Ý Nghĩa Tên Gọi Các Món Cà Phê Ý – Có Thể Bạn Chưa Biết

Có một điều thú vị là những quốc gia như Italia là nơi sinh ra rất nhiều đồ uống pha chế từ cà phê, với nhiều quán cà phê nổi tiếng, mà thực tế lại chẳng có lấy một cây cà phê nào. Nhưng người Ý lại là người tạo ra và nâng việc thưởng thức cà phê lên một tầm cao mới. Đến như sự nghiệp lẫy lừng của Howard Schultz – sáng lập viên, CEO của đế chế Starbucks – cũng được tạo cảm hứng từ những quán cà phê ở thành phố Milan của nước Ý.

Khi các món đồ ăn uống của phương Tây du nhập vào Việt Nam, tất nhiên không thể thiếu những món cà phê của Ý. Trên thực tế, những cái tên đồ uống khi đến mỗi địa phương, thậm chí mỗi barista, có thể sẽ có những gia giảm hoặc biến tấu, nhưng điều cốt yếu là cái “chất” của mỗi món đồ uống vẫn được giữ nguyên, để bạn không thể nhầm lẫn món này với món khác.

Ngày nay, không chỉ bước chân vào quán cà phê, mà ngay ở những máy pha tự động đặt ở văn phòng, cửa hàng tiện lợi… cũng rất phổ biến những cái tên này. Có thể bạn chưa biết, mỗi tên gọi món đồ uống đều có ý nghĩa và câu chuyện xung quanh nó. Chúng ta hãy cùng nhau trang bị những kiến thức này để khỏi bỡ ngỡ nhé.

Tách espresso nóng trong một sáng mùa thu Paris

Espresso

Espresso trong tiếng Ý nghĩa là “nhanh tức khắc”, tương đương như “Express” trong tiếng Anh. Nghĩa là, mọi thứ từ pha chế đến thưởng thức tách cà phê thơm ngon này đều rất nhanh chóng.
Để có một tách cà phê Espresso đúng chuẩn, cà phê thường sẽ là loại rang đậm và xay mịn. Khi pha chế, cà phê sẽ được chiết suất dưới dòng nước nóng dưới áp suất cao. Nhờ thế, tách Espresso có hương vị đậm đà nhưng không đắng chát. Trên bề mặt còn tạo ra một lớp bọt nâu bồng bềnh và thơm hương, gọi là “crema”.

Espresso là loại đồ uống có độ đậm đặc và cafein nhiều nhất trong các loại cà phê pha kiểu Ý

Ngoài ra còn có một số biến tấu từ espresso nguyên bản như:

Espresso Ristretto

Ristretto nghĩa là “rút lại, bớt lại” (restricted). Một ly Ristretto thậm chí còn đậm đặc hơn Espresso nguyên bản, vì lượng cà phê vẫn giữ nguyên, nhưng lượng nước giảm đi một nửa. Ristretto thường được phục vụ trong ly nhỏ, vừa đủ “1 nhấp” cho những người đang vội.

Espresso Lungo

Ngược lại với Ristretto, “Lungo” tiếng Anh là “long”, tức là bạn sẽ để cho thời gian nước chảy lâu hơn để lượng cà phê thành phẩm “loãng” hơn. Cũng có quán làm theo cách giảm lượng bột cà phê đi, và giữ nguyên lượng chất lỏng thành phẩm. Tóm lại là tỷ lệ nước:cà phê cao hơn.

Phân biệt các loại espresso theo mức độ đậm đặc

Americano

Là một dạng “Lungo” nhưng mang tính cách xuề xòa của Bắc Mỹ. Cái tên Americano nghĩa là “cà phê kiểu Mỹ”, có nguồn gốc từ việc lính Mỹ trong Thế chiến II khi sang Ý, thấy vị espresso quá đậm đặc, nên đã đổ thêm nước nóng vào cho dễ uống.

Latte

Tiếp theo là cà phê Latte, cái tên được rút gọn từ chứ Caffeelatte trong tiếng Ý, mang ý nghĩa là cà phê được hòa quyện cùng sữa. Thành phần cơ bản của một tách Latte là bao gồm espresso, sữa nóng và bọt sữa. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cái tạo nên sự độc đáo của một ly cà phê Latte chính là sự hoà hợp đúng lượng của mỗi yếu tố. Không phải tự nhiên mà hàng năm trên thế giới có những cuộc thi barista ở khắp nơi, với một phần thi rất quan trọng là Latte Art.

Với một tách Latte chuẩn mực, bạn sẽ cảm nhận được cái vị beo béo, ngầy ngậy của những lớp sữa hòa cùng hương thơm thoang thoảng đặc trưng của cà phê. Thật tuyệt khi được nhâm nhi một ly Latte nóng trong một ngày trời lạnh, trong không gian ấm cúng, thoang thoảng hương cà phê.

Thưởng thức Latte tại một quán cà phê ở Seoul, Hàn Quốc

Latte Art

“Latte Art”, hiểu đơn giản là nghệ thuật vẽ hình trên bề mặt ly cà phê bằng bọt sữa và topping. Gọi một ly Latte nóng, bạn không chỉ uống, mà còn để ngắm và chụp ảnh sống ảo với đa dạng các hình vẽ tùy hứng của các barista.

