Theo đuổi giấc mơ

Câu chuyện về lần đầu tiên tham gia một giải chạy chính thức – Đà Nẵng International Marathon 2018.

 

Giờ đây, quay trở lại với công việc thường ngày, sau khi hoàn thành một cuộc thi Half marathon đầu tiên trong đời – vẫn còn chưa hết cảm giác căng cứng ở bắp chân – tôi muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao tôi đã làm được điều đó?”

Đầu năm nay, khi ở Trung Quốc, tôi đã chứng kiến cảnh người ta tích cực vận động thế nào. Đâu đâu cũng là hình ảnh người đi bộ, chạy bộ, đạp xe. Việc đi bộ 30 phút hoặc hơn để đến ga tàu điện ngầm, bến xe bus… là chuyện hoàn toàn binh thường. Có lần ở Tây An – Thiểm Tây, hỏi một anh đang đi bộ đướng đến khu phố người Hồi. Anh rất nhiệt tình “Not very far, follow me”. Vừa đi vừa nói chuyện, thấy quãng đường cũng đến hơn 2 cây số. Như vậy đối với họ là “gần”. Về Hà Nội, cách vài trăm mét cũng nhảy lên xe máy. Nhất định phải có cách nào để thay đổi những điều đó chứ?

Thật lòng mà nói, tôi cũng thích món chạy bộ này lâu lâu rồi. Từ thời học sinh, việc anh em bạn bè hò nhau sáng dậy chạy công viên Thống Nhất rồi bơi hồ Bảy Mẫu hoặc bể bơi Bách Khoa là chuyện rất thường. Sau này, tôi vẫn duy trì thói quen chạy bộ buổi sáng. Nhưng thú thực là tôi chạy chẳng phải vì “đam mê” hay “vì cộng đồng” này nọ. Tôi cũng chẳng có “giấc mơ” nào liên quan đến chạy bộ cả. Chỉ đơn giản là một hoạt động thể chất, phù hợp với điều kiện thời gian và tài chinh của minh. Và đã làm thì làm một cách tự giác và nghiêm túc. Vậy thôi.

Nhưng mấy tháng vừa qua, tôi hiểu rằng “thích chạy” và “chạy tốt” là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Quan trọng không phải là chạy sub bao nhiêu, mà là hiểu thế nào là “tập luyện nghiêm túc”

Nhớ lại quá trình mấy tháng luyện tập, thấy giống như vượt qua cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” – một chương trình truyền hình tôi vốn rất thích từ khi học phổ thông.

Khởi động

“Chạy bộ là môn thể thao nguyên thủy và cô độc nhất của loài người” – Christopher McDougall, Born to run

Tình cờ, tôi nghe mấy bạn khách hàng ở quán nói chuyện, tôi biết được ở Hà Nội có một Hội những người thích chạy đường dài. Mà có lẽ cũng chẳng phải tình cờ, vì như câu nói nổi tiếng của Sherlock Holmes – “tôi tìm thấy nó vì tôi đang đi tìm nó”, đây là thứ tôi đang tìm kiếm. Lọ mọ search thì ra LDR, rồi đọc thấy chương trình “Theo đuổi giấc mơ” trên www.chay365.com. Gửi email và lập tức nhận được phản hồi. Và những ngày sau đó đã thực sự thay đổi mọi thứ.

Đó là khoảng giữa tháng Tư. Hà Nội đang dần chuyển từ những ngày xuân ẩm ướt sang tiết trời mùa hạ nắng ráo, khiến ta có thể hào hứng dậy sớm và bắt tay vàp nhiều việc hơn. Cho đến thời điểm đó, chưa bao giờ tôi chạy liên tục một cự ly 5km (khoảng 2 vòng hồ Bảy Mẫu) dù là ngoài đường hay trong phòng Gym. Tất cả là một con số 0 tròn trĩnh: kinh nghiệm không, kiến thức không, tố chất lại càng không. Thậm chí, thứ gắn liền nhất với chạy bộ là đôi giầy – cũng chỉ là một đôi Asia mua với giá 120k – như từ thời sinh viên đến giờ. Chỉ đơn thuần là vận động cho ra mồ hôi. Đó là lý do tôi chỉ đăng ký mục tiêu 10km trong 1h10’ với khóa coaching. Điều khiến tôi ngạc nhiên và phải suy nghĩ là câu hỏi đầu tiên nhận được từ Coach là “Anh có mục tiêu nào lớn hơn không?” Gợi ý đưa ra là 21km sub 2:30 cho giải Long Biên 28/10/2018.

