Sau những buổi tập căng hoặc vừa hoàn thành xong giải chạy, nhất là vào mùa hè nóng nực, thật khó cưỡng một lon bia mát lạnh. Có nhiều người nói rằng, uống bia rượu sau khi chạy rất có hại cho cơ thể, vì nhiều lý do. Nhưng cũng có nhiều ý kiến ngược lại, rằng uống một lượng vừa phải cũng chẳng ảnh hưởng gì. Và trên thực tế, vẫn có người không những uống sau khi chạy, mà còn cả trước và trong khi chạy, mà thành tích vẫn không tệ chút nào.
Vậy sự thực ở đây là gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Đừng làm điều gì đó chỉ vì “nghe nói” hay “đọc ở đâu đó”. Hãy tự tìm hiểu và có nhận thức đúng về vấn đề mình quan tâm.
Sự thực là, trừ khi bạn uống quá nhiều hoặc uống loại rượu quá mạnh, còn về cơ bản, một chút bia nhẹ hoặc ly vang sau một buổi chạy thường sẽ có lợi hơn là có hại.
Tự thưởng một, hai lon bia cũng không ảnh hưởng gì nhiều
Hầu hết các bác sỹ đều đồng ý rằng, sử dụng bia và rượu vang điều độ sẽ có tốt cho sức khỏe, giảm các vấn đề về tim mạch, tiểu đường và chứng Alzheimer.
Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử bệnh lý về các vấn đề trên, nên có lời khuyên cụ thể từ bác sỹ.
Giao lưu “3 trùy” với team Công viên Hòa Bình (HPBR) sau một buổi chạy
Đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất phải nhớ. Cái gì quá nhiều cũng đều không tốt. Một hai lon bia hoặc ly rượu vang là vừa phải. Nó sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, cũng như bù lại nước và dinh dưỡng đã mất trong khi chạy. Ngược lại, uống quá nhanh hoặc quá nhiều sẽ phản tác dụng, gây mệt mỏi, thậm chí còn nguy hiểm.
Tận hưởng, nhưng biết dừng đúng lúc
Chúng ta đều biết rằng, uống bia rất lợi tiểu. Nó giải phóng nhiều nước hơn từ thận. Đó là lý do tại sao chúng ta hay đi tiểu và cảm thấy khát nước khi uống nhiều bia. Do vậy, hãy cứ tận hưởng lon bia mát lạnh, nhưng cũng đừng quên uống nước để giữ cân bằng trong cơ thể. Lời khuyên ở đây là uống khoảng 200ml nước trước khi khui lon.
Tốt nhất là trên bàn tiệc nên có bình trà đá
Nếu muốn uống bia sau chạy, hãy chọn loại có nồng độ cồn thấp. Tốt nhất là nên từ 5% trở xuống. Nồng độ cồn càng cao, hàm lượng calories càng lớn – là điều không tốt cho thể thao về lâu dài,
Nếu bạn uống bia nhập khẩu hoặc craft beer, lưu ý đến chỉ số ABV (Alcohol By Volume), là chỉ số cho biết nồng độ cồn trong bia (%). ABV là công thức đo lường chuẩn quốc tế, được tính bằng số ml cồn trong 100ml chất lỏng ở 20 độ C. Số % càng lớn thì nồng độ cồn của loại bia đó càng mạnh. Mọi người thường hay dùng từ bia “nặng” hay “nhẹ” là để nói đến độ cồn này.
Nồng độ cồn (ABV là chỉ số bắt buộc ghi trên vỏ lon, vỏ chai
Đây không phải bữa nhậu thông thường, mà là lúc cơ thể đang cần bổ sung proteine và carbohydrate để hõ trợ phục hồi. Mặc dù bia có chứa cả hai thứ trên, nhưng lượng rất ít. Vì thế, bạn vẫn cần “đổ bê tông” với các loại đồ ăn giàu dinh dưỡng.
Hãy đảm bảo là bạn vẫn ăn đủ dinh dưỡng khi uống bia
Thường thì sau khi uống một hai lon bia, ta biết là đã đủ, nhưng vẫn có cảm giác thèm uống tiếp. Đây là lúc nên chọn một loại đồ uống khác để thay thế. Cái này gọi là “đánh lừa miệng”. Mình có thói quen là gọi một ly cà phê. Bạn cũng có thể chọn Revive, trà, sô cô la, v.v… miễn là để đánh lừa cảm giác thèm bia kia.
Mình hay chọn 1 shot espresso sau bữa bia
Với thể thao, bia rượu không được khuyến khích. Ở đây, chúng ta nói rằng nếu sử dụng một lượng vừa phải, có chừng mực, cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ giúp nâng cao hiệu quả luyện tập. Nói cách khác, chơi thể thao không nhất thiết phải từ bỏ hết thú vui trong cuộc sống. Bạn vẫn có thể tận hưởng mọi thứ. Có điều cần phải biết giới hạn.
Chỉ khi lạm dụng thường xuyên và quá nhiều, bia rượu sẽ khiến khả năng phục hồi ngày càng kém vì nó gây ức chế các hormone tái tạo năng lượng, từ đó gây ra suy giảm hiệu suất luyện tập.
Cuộc sống còn rất nhiều niềm vui để tận hưởng. Không cần phải khắt khe với bản thân quá