Khám Phá Tây An – Cố Đô Vĩ Đại Của Trung Hoa

Tây An trước đây là Trường An, nơi đã từng là kinh đô của 13 triều đại phong kiến Trung Hoa, cũng là điểm kết thúc phía đông của Con đường tơ lụa huyền thoại, nối liền huyết mạch kinh tế Đông – Tây. Địa danh này nổi tiếng với vô số di tích và công trình kiến trúc nổi bật, có giá trị khảo cổ và lịch sử: Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Chiến binh đất nung, Tháp chuông, Tháp Đại Nhạn, Vườn Đường Phù Dung, di tích cung Đại Minh,…

Hiện nay, Tây An là thành phố lớn phát triển nhất của khu vực Tây bắc Trung Quốc. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một trong Tứ đại Cố đô này có những gì hấp dẫn nhé.

Một đoạn tường thành cổ Tây An

Sơ lược về vị trí địa lý và lịch sử

Tây An nằm ở đâu?

Thành phố Tây An, trước đây gọi là Trường An và Hạo Kinh, là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Thành phố Tây An nằm ở phía Tây Bắc của Trung Quốc, ở giữa đồng bằng Quan Trung, giáp với sông Vị Hà ở phía Bắc và dãy núi Tần Lĩnh ở phía Nam. Tây An là “Thành phố lịch sử thế giới” được UNESCO công bố năm 1981, một trong những cái nôi quan trọng của nền văn minh và dân tộc Trung Hoa.

Lịch sử

Thiểm Tây là một trong “Bát đại Cố đô” của Trung Quốc. Năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, đóng đô tại Hàm Dương (Tây An, Thiểm Tây ngày nay), vậy nên Tây An còn được mệnh danh là “Đế đô đầu tiên của Trung Quốc”. Nơi đây từng là kinh đô của 14 triều đại như Tây Chu, Hán, Tùy, Đường,…., được coi là “viện bảo tàng lịch sử” của Trung Quốc bởi bề dày lịch sử và vị trí quan trọng mà nó nắm giữ.

Tây An là một trong những thành phố du lịch văn hóa mũi nhọn đầu tiên của Trung Quốc, với vô vàn di tích lịch sử được bảo tồn tốt và có giá trị khảo cổ cao. Có 72 lăng mộ hoàng gia quanh Tây An, bao gồm lăng mộ Tần Thủy Hoàng; tàn tích của kinh đô qua bốn triều đại Chu, Tần, Hán và Đường; 11 lăng mộ của các hoàng đế Tây Hán và 18 ngôi mộ của các hoàng đế nhà Đường; chùa Tháp Đại Nhạn và Tiểu Nhạn; Tháp Chuông và tháp Trống; 700 tòa nhà cổ,…

Khung cảnh Tây An ngày nay

Các điểm tham quan

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Bảo tàng Chiến binh và ngựa làm từ đất nung của Tần Thủy Hoàng là danh thắng nổi tiếng nhất tại cố đô Tây An. Đây là một di tích văn hóa trọng điểm của Trung Quốc, điểm thu hút khách du lịch 5A quốc gia, bảo tàng cấp 1 quốc gia và di sản thế giới do UNESCO công nhận.

Toàn cảnh khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Bảo tàng Chiến binh đất nung Tần Thủy Hoàng nằm ở thị trấn Tần Lĩnh, huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, được thành lập vào tháng 11 năm 1975 và khai trương năm 1979. Bảo tàng Chiến binh đất nung và ngựa của Tần Thủy Hoàng có ba hố chiến binh đất nung số 1, số 2 và số 3 và hố ngựa. Ba hố tượng có diện tích hơn 20.000m2, có gần 8.000 tượng ngựa và tượng chiến binh có kích thước tương tự người thật, ngựa thật. Có các loại vũ khí khác nhau như xe ngựa, kỵ binh và bộ binh, được sắp xếp một cách có trật tự.