Đọc trên FB của LDR, thấy có vụ rủ rê chạy vòng quanh hồ Tây sáng 30/4. Tôi quyết định sẽ thử sức minh với lần đầu tiên chạy trọn vẹn 1 vòng hồ (khoảng 15km) – trước khi trả lời Coach.


Chủ nhật, 30/04/2018: Lần đầu chạy phong trào, hoàn thành 1 vòng hồ Tây (khoảng 15km)

Sau này, tôi còn tham gia một buổi chạy phong trào kiểu này lần nữa với cự lý 21km (ngày 17/06/2018), với mong muốn có cảm giác race. Tuy nhiên, trải nghiệm có được lại không như kỳ vọng, mặc dù tôi hoàn thành 21km chẳng vất vả gì. Chắc chắn là còn đang thiếu một cái gì đó. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn bây giờ việc cần phải làm là có hoàn thành 1 vòng hồ Tây không?

Vượt chướng ngại vật

“Pain is inevitable. Suffering is optional” – Haruki Murakami

Một giáo án được đưa ra với đầy đủ hướng dẫn cụ thể, dựa trên bản đánh giá chi tiết. Trờ ngại lớn nhất cho việc luyện tập theo giáo án không phải là thể lực hay tinh thần, mà là câu chuyện sắp xếp lại cuộc sống thế nào cho phù hợp, để việc luyện tập không làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt gia đình hay công việc hiện tại (Sáng chạy sớm rồi đến cơ quan uể oải cả ngày thì rõ là không ổn rồi). Rất nhiều thói quen sẽ phải thay đổi, thậm chí bỏ hẳn: thức khuya, bia bọt… Thay vào đó, ta sẽ phải quen với việc ngủ sớm dậy sớm, ăn uống lành mạnh. Và dĩ nhiên, còn phải “negotiate” với vợ về kế hoạch sinh hoạt hàng ngày. May mắn là vợ rất chia sẻ quan điểm về sức khỏe, và còn rất sẵn sàng hỗ trợ mấy vụ nấu những món phù hợp với dinh dưỡng của người chạy bộ.

Mọi việc hóa ra không hề khó như tôi tưởng tượng lúc đầu. Tất cả được điều chỉnh một cách rất tự nhiên xoay xung quanh việc luyện tập theo một kế hoạch có sẵn. Và bằng một cách kỳ lạ nào đó, quỹ thời gian tự nhiên sẽ có đủ cho các buổi chạy, mặc dù một ngày vẫn chẳng dài hơn 24 giờ – mà rõ ràng khi không tập chạy, ta vẫn luôn cuống quýt với những việc không tên. Thực tế là, khi số lương “runner” tôi biết nhiều lên qua các buổi chạy, thì số “beerer” lại giảm xuống theo các buổi nhậu.

Tập theo giáo án được một tuần, tôi nảy ra ý định có nên đăng ký giải Đà Nẵng ngày 12/8/2018 không – vì nhận thấy 6 tháng là thời gian quá dài, dễ khiến bản than cảm thấy nhàm chán. Điều đó cũng có nghĩa là thời gian coaching chỉ còn 3 tháng cho một người U40 mới bắt đầu tập chạy đường dài. Một lần nữa, không những ủng hộ, mà Coach còn đưa ra mục tiêu 21km sub 2:15. Quả thực, lúc đó tôi đã nghĩ cả 2 bên đều đang quá ảo tưởng. Nên nhớ trước đó, tôi còn chưa bao giờ chạy quá 5km, và đang là một tờ giấy trắng về chạy bộ đường dài. Dù sao thì một giáo án đã được điều chỉnh cho mục tiêu mới, bổ sung them bài tập Tempo, phù hợp với cự ly HM.

