10 Bộ Phim Hay Nhất Về Chạy Bộ

Trong quá trình luyện tập, đôi khi đọc một cuốn sách, nghe vài bản nhạc hay xem một bộ phim về chạy bộ cũng tạo ra nguồn cảm hứng rất lớn. Các nhân vật được xây dựng như những tấm gương về sự bền bỉ, ý chí quyết tâm và khao khát chinh phục những giới hạn mới.

Chọn ra những bộ phim hay nhất là điều không đơn giản. Nó phụ thuộc vào tiêu chí đánh giá của mỗi người. Ở đây, mình lọc ra những bộ phim đã rất nổi tiếng, và rất nhiều người được truyền cảm hứng chạy bộ sau khi xem chúng. Dù bạn có phải là “mọt phim” hay không thì những bộ phim này đều phù hợp, bởi nội dung của chúng nhìn chung khá đơn giản, chủ yếu mang tính minh họa và truyền tải thông điệp về chạy bộ. Cái giỏi của đạo diễn và diễn viên là khiến khán giả “cuốn theo” dòng cảm xúc và các sự kiện trong phim, đã ngồi xuống xem là không dứt ra được nữa.

Spirit of the marathon (2007)

Đây có thể coi là cuốn phim tài liệu về chạy bộ hay nhất. Lấy bối cảnh giải Chicago Marathon 2005, bộ phim là hành trình luyện tