Boston Marathon là giải chạy marathon lâu đời nhất thế giới, được ví như thánh địa của dân chạy bộ đường dài. Tham gia giải đấu danh giá này là ước mơ của bất cứ người chạy bộ nào trên thế giới.

Hôm nay, tôi sẽ kể bạn nghe 13 câu chuyện, tượng trưng cho 13 thập kỷ lịch sử giải đấu. Bạn thử xem mình đã biết những câu chuyện nào dưới đây nhé:

Câu chuyện 1: BQ

Nói tới Boston, trước hết phải nói tới BQ – Boston marathon Qualifying time – chuẩn thời gian để có suất tham dự. Do số lượng hàng năm đăng ký là rất đông, nên Ban tổ chức đặt ra mức chuẩn thời gian cho từng nhóm tuổi, và tiêu chuẩn này ngày càng được nâng cao, đồng nghĩa với việc có một suất chạy Boston ngày càng khó.

Đã vậy, đạt được BQ là một chuyện, còn có mặt tại vạch xuất phát lại là chuyện khác. Lý do là nếu nhiều người cùng có thành tích tương đương, BTC sẽ gạt từ người nhanh nhất xuống, cho đến khi đủ suất. Như vậy, để đảm bảo có suất, bạn phải chạy nhanh hơn BQ nhóm tuổi mình một khoảng nhất định – gọi là “Cut-Off Time”. Khoảng Cut-Of này cho 2025 là 6 phút 51 giây.

Chuẩn BQ áp dụng cho mùa giải 2026

Năm 2025 có tổng cộng 36.393 hồ sơ đăng ký, nhưng chỉ có 24.069 người được chấp nhận.

Câu chuyện 2: Ra đời

Giải Marathon đầu tiên tại Boston được tổ chức vào ngày 19/4/1897, tính đến thời điểm bài viết này, nó đã có 129 năm lịch sử. Ban đầu, tên giải được đặt là giải Marathon Hoa Kỳ (American Marathon), là hạng mục thi đấu cuối cùng của Thế vận hội Boston (B.A.A.) năm đó. Người quản lý đội Olympic Hoa Kỳ John Graham, lấy cảm hứng từ giải marathon tại Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên ở Athens năm 1896, đã đưa nội dung thi đấu này về Mỹ,

Graham và cộng sự đã lên lịch cho cuộc đua diễn ra vào ngày lễ Patriots’ Day – ngày lễ của bang Massachusetts tưởng niệm các anh hùng cách mạng – khôn ngoan liên kết sự kiện với Thế vận hội Olympic Athens và cuộc đấu tranh giành tự do của người Mỹ. Nhờ vậy, cuộc đua đã vượt qua nhiều thách thức, ngay cả khi toàn cầu phải đối mặt với Thế chiến và Đại suy thoái.

Cuộc đua ban đầu chỉ dài 24,5 dặm (khoảng 39km), với 15 vận động viên tham gia cuộc đua, và chỉ có 10 người về đích. John J. McDermott, đại diện cho Câu lạc bộ thể thao Pastime của Thành phố New York, đã được trao vương miện là người chiến thắng đầu tiên của cuộc đua marathon, với thời gian 2:55:10.

Câu chuyện 3: Các cột mốc

Là một giải đấu danh giá đã tồn tại trong hơn một thế kỷ, Boston Marathon đã chứng kiến ​​nhiều cái “đầu tiên” và “cuối cùng” ấn tượng.

Sau đây là 5 cột mốc nổi tiếng nhất:

  • 1898: Nhà vô địch nước ngoài đầu tiên là Ronald J. MacDonald, sinh viên 22 tuổi của Cao đẳng Boston đến từ Antigonish, Nova Scotia đã được vinh danh.
  • 1924: Đường đua được nâng lên 26 dặm, 385 yard (42.195km) để phù hợp với tiêu chuẩn Olympic. Ngoài ra, vạch xuất phát được chuyển về phía tây. Từ đó, đường đua được giữ nguyên cho tới nay.
  • 1928: John A. “The Elder” Kelley lần đầu chạy marathon ở Boston. Ông đã 2 lần giành chiến thắng vào năm 1935 và 1945, đồng thời giữ kỷ lục về số lần tham gia (61) và hoàn thành nhiều nhất (58). Cuộc đua cuối cùng của ông là năm 1992, khi ông đã 84 tuổi.
  • 1969: Giải Marathon Boston luôn được tổ chức cố định vào ngày lễ kỷ niệm Patriots’ Day. Bắt đầu từ năm 1969, ngày lễ này chính thức được ấn định vào Thứ Hai tuần thứ ba của tháng 4.
  • 1988: Ibrahim Hussein của Kenya về đích trước Juma Ikangaa của Tanzania một giây, trở thành người châu Phi đầu tiên giành chiến thắng tại Boston Marathon (và cũng là của tất cả giải marathon lớn nào khác trên thế giới). Sự kiện này cũng bắt đầu thời ký thống trị của các chân chạy Đông Phi trên đường đua marathon cho tới tận ngày nay.

Ibrahim Hussein giành chiến thắng tại Boston Marathon 1988

Hình tượng kỳ lân của Boston ban đầu lấy từ gia huy của một thành viên sáng lập B.A.A, về sau được thiết kế thành logo chính thức, tồn tại qua nhiều thập kỷ và xuất hiện ở mọi thứ liên quan Boston Marathon như medal, áo khoác…

Gần đây nhất, vào ngày 5/1/2024, B.A.A đã công bố logo mới, với hình tượng Kỳ lân quay về bên phải, thay vì quay sang trái như trước. Theo giải thích, đây là hình ảnh “nhìn về phía trước” (look forward), tượng trưng cho hành động nhằm thẳng mục tiêu phía trước trong chạy marathon và thể thao nói chung.

Logo mới có Kỳ lân quay về bên phải

Ngoài ra, logo mới cũng có thêm một vài điểm nhấn mang tính tượng trưng cao, như 13 điểm nhọn là 13 thập kỷ lịch sử giải đấu, khoảng trống ở cổ Kỳ lân là biểu tượng dải băng chiến thắng, v.v…

Các điểm nhấn mang tính biểu tượng trên logo mới

Câu chuyện 5: Đường chạy

Như đã nói ở trên, kể từ năm 1924, sau khi ấn định theo chuẩn Olypic, đường chạy của Boston Marathon hầu như không có thay đổi nào trong hơn 100 năm qua, ngoại trừ một vài điều chỉnh nhỏ để thuận tiện hơn cho đỗ xe, xuất phát…

Bạn sẽ xuất phát từ thị trấn Hopkinton, đi qua 8 thành phố và thị trấn ở Massachusetts, và về đích ở phố Boylston ở thị trấn Boston. Vì là đường chạy kiểu “point-to-point” không lặp lại, nên sẽ có xe của ban tổ chức đưa vân động viên ra vạch xuất phát,

Đường chạy Boston hầu như không thay đổi trong hơn 100 năm qua

Đường chạy Boston nổi tiếng là khó nhất trong hệ thống World Majors, với nhiều đồi dốc đầy thử thách. Nổi tiếng nhất trong đó là ngọn đồi Hearbreak, xuất hiện ở đúng km32, khi cơ thể bắt đầu tới ngưỡng. Đúng như cái tên của nó, ngọn đồi này đã “đốn tim” biết bao nhiêu runner trước khi thưởng thức nốt 10km cuối cùng.

Đoạn bắt đầu lên dốc Heartbreak

Nhưng yên tâm, nếu chuẩn bị trước, và với không khí cổ vũ cực kỳ náo nhiệt, bạn sẽ thấy nó cũng không khó hơn mấy con dốc ở các đường chạy Tiền Phong Marathon đâu.

Câu chuyện 6: Phụ nữ

Ngày nay, việc phụ nữ tham gia giải marathon có vẻ như là điều đương nhiên. Nhưng trong suốt nhiều năm liền, cho đến tận năm 1972, điều đó đã không được cho phép.

Bobbi Gibb

Năm 1966, giám đốc cuộc đua Will Cloney đã công bố một lá thư tuyên bố rằng phụ nữ, về mặt sinh lý, không thể chạy marathon. Mặc dù luật chính thức của Boston Marathon không đề cập đến giới tính và Liên đoàn điền kinh nghiệp dư (AAU) không đưa ra bất kỳ điều khoản nào loại trừ phụ nữ khỏi các cuộc đua, nhưng phụ nữ vẫn không được phép tham gia cuộc đua.

Bất chấp niềm tin của Cloney, Roberta “Bobbi” Gibb đã tham gia cuộc đua năm 1966 mà không có số báo danh (Bib) chính thức. Núp trong bụi rậm gần vạch xuất phát cho đến khi cuộc đua bắt đầu, cô đã tham gia cuộc đua, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử chạy toàn bộ Boston Marathon, và mở đường cho tất cả những người phụ nữ trong tương lai.