Có lẽ không có môn thể thao nào mà trong quá trình luyện tập phải vượt qua quá nhiều thứ cám dỗ như chạy bộ. Đang cắn răng lê bước lại gặp người quen phóng xe qua: ”Thôi thế đủ rồi, lên đây chú chở về”. Cũng là làn gió bên bờ hồ, mà minh thì nhễ nhại nhăn nhó, trong khi người ta đang bia bọt chém gió ngay bên cạnh. Rồi những lời dậm dọa kiểu “chạy nhiều sau là tan nát đầu gối” không phải ít. Tất cả những cái đó, chỉ có thể giải thích bằng niềm vui khi ta đã vượt qua nó. Ai đó đã nói rằng “Dù sao thì bạn cũng sẽ vui khi hoàn thành bài tập hơn là khi bỏ một buổi tập”.

Với thói quen sưu tầm mọi thứ, tôi sục sạo trên mạng, trong sách báo… tìm hiểu các khái niệm xung quanh việc chạy bộ: từ dáng chạy (running form), guồng chân (cadence), nhịp tim (heart rate) cho đến Hit the wall, fear the hill… Dĩ nhiên, tôi cũng lần lượt nếm trải tất cả các cảm xúc ấy – như bất cứ ai tự nguyện tham gia môn thể thao “hành xác” này – và không ít lần hoang mang không biết có theo nổi không. Thời buổi này, nếu ta có vướng mắc gì thì những người khác cũng sẽ có những vướng mắc ấy, nên bạn có thể dễ dàng chia sẻ và tìm kiếm những chỉ dẫn cao minh trong các diễn đàn, hội nhóm về các vấn đề gặp phải khi luyện tập. Mặt trái là, đôi khi ta sẽ hoang mang không biết phải nghe cái nào trong một rừng những ý kiến đa chiều ấy. Không có cái gì là Đúng hay Sai, chỉ có cái phù hợp với ta hay không mà thôi. Đó là lý do vì sao ta cần lắng nghe cơ thể và quan trọng là cần có một người thầy giỏi và kinh nghiệm.

Tăng tốc

“Sometimes the moments that challenge us the most, define us” – Deena Kastor

Kết thúc giai đoạn “cày mileage”, giáo án tiếp theo được đưa ra với sự tang lên cả về khối lượng và cường độ. Gần như mỗi tuần một HM. Kèm theo là hàng loạt những thứ mới toanh phải tập làm quen: leo dốc cầu, cắn gel, trang phục khi chạy… Hà Nội những ngày ấy nắng nóng kỷ lục. Thường xuyên trên 40 độ. Sáng sớm tinh mơ hơi nóng đã hầm hập. Tóm lại là hội tụ đủ mọi yếu tố để thử thách lòng kiên định của ta.

Trong quá trình “luyện công”, tôi cũng tự rút ra một vài mẹo nhỏ (trick) để đánh lừa tâm trí mỗi lúc mệt mỏi hoặc đau đớn (Trick hiệu quả nhất vẫn là tưởng tượng ra vẻ mặt thất vọng của Coach khi nghe report không hoàn thành bài tập, he he). Dĩ nhiên, không phải lúc nào trick cũng có tác dụng, như khi lật cổ chân lúc lao xuống dốc cầu Vĩnh Tuy hay bước chân lảo đảo mất kiểm soát dưới nắng nóng không một bóng cây nơi dốc cầu Nhật Tân. Mỗi bài long run ngày Chủ nhật luôn là một thử thách không dễ dàng gì, nhưng khi đã hoàn thành thì cảm giác sung sướng sẽ lan tỏa nhiều ngày sau đó. Mặc dù vậy, phải thú thật là đã hơn một lần tôi đã phải về nhà bằng Grab khi chưa hoàn thành bài tập. Nhưng DNF, theo tôi, cũng có những giá trị của nó. Qua những lần ấy, ta sẽ hiểu rõ hơn về cơ thể minh, về nỗi đau và niềm hạnh phúc của chạy bộ. Có “good day”, “bad day”. Cốt yếu là minh rút được kinh nghiệm gì từ đó.