 

Được mệnh danh là “Kỳ quan thứ tám của thế giới”, Bảo tàng Chiến binh đất nung và ngựa của Tần Thủy Hoàng là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của thế giới, mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Tính đến tháng 1 năm 2020, Bảo tàng này đã đón hơn 80 triệu lượt khách trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn không nên bỏ lỡ khi đi tour du lịch Trung Quốc.

Tháp Đại Nhạn – Tiểu Nhạn

Tháp Đại Nhạn nằm trong chùa Đại Từ Ân (dưới thời Đường là Từ Ân Tự) thuộc phường Tấn Xương, Trường An (nay thuộc phía Nam Tây An, tỉnh Thiểm Tây) Trung Quốc.

Năm Vĩnh Hối thứ ba (652) dưới thời Đường, Học giả – Hòa thượng Huyền Trang chủ trì xây dựng Đại Nhạn Tháp để lưu giữ kinh sách và tượng Phật mang về từ Thiên Trúc qua con đường tơ lụa. Ban đầu chùa có năm tầng, sau này được tu sửa và nâng lên thành chín tầng, và cuối cùng được điều chỉnh thành bảy tầng với tổng chiều cao là 64,517 mét.

Đại Nhạn là ngôi chùa gạch lớn nhất và cổ nhất còn sót lại từ thời Đường, là bằng chứng tiêu biểu của kiến ​​trúc chùa chiền Phật giáo cổ Ấn Độ đã du nhập vào Trung Nguyên cùng với Phật giáo và hòa nhập vào văn hóa Trung Quốc.

Năm 1961 tháp Đại Nhạn được đưa vào danh sách di tích văn hóa trọng điểm quốc gia. Năm 2014, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã đưa Tháp Đại Nhạn vào Danh sách Di sản Thế giới.

Đường vào tháp Đại Nhạn

Tháp Tiểu Nhạn nằm trong chùa Kiến Phúc ở phường An Nhân, thành phố Trường An (nay là vùng ngoại ô phía Nam Tây An, tỉnh Thiểm Tây), còn được gọi là chùa Kiến Phúc, được xây dựng vào thời Cảnh Long nhà Đường, cùng với tháp Đại Nhạn là biểu tượng du lịch quan trọng của Tây An ở thời điểm hiện tại.

Tháp Tiểu Nhạn và chiếc chuông cổ trong tháp chuông của chùa Kiến Phúc được gọi chung là “Nhạn Tháp Thần Chung”, một trong “Quan Trung Bát Cảnh” nổi tiếng ở Thiểm Tây.

Tiếc là hôm mình đến, tháp Tiểu Nhạn đang đóng cửa để trùng tu, nên chỉ ngắm được từ xa.

Tháp Tiêu Nhạn là công trình tiêu biểu của kiểu chùa gạch vuông cổ, với nguyên bản 15 tầng, sau khi tu sửa nhiều lần thì hiện còn 13 tầng, cao 43,4m. Tháp Tiểu Nhạn có dáng rất đẹp là di sản kiến ​​trúc nghệ thuật Phật giáo đời Đường.

Cùng với tháp Đại Nhạn, tháp Tiểu Nhạn được đưa vào danh sách di tích văn hóa trọng điểm quốc gia và Di sản thế giới, trở thành một trong những niềm tự hào của Tây An.

Tường thành Tây An

Thánh Tây An có bốn cổng chính: Trường Lạc Môn (Cổng Đông), Vĩnh Ninh Môn (Cổng Nam), An Định Môn (Cổng Tây), An Nguyên Môn (Cổng Bắc), bốn cổng này cũng là cổng nguyên bản của bức tường thành. Cổng thành có công sự kiên cố, bốn góc tường thành có các tháp canh, dùng để phụ trợ cho cổng thành, quan sát và phòng ngự từ mọi phía.

Mỗi tháp có ba tầng: tháp cổng, tháp bắn cung và tháp chính. Tòa nhà chính cao 32 mét, dài hơn 40 mét, có hình dạng đỉnh đồi, bốn góc nhô cao, ba tầng mái hiên kép, tầng dưới cùng có hành lang bao quanh, cổ kính và uy nghiêm.