Gibb đã hoàn thành trong 3:21:40, nhanh hơn hơn hai phần ba số người chạy hôm đó.

Kathrine Switzer

Năm 1967, Kathrine Switzer đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đăng ký tham gia cuộc đua và về đích một cách chính thức – mặc dù vướng phải một số rắc rối.

Mặc dù đã đăng ký, thanh toán và đăng ký tham gia cuộc đua theo đúng thể lệ, nhưng Kathrine đã không đề cập rõ ràng mình là phụ nữ trên đơn đăng ký. Các viên chức của B.A.A. đã cấp cho cô một số bib, nhưng khi họ nhận ra một người phụ nữ trên đường đua, họ đã cố gắng giằng lấy số Bib và đuổi cô ra khỏi đường đua. Đã có tranh cãi và ẩu đả xảy ra. Với sự hỗ trợ của bạn trai khi đó là Tom Miller và vài người bạn chạy cùng, Kathrine vẫn có thể tiếp tục cuộc đua, và hoàn thành với thời gian 4h20.

Việc Switzer hoàn thành cuộc đua với tư cách là nữ vận động viên chạy bộ đầu tiên, có đăng ký một cách chính thức đã khiến AAU phải thay đổi các quy tắc của mình. Họ tuyên bố rõ ràng cấm phụ nữ tham gia các cuộc đua với nam giới.

Quan chức B.A.A đã cố gắng giằng Bib và đuổi Kathrine Switzer ra khỏi cuộc đua

Nina Kuscsik

Tuy nhiên, 4 năm sau khi Switzer hoàn thành, vào năm 1971, AAU cuối cùng đã cho phép tất cả các cuộc đua marathon được công nhận (bao gồm cả Boston) cho phép phụ nữ tham gia các cuộc đua.

Năm 1972, Nina Kuscsik đã trở thành nhà vô địch Marathon Boston dành cho nữ chính thức đầu tiên được công nhận. Cô đã tham gia cùng 7 người phụ nữ khác, và cả 8 người đều về đích.

Cho đến năm 2015, khoảng 47% người tham gia Boston Marathon là phụ nữ, bác bỏ hoàn toàn niềm tin của Cloney về mặt sinh lý kém cỏi của phụ nữ.

Câu chuyện 7: Scandal

Trong lịch sử gần 130 năm qua, Boston Marathon không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, nó cũng đã chứng kiến ​​một số tình huống rất bấp bênh, bao gồm cả những kẻ gian lận và những kết luận gây tranh cãi đã thách thức sự thiêng liêng của cuộc đua nổi tiếng thế giới này.

Rosie Ruiz – kẻ mạo danh

Chỉ vài năm sau khi phụ nữ được phép tham gia, vào năm 1980, Rosie Ruiz, một phụ nữ Mỹ gốc Cuba, lại trở thành tiêu điểm của báo giới. Cô về đích đầu tiên và được tuyên bố là người chiến thắng ở hạng mục nữ tại Giải chạy Marathon lần thứ 84. Nhưng không lâu sau đó, Ban tổ chức đã điều tra và xác nhận rằng Ruiz đã bỏ qua hầu hết chặng đường, và chỉ nhảy trở lại đường đua cách vạch đích khoảng nửa dặm. Ngay lập tức, Ban tổ chức đã tước danh hiệu của cô.

Jacqueline Gareau người Canada, từ hạng hai đã được đôn lên và tuyên bố là người chiến thắng.

Truất quyền thi đấu

Trong Giải chạy năm 2014, Rita Jeptoo đã bị truất quyền thi đấu sau khi bị phát hiện đã sử dụng doping. Bizunesh Deba của Ethiopia đã được vinh danh là người chiến thắng ở hạng mục nữ của giải năm này, với thời gian hoàn thành là 2:19:59, Deba cũng trở thành người giữ kỷ lục của chặng đua.

Kỷ lục không được công nhận

Chạy marathon đã đủ thử thách rồi. Nhưng hãy tưởng tượng đến việc bạn hoàn thành cuộc đua và phá kỷ lục thế giới, nhưng sau đó lại được thông báo rằng kỷ lục đó không được công nhận (?!).