“Có một giới hạn rất nhỏ giữa cố gắng hết sức và quá sức”. Một chia sẻ kinh nghiệm nghe qua rất đơn giản, nhưng nếu chưa tự thân trải qua, bạn sẽ không bao giờ hiểu được cái giới hạn ấy. Đẩy khả năng đến giới hạn, hôm nay bạn sẽ tốt hơn chinh bản thân minh của ngày hôm qua. Còn nếu vượt qua giới hạn đó, hôm nay có thể là buổi tập cuối cùng của bạn.


Chủ nhật, 01/07/2018 – Kế hoạch 22km. Giây phút quyết định dừng trên cầu Nhật Tân giữa trời năng nóng kỷ lục. Biết thế nào là nguy cơ sốc nhiệt

Từ đáy lòng, tôi rất cảm phục và ngưỡng mộ những con người như Đinh Linh. Khối lượng công việc của một bác sỹ ở một bệnh viện đầu ngành là cực kỳ khủng khiếp. Vậy mà không những tự thân là một marathoner xuất sắc, anh còn hướng dẫn cho nhiều người biết cách chạy đúng và khám phá các giới hạn của bản thân. Giáo án được soạn ra đã đành, nhưng quan trọng hơn là những chia sẻ, động viên luôn được đưa ra đúng lúc. Rồi còn quản trị website chay365, dịch sách, viết bài… Tuyệt với hơn nữa là anh đã kết nối ngay trong cộng đồng chạy bộ – để tổ chức những hoạt động như buổi chiếu phim “Spirit of the Marathon” – rất ấn tượng và truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Những việc này, nếu không có đam mê và tâm huyết, thì không bao giờ có thể thực hiện được.

Cũng như specialty coffee, đa phần tài liệu về chạy bộ đều bằng tiếng Anh, trừ một số cuốn sách và bài viết được dịch ra tiếng Việt trên chay365.com. Trong mấy tháng tập luyện theo giáo án, lúc nào rảnh tôi lại tìm đọc những thông tin liên quan đến chạy bộ. Ưu việt của internet là nếu bạn đang quan tâm đến một vấn đề cụ thể, như nhịp tim, say nóng, dinh dưỡng… thì search ra hàng loạt thông tin ngay. Điều này giúp giảm đáng kể thời gian mò mẫm.

Thực tế, có những câu chuyện thuộc dạng “truyền cảm hứng”. Với cá nhân tôi, chẳng phải là những câu chuyên của Meb Keflezeghi hay Deena Kastor, mà là câu chuyện “Hành trình đến Richmond Marathon” trên chay365 với câu nói cuối bài “The will to win means nothing without the will to prepare”. Những câu chuyện thế này được in ra và để ở quán để chia sẻ các em nhân viên và khách hàng.

Tất cả những cái đó đã giúp tôi vượt qua những “lần đầu” trong đời: dậy chạy từ 4:00 sáng lúc trời còn tối thui, vật vã leo dốc cầu dưới trời nắng chang chang, hay chạy với đôi giầy ướt lép nhép những ngày mưa tầm tã…


Thứ Bảy, 14/07/2018: Buổi chiếu phim “Spirit of the Marathon” – một hoạt động ý nghĩa truyền cảm hứng chạy bộ cho rất nhiều người.

Có quá nhiều bài học rút ra trong khóa coaching này, nhưng một trong những bài học thấm thía nhất với tôi là “Khi cần chạy nhanh, phải nhanh. Khi cần chạy chậm, phải chậm”. Khi mới bắt đầu, tôi thường chay quá nhanh trong các bài chạy chậm, và quá chậm trong các bài chạy nhanh. Và tương tự, khi hứng chí lên thì tập quá đà, để rồi hôm sau lại ôm hận khi chân cứ ì ra khi cần tăng tốc.