Đường vào từ cổng thành phía Nam

Tường thành Tây An là tường thành cổ lớn và được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc, đồng thời là một trong những di tích văn hóa trọng điểm quốc gia đầu tiên và là điểm thu hút khách du lịch cấp 5A của Trung Quốc.

Từ trên tường thành, bạn có thể ngắm toàn cảnh thành phố hiện đại bên dưới

Tháp chuông – Tháp trống

Tháp chuông Tây An nằm ở trung tâm Tây An, tại giao điểm của tứ môn Đông, Tây, Nam, Bắc và Tư Tiêu trong tường thành Tây An thời nhà Minh, là tháp chuông lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc.

Tháp chuông Tây An được xây dựng lần đầu tiên ở lối vào của hố Quảng Tế ngày nay vào năm Minh Thái Tổ Hồng Vũ đế (1384), đối diện với Tháp Trống và được chuyển đến địa điểm hiện tại vào năm thứ 10 thời Hoàng đế Thần Tông triều Nhà Minh (1582).

Tháp trống Tây An nằm ở trung tâm cố đô Tây An, cách Tháp chuông Tây An khoảng 200 mét về phía Tây Bắc trong Tường thành nhà Minh. Được xây dựng vào năm thứ mười ba của Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương (1380), đây là một trong những tháp trống lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất trong số nhiều tháp trống còn sót lại từ Trung Quốc cổ đại.

Tháp trống Tây An được xây dựng trên một nền hình vuông với kết cấu bằng gạch và gỗ, trên đỉnh có mái hiên kép, tổng chiều cao là 36 mét, diện tích là 1377 mét vuông. Mái hiên lợp ngói lưu ly màu xanh đậm, bên trong tòa nhà dán tranh vẽ màu vàng, cột sơn màu và xà ngang chạm trổ, mặt trên dát vàng, là một công trình kiến ​​trúc mang tính bước ngoặt của Tây An.

Khu phố người Hồi

Khu phố người Hồi không chỉ là một con phố cụ thể, mà là tên gọi chung của nhiều con phố trong khu vực tập trung người dân tộc Hồi ở trung tâm thành phố Tây An.

Ở đây có rất đông người Hồi đã sinh sống lâu đời với hàng trăm năm lịch sử, mang đậm nét văn hóa của dân tộc Hồi, vẫn duy trì các nghi lễ tôn giáo truyền thống và thói quen sinh hoạt của cộng đồng.

“Bon chen” tại chợ đêm ở khu phố người Hồi

Đây còn là nơi tập trung các món ăn vặt nổi tiếng của Tây An như thịt xiên nướng, vụn bánh mì chan súp thịt cừu, mì da lạnh, bánh bao súp, bánh thịt cừu, cơm rang dưa chua,… Sau khi thưởng thức ẩm thực tại đây, du khách cũng có thể mua một số món ăn nhẹ mang hương vị địa phương như bánh ngọt, trái cây sấy, kẹo trái cây,… về làm quà cho bạn bè và người thân.

Đặc sản ẩm thực Tây An

Nói về ẩm thực Trung Quốc thì quả thực viết vài cuốn sách cũng không hết. Đâylà lĩnh vực cực kỳ phong phú và đa dạng chủng loại. Trong đó, phải kể đến hai món ăn mà đi bất cứ đâu trên đất nước tỉ dân này, bạn cũng có thể gặp: Mỳ và Bánh bao, với vô vàn kiểu dáng, kích thước, cách chế biến và cách ăn khác nhau.

Ẩm thực của Thiểm Tây nói chung và Tây An nói riêng đương nhiên không phải là ngoại lệ. Ở đây, ta chỉ “điểm danh” 5 món đặc sắc nhất mà bất cứ ai đến đây đều nên thử.

