sách vở, giáo viên.. Và quan trọng hơn, là trả lời câu hỏi “Học để làm gì?” giữa bối cảnh đó. Những động viên về vật chất và tinh thần từ khắp nơi là nguồn động lực rất lớn để các em đến trường.
Có nhiều thứ, ở nhà con bạn vứt lăn lóc không đụng đến, nhưng với trẻ em ở đây là những món đồ xa xỉ
Cùng phân phát đồ dùng cho người dân
Chụp hình lưu niệm trước khi ra về
Hàng năm, đồng bào miền Trung nước ta thường hay phải chịu cảnh lũ lụt, thiệt hại rất nặng nề. Đặc biêt từ khi các dự án thủy điện phá rừng đào hồ bừa bãi, gây mất cân bằng sinh thái, lũ lụt ngày càng nhiều, quy mô rộng hơn và mức độ tàn phá cũng lớn hơn.
Chia các phần quà mang tới từng gia đình gặp khó khăn
Mỗi lần như thế, có rất nhiều chuyến hàng viện trợ từ khắp mọi miền Tổ Quốc đổ về với miền Trung, để được đưa tận tay những con người khốn khổ đó từng thùng mỳ tôm, cân gạo hay cuốn sách, động viên nhau tiếp tục cố gắng sống và hướng tới những điều tốt đẹp.
Bên trong thùng xe tải, trên đường đến vùng lũ
Điểm tập kết
Nhà cửa, chuồng trại tan hoang sau lũ
Khi chúng tôi đến, làng chỉ còn toàn phụ nữ và trẻ em. Đàn ông và thanh niên đang lặn lội xuống phần hạ lưu để cố tìm chuộc lại những con trâu, con bò bị lũ cuốn trôi.
Sách vở được vớt lên và hong khô
Tặng quà và hỏi thăm hoàn cảnh từng gia đình
Các hoạt động thiện nguyện sẽ mất đi ít nhiều ý nghĩa nếu nó không được tiếp nối. Hãy tìm cách lan tỏa tinh thần này, trước hết với chính người thân, bạn bè mình.
Vào những dịp đi chơi cả gia đình, chúng ta có thể dành ra một chút thời gian chuẩn bị ít quà nhỏ, mang tới chia sẻ với các bạn nhỏ địa phương, thay vì chỉ tiêu tiền và xả rác.
Trẻ thơ ở đâu cũng vậy, có quà là vui
Đường đi xuống bản Cát Cát mang theo túi quà
Trẻ em thường không thích nghe những lời giáo huấn suông, nhưng sẽ có xu hướng quan sát và bắt chước những gì người lớn làm. Nếu bạn làm gương và hướng dẫn con cách làm đúng, chúng sẽ tự tìm ra cách phù hợp để thực hiện.
Trẻ em quan sát tốt hơn chúng ta tưởng nhiều đấy
Chuyến đi chơi sẽ có ý nghĩa hơn nếu có sự kết nối, sẻ chia
Thế giới vừa trải qua đại dịch toàn cầu Covid-19. Từ những ngày tháng đen tối đó, chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc chia sẻ, nương tựa lẫn nhau – cách duy nhất để mọi người cùng vượt qua khó khăn. Đừng ngần ngại khi cho đi. Hãy làm những việc tử tế, dù nhỏ. Nhớ rằng, hạt giống hôm nay sẽ mang lại mùa màng ngày sau.