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày chạy giải. Giờ là lúc phải làm quen với những khải niệm mới như tapering, carb loading… và chăm lo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đây là giai đoạn tôi thích nhất, vì có chỉ đạo “ngủ đủ, ngủ càng nhiều càng tốt”. Ngủ vốn là sở trường của tôi: ngủ bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào có thể. Nhưng nói vậy không có nghĩa là xả hơi tẹt ga, mà vẫn phải theo giáo án một cách nghiêm túc. Chỉ là khối lượng và tốc độ giảm dần thôi. Mà thực tế lúc này, ghìm cho chậm lại còn khó hơn guồng nhanh lên.

Có một vấn đề không nhỏ là thời tiết Đà Nẵng sẽ khá nóng và nắng sớm, trong khi Hà Nội mấy tuần này lại liên tục mưa, thời tiết mát mẻ, nên điều kiện tập luyện không được sát với thực tế cho lắm. Điều này chủ yếu ảnh hưởng ở khía cạnh tinh thần, chứ chưa hẳn đã là chuyện chân cẳng. Vì thế, việc bổ sung một vài buổi tập heat training là cần thiết: chọn lúc nắng nhất trong ngày, mặc quần áo tồi màu để chạy. Rèn luyện ý chí cũng là một phần tất yếu của giáo án. Rất nhiều trường hợp, vượt qua được những khoảnh khắc muốn dừng lại là nhờ vào ý chí chứ không phải thể lực.


Tập “heat training” giữa trưa nắng là chưa đủ, còn mặc thêm quần áo tối màu để thêm bức xạ nhiệt

Về đích

“Không phải ngày mai, không phải lần tới, mà là ngày hôm nay, ngay lúc này” – Meb Keflezeghi

Tất cả những gì cần phải làm đều đã làm. Tôi đã chuẩn bị tất cả những điều tốt nhất có thể cho ngày race. Giờ đây chỉ còn việc thư giãn và sẵn sàng xuất hiện khỏe mạnh ở vạch xuất phát.

Bữa tối “load carb” trước race. May mắn là Pizza, Pasta, sallads – những đồ ăn phù hợp trước race – luôn được các thành viên trong gia đình tôi ưa thích

Để đạt được target HM sub 2:15, pace trung binh cần phải đạt sẽ phải là 6:20, vì phải trừ hao quãng đường chạy bị lố, và thời gian ghé các trạm nước. Một chiến thuật “negative split” cẩn trọng được đưa ra với những lời tư vấn cụ thể tới từng chi tiết nhỏ nhất.

Trong lối luyện tập “phong trào”, tôi hay thấy mọi người, nhất là các bạn trẻ, nói với nhau là “Cứ vào race tự nhiên sẽ có năng lượng từ bên ngoài giúp chạy tốt hơn”. Ý là khi vào race, không khí hưng phấn của đám đông sẽ giúp ta chạy tốt hơn. Tôi đã rất nghi ngờ điều này, vì đã đọc ở đâu đó là “Không giống như bóng đá, thắng thua đôi khi có yếu tố may mắn. Trong chạy bộ, ai chạy tốt hơn chắc chắn sẽ thắng”.