Cappuccino

Tên gọi và màu sắc của cà phê cappuccino có nét tương đồng với tên gọi của chiếc mũ và màu áo thụng của các tu sĩ Minor Capuchin. Ngoài ra, nguồn gốc của cà phê capuchino còn liên quan đến sự phổ biến của một loại cà phê khác ở châu Âu, nhất là trong thời đế chế Áo – Hung vào thế kỷ 17 – 18.

Theo một truyền thuyết kể lại rằng: Lúc ở trong quán cà phê (tại Vienna), một vị Cha xứ tên là Marco d’Aviano đã lần đầu tiên sửa lại vị đắng của cà phê bằng cách cho thêm sữa. Lúc này, đồ uống được biết đến với cái tên kapuziner trong tiếng Đức và được gọi là Cappuccino sau này.

Vào cuối thế kỷ 18, phần bọt sữa ngày càng được chú trọng hơn trong công thức pha chế để làm ra món Cappuccino hoàn thiện như hiện nay. Sau này, sự xuất hiện của những chiếc máy pha cà phê với vòi sục sữa dưới áp suất cao đã góp phần làm cho món đồ uống này càng phổ biến và ưa thích hơn nữa.

Cũng giống như các món đồ uống khác, Cappuccino có rất nhiều biến thể ở mỗi địa phương khác nhau. Ví dụ như ở châu Âu, bạn có thể thấy người ta rắc bột cacao hoặc bột quế lên bề mặt tách cà phê trước khi phục vụ. Nhưng có lần ở Taipei, Taiwan mình gọi một ly Cappuccino và rất ngỡ ngàng khi thấy thứ họ rắc lên đó là… lá chanh. Cũng là một tách cà phê có hương vị rất đặc biệt.

“Bát” Cappuccino với lá chanh rắc trên bề mặt rất thú vị ở Taipei

Machiato

Macchiato hay còn được gọi là Cafe Macchiato hay Espresso Macchiato, là loại cà phê Espresso có một lớp bọt sữa béo ở trên. Trong tiếng Ý, Macchiato được hiểu là “vệt lốm đốm” hay “đánh dấu”, để phân biệt với 2 loại đồ uống rất được yêu thích ngoài Cappuccino và Latte.

Tuy nhiên, hiện nay, Macchiato không chỉ là thuật ngữ dùng để gọi tên cà phê của Ý, mà nó còn được sử dụng phổ biến để chỉ các loại thức uống có lớp bọt sữa phía trên. Nguồn gốc của tên gọi Macchiato được bắt nguồn từ các chuyên gia pha chế Ý, dùng để phân biệt với Cappuccino hay Latte. Không chỉ vậy, ở mỗi quốc gia, loại thức uống này còn có những tên gọi khác, như: Tên gọi “café pingado” ở Bồ Đào Nha, có ý nghĩa là cà phê với một giọt; ở Mexico, Macchiato được gọi là “cortado”…

 

Affogato

Affogato Coffee là một trong những món cà phê nổi tiếng của nước Ý, như một món tráng miệng rất được ưa chuộng. Affogato trong tiếng Ý có nghĩa là “đắm chìm”. Vừa nghe bạn có thể liên tưởng đến ngay hình ảnh bạn đắm chìm trong hương vị tuyệt vời của thức uống.

Nguyên liệu chủ yếu để pha chế Affogato Coffee truyền thống khá đơn giản, chỉ bao gồm: cà phê Espresso, kem gelato vị vanilla và một ít cacao hay bột quế. Đơn giản là thế, nhưng sự kết hợp ăn ý của các nguyên liệu lại tạo ra một thức uống vị ngon hoàn hảo, cuốn hút bất kỳ du khách nào ghé thăm nước Ý.

Ngày nay, bên cạnh công thức pha chế Affogato Coffee truyền thống, người ta đã biến tấu thức uống bằng cách gia giảm hương vị cà phê và kem ăn kèm, hoặc có thể cũng cho thêm một chút rượu mùi nhẹ, syrup… Người ta gọi đây là công thức pha chế Affogato Coffee hiện đại. Sự kết hợp nguyên liệu mới lạ đã tăng thêm sự phong phú trong mùi vị, giúp người uống có nhiều lựa chọn hơn.

 

Trên thực tế, khi các loại đồ uống này trở nên hổ biến khắp thế giới, sẽ có rất nhiều biến thể “na ná” nhau. Nó tùy thuộc vào từng địa phương, từng quán hoặc thậm chí từng barista, thậm chí ngồi tại chỗ hay mang đi cũng sẽ có những điều chỉnh khác nhau. Kinh nghiệm là khi vào quán, bạn nên yêu cầu đưa Menu rồi tùy cơ ứng biến, để đảm bảo không gọi nhầm loại đồ uống mình yêu thích.

Để đóng lại bài viết, mời các bạn cùng mình ghé vào một quán cà phê xinh xinh nơi đường phố Chicago của nước Mỹ, để thấy một phần những biến tấu đa dạng của loại đồ uống phổ biến nhất thế giới này.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Để lại một bình luận