Mì Biangbiang

Khắp nơi ở Tây An đều có quán mì, đủ loại từ lạnh đến nóng, từ mì trứng đến mì rau. Mì Biangbiang nổi tiếng bởi cái tên độc đáo. Chữ “Biang” được tạo thành từ 58 nét, là chữ phức tạp nhất trong tiếng Trung, mô tả âm thanh của bột mì kéo căng khi nhào. Mì ngon, dai nhờ trứng và dầu thêm vào bột. Mì Biangbiang nổi tiếng thường được phục vụ cùng dấm và nhiều ớt đỏ, tỏi thái hạt lựu, dầu nóng được đổ lên bát trước khi mang đến cho khách. Phiên bản phức tạp hơn của Biangbiang ăn cùng thịt om và rau các loại.

Bánh bao nước thịt chua (Suantang Shuijiao)

Bánh bao có thể tìm thấy khắp nơi ở Trung Quốc nhưng thực thụ phải là bánh bao thịt cừu “tắm” trong súp chua nóng ở Thiểm Tây, trong đó có Tây An. Món ăn có hương vị đặc biệt phong phú. Hạt vừng, tỏi tây thái nhỏ và rau mùi thêm hương vị đậm đà cho nước súp để lại ấn tượng khó quên cho thực khách.

Bánh bao nước thịt (Tangbao)

Trong khi hầu hết mọi người lầm tưởng bánh bao nước thịt là đặc sản của Thượng Hải, người Tây An không đồng tình với việc đó. Họ luôn tự hào có những chiếc Tangbao ngon hơn với nhân thịt cừu hoặc thịt bò thay vì thịt lợn như phiên bản Thượng Hải. Vỏ bánh mỏng như giấy bọc nhân và nước thịt trọn vẹn bên trong. Ở Tây An còn có dấm và ớt ngâm riêng để ăn cùng Tangbao. Cẩn thận khi ăn bởi món này rất cay.

Mì lạnh (Liangpi)

Không chỉ Nhật Bản hay Hàn Quốc mới có mì lạnh, mà ngay ở Tây An du khách cũng dễ dàng có cơ hội thưởng thức mì lạnh với hương vị rất riêng. Mì lạnh ở Tây An gọi là Langpi được làm từ bột mì hoặc bột gạo, có nước sốt với nhiều hương vị khác nhau.

Cái tên mì lạnh bắt nguồn từ việc những sợi mì gạo được để nguội sau khi xắt lát mỏng. Món mì lạnh cơ bản nhất rưới nước sốt dầu ớt, hạt tiêu bột, dấm và tỏi thái hạt lựu, để giá đỗ và dưa chuột thái lát lên trên. Mì có vị cay và mềm mịn. Bạn có thể tìm thấy mì lạnh ở bất kỳ cửa hàng nào bán Roujiamo – một loại “burger” của Trung Quốc.

Bánh mì dẹt chan canh thịt cừu (Yangrou Paomo)

Nếu có hỏi đặc sản Tây An, người ta sẽ nói ngay cái tên Yangrou Paomo. Bánh mì dẹt cắt lát nhỏ được chan ngập nước canh thịt cừu luộc. Ăn một bát Paomo là cách thư giãn độc đáo. Để bắt đầu bạn được phục vụ hai lát bánh mì trong một bát. Sau đó bạn phải xé bánh mì thành những miếng nhỏ như đậu nành. Việc này có thể mất thời gian nhưng người dân địa phương tin rằng bánh mì sẽ ngon hơn nếu khách khéo tay. Sau đó bạn trả lại bát và bánh mì cho quán để chan canh súp thịt cừu cùng bún gạo cho đến khi miếng bánh đã đẫm hương vị. Trên bát sẽ trải những lát thịt cừu hoặc thịt bò tùy chọn, thêm chút tỏi ngọt để trọn vẹn hương vị.

 

Trung Quốc vô cùng rộng lớn, và có bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Đâu đâu cũng đông đúc, nhộn nhịp và đa dạng màu sắc. Hãy đến ít nhất một lần để biết thêm về nền văn hóa lâu đời này bạn nhé.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Trả lời