Vì vậy, trong suốt cuộc race đầu tiên của minh, tôi đã quan sát và ngộ ra một sự khác biệt căn bản về định nghĩa thế nào là “hung phấn” thế này:

Lúc mới vào race, quả nhiên bạn sẽ rất phấn khích với cả cơn lũ người cuốn đi, bạn sẽ chạy nhanh hơn mức cần thiết nếu không kiểm soát. Kết quả là, sau 5 hay 10km, bạn sẽ bị đuối sức và chạy chậm lại, thậm chí đi bộ. Điều này là tất yếu, vì hàng ngày bạn đâu có tập cho pace đó? Và những thử thách phía sau mới là điều đáng nói: leo dốc, chạy dọc bờ biển năng chang chang không một bóng cây…
Nếu có kiểm soát, bạn sẽ chạy đúng với tốc độ của minh. Cơ thể sẽ được làm nóng dần dần trong khi năng lượng vẫn được dự trữ. Năng lượng này sẽ được bung ra vào đoạn sau. Và cảm giác khi bạn vượt qua 1 người, 10 người, 100 người và hơn thế nữa – đây mới thực sự là “hung phấn” – để sải những bước chân mạnh mẽ trong những giây cuối cùng để cán qua vạch đích.
Tôi về đích trong khoảng thời gian đúng như kế hoạch đã định. Đó là theo kết quả của đồng hồ GPS cá nhân, còn chẳng biết giờ của Ban tổ chức sẽ thế nào.

Mặc dù không có kinh nghiệm về race, nhưng theo quan sát của riêng minh, tôi thấy khâu tổ chức của DNIM 2018 khá lộn xộn và thiếu chuyên nghiệp: xe cứu thương chạy tạt ngang làn chạy gần vạch đích để đón/ thả người trong khi các runners đang cắm đầu cắm cổ về đích, tình nguyện viên đa số là sinh viên và có vẻ được đào tạo không kỹ, nên thiếu thông tin và chưa biết cách phối hợp, đặc biệt là phía sau vạch đích, khi runners đã mệt và cần support (Tôi tin là mọi người cũng như tôi, lúc đó cần ai đó cho minh chai nước hơn là quang medal vào cổ),

Nhưng thôi, đó là việc của Ban tổ chức. Điều quan trọng là tôi đã đạt mục tiêu, sau hơn 3 tháng tập luyện nghiêm túc. Giờ là lúc thư giãn, nghỉ ngơi và ẹnoy cùng vợ con. Nằm dài bên bãi biễn để càm nhận sự ê ẩm khắp toàn than – cảm giác được mong đợi – và suy ngẫm về những dòng viết này, trong khi con trẻ vui chơi ở Vinpearl Land. Đó là Hạnh phúc.


“When you cross the finish line, it will change your life forever” – “Spirit of the Marathon”

Lời kết

“Bất cứ ai bạn gặp trong đời – đều là người bạn cần phải gặp,

Bất cứ điều gì xảy ra – cũng đều là điều cần phải xảy ra”

Một trong những điều tôi rất “tiết kiệm” trong cuộc sống là “lời hứa”. Vì thế, tôi thường không có một lúc nhiều mục tiêu để theo đuổi Khi đã hứa, với người khác hay với chinh mình – như mũi tên đã rời cung – chỉ còn một cách duy nhất là phải cắm vào hồng tâm bằng mọi giá. Có thể bạn cho đó là cực đoan. Nhưng biết sao được. Đó là Tôi.

Đền giờ phút này, tôi tin rằng, việc đăng ký khóa coaching “Theo đuổi giấc mơ” và đặt mục tiêu 21km sub 2:15 cho DNIM 2018 là hoàn toàn đúng đắn. Rất nhiều thứ đã thay đổi, thậm chí biến mất. Nhưng đó là sự hy sinh cần thiết, nếu bạn muốn cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Hoàn thành giải Half Marathon đầu tiên theo đúng mục tiêu đặt ra

Chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Kế hoạch mà chỉ trên giấy hay lời nói thì chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra cả. Quan trọng là bạn phải tay vào hành động thực sự nghiêm túc với một mục tiêu rõ ràng.  “Nghiêm túc” có nghĩa là phải nghiêm khắc – đôi khi đến mức khắc nghiệt – với bản thân, Không thỏa hiệp. Không nhân nhượng. Kế hoạch được lập ra là để thực hiện, không phải để mặc cả. Đổi lại, bạn sẽ nhận được những giá trị không tiến bạc nào mua được. Cho riêng bạn.

13-08-2018

 

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Trả lời