Năm 2011, vận động viên người Kenya, Geoffrey Mutai đã rơi vào tình huống này, hoàn thành cuộc đua chỉ trong 2:03:02:00. Vào thời điểm đó, đây là thành tích marathon nhanh nhất từng được ghi nhận. Nhưng sau đó, Hiệp hội Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) không công nhận thành tích của anh là kỷ lục thế giới, với lý do “đường chạy không đáp ứng các quy tắc về độ cao và tiêu chuẩn về Start/ Finish, tạo ra lợi thế có được từ gió xuôi chiều” (?!)

Mặc dù vấp phải phản đối từ các vận động viên khác và thậm chí cả các quan chức của Boston Marathon, IAAF vẫn kiên quyết không công nhận kỷ lục của Mutai. Hãng thông tấn Associated Press đã gọi động thái này là “sự từ chối thành tích chưa từng có trên đường chạy marathon danh giá nhất thế giới”.

Thành tích của Geoffrey Mutai không được công nhận là KLTG, do đường chạy Boston không đúng chuẩn

Câu chuyện 8: Hạng mục xe lăn

Năm 1975, Boston là giải marathon lớn đầu tiên có nội dung thi đấu dành cho xe lăn.

Bob Hall
Năm 1975, với thời gian 2 giờ 58 phút, Bob Hall đã trở thành nhà vô địch đầu tiên của hạng mục xe lăn. Will Cloney, trước đây cũng đã từng nghi ngờ sức bền sinh lý của phụ nữ, đã hứa với Hall rằng nếu anh hoàn thành trong vòng ba giờ, anh sẽ nhận được Chứng chỉ hoàn thành B.A.A chính thức.

Bob Hall là vận động viên xe lăn đầu tiên chiến thắng tại Boston

Jean Driscoll
Năm 1990, Jean Driscoll đến từ Champaign, Illinois đã giành chiến thắng đầu tiên trong 7 cuộc đua hạng mục xe lăn liên tiếp với thời gian tốt nhất thế giới là 1:43:17. Năm 1997, chuỗi chiến thắng của cô đã kết thúc khi bánh xe đua của cô bị kẹt trong đường ray xe điện, khiến cô bị tai nạn và lốp xe bị xẹp. Ba năm sau, Driscoll tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc đua thứ 8, và cũng là cuộc đua cuối cùng của cô, trở thành người có nhiều chiến thắng tại Boston hơn bất kỳ người nào khác.

Câu chuyện 9: Đánh bom

Năm 2013 là một giải đấu không thể nào quên trong lịch sử giải. Gần 3 giờ sau khi người chiến thắng về đích, vào lúc 2:49 chiều theo giờ miền Đông, 2 quả bom tự chế, cách nhau khoảng 200m, đã phát nổ ở gần khu vực Finish. Vận động viên, tình nguyện viên, khán giả đã bỏ chạy trong hỗn loạn, khiến cuộc đua phải dừng lại. Có một số người đã về đích, nhiều người còn lại không thể tiếp tục. Những người đã hoàn thành ít nhất một nửa chặng đua mà không về đích do vụ đánh bom đã được tham gia vào năm 2014.

Hậu quả, gần 280 người bị thương và 3 người đã thiệt mạng. Những kẻ gây ra vụ đánh bom – Dzhokar và Tamerlan Tsarnaev – đã bị camera giám sát xác định danh tính và bị phát hiện đang trốn dưới một tấm bạt ở một khu dân cư gần đó. Tamerlan bị cảnh sát giết chết, Dzhokar bị kết tội 30 tội danh liên bang liên quan đến vụ tấn công và bị kết án tử hình.

Khung cảnh hỗn loạn sau vụ đánh bom

Câu chuyện 10: Hủy giải

Lần đầu tiên trong lịch sử, Boston Marathon 2020 đã bị hủy do đại dịch toàn cầu COVID-19.

Ban đầu, hy vọng dịch bệnh có thể nhanh chóng được kiểm soát, Ban tổ chức thông báo giải hoãn từ tháng 4 đến tháng 9. Tuy nhiên, cuối cùng giải đã bị hủy. Đây là lần đầu tiên cuộc đua bị hủy trong lịch sử 124 năm của nó. Để thay đổi cuộc đua, B.A.A. đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc đua ảo (Virtual Race) để cuộc đua vẫn có thể diễn ra theo cách an toàn. Việc này đánh dấu lần thứ hai thể thức cuộc đua được thay đổi (Năm 1918, cuộc đua đã được chuyển từ chạy marathon sang chạy tiếp sức quân sự vì Thế chiến thứ nhất).

Chưa hết, do tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, vào ngày 28/10/2020, B.A.A. đã hủy Giải Marathon Boston 2021 dự kiến ​​diễn ra vào tháng 4. Các nhà tổ chức hy vọng giải có thể diễn ra vào thời điểm nào đó trong mùa thu 2021.

Câu chuyện 11: Yuki Kawauchi

Năm 2018, Yuki Kawauchi đã khiến cả thế giới “sốc” khi bất ngờ vượt lên Geoffey Kirui của Kenya ở km cuối cùng và giành chiến thắng chung cuộc (2:15:58). Anh trở thành vận động viên Nhật Bản đầu tiên giành chiến thắng tại Boston kể từ khi Toshihiko Seko vô địch giải này vào năm 1987 (cũng là năm sinh của Kawauchi).

Khoảnh khắc về đích của Kawauchi tại Boston Marathon 2018

Kawauchi còn nổi tiềng bởi tại thời điểm đó, anh vẫn là một nhân viên văn phòng toàn thời gian, tập chạy bằng thời gian và kinh phí cá nhân, không có bất cứ tài trợ nào.

Câu chuyện 12: Eliud Kipchoge

Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình cho tới nay, huyền thoại marathon Eliud Kipchoge chỉ chạy Boston duy nhất một lần vào năm 2023. Đáng tiếc, đây lại là một trải nghiệm không mấy vui vẻ của anh.

Khác với Berlin, nơi anh đã chạy nhiều lần đến thuộc lòng từng khúc rẽ, Boston có nhiều đồi dốc khiến người ta phải chùn chân. Hôm đó lại là một ngày mưa lạnh, điều kiện không lý tưởng cho cá nhân Kipchoge và các chân chạy châu Phi nói chung.

Kipchoge đã ở vị trí dẫn đầu trong gần 30km đầu tiên, nhưng rất nhanh sau đó, anh đã bị bỏ lại rất xa và về với vị trí thứ 6 chung cuộc. Đây là kết quả tệ thứ 2 trong sự nghiệp (lần trước là tại London 2020, anh về thứ 9, cũng trong điều kiện mưa lạnh).

Có vẻ như không ai chịu lên, mà “nhường” Kipchoge vị trí dẫn đầu trong 30km đầu

Sau km30, các chân chạy khác vượt lên. Kipchoge bị bỏ lại sau và không thể lấy lại vị trí dẫn đầu

Câu chuyện 13: Phim “Road to Boston”

Bộ phim có tựa đề tiếng Việt là “Bước chân thép”.

Đặt các toan tính chính trị và tự tôn dân tộc sang một bên, bộ phim có thể coi là một kiểu “Spirit of the Marathon” của Hàn Quốc, bộc lộ khát khao chinh phục các giới hạn và ý chí vượt qua mọi khó khăn. Đúng tinh thần “mọi lý do đều chỉ là nguỵ biện”.

Phim được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật ở giải Boston Marathon 1947, nơi mà chân chạy Suh Yun-bok của Hàn Quốc đã chiến thắng và lập kỷ lục thế giới lúc bấy giờ 2:25:39. Huấn luyện viên của Yun-bok là Sohn Kee-chung, đã từng đạt HCV tại Thế vận hội Berlin 1936 với thành tích 2:29:19, nhưng phải chấp nhận thành tích ghi cho Nhật Bản, vì lúc đó Nhật đang cai trị Hàn.

Xem cảnh bà con nấu ăn, quyên góp cho “tuyển thủ” có sức tập và có tiền đi Mỹ, rồi châu đầu vào cái radio nghe tường thuật diễn biến cuộc đua, cảm xúc dâng trào theo mỗi bước chạy, mới thấy sức mạnh của tinh thần thể thao thật mãnh liệt. Hình ảnh Yun-bok nỗ lực sải chân trên đồi Heartbreak, vượt qua đối thủ ở những mét cuối cùng, để rồi quốc kỳ Hàn Quốc bay cao tại Boston 1947 được xây dựng thật sự ấn tượng.

Nói chung, ngoại trừ mấy kỹ xảo bối cảnh đám đông có vẻ không “nuột” lắm, cơ bản đây là bộ phim đáng xem, nhất là nếu bạn đã hoặc sẽ chạy Boston.

Một cảnh trong phim “Road to Boston”

Hẹn gặp lại mọi người tại vạch xuất phát trên phố Hopkinton vào ngày 20/04/2026! Khi đó sẽ có thêm rất nhiều chuyện để kể đó..

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Để lại một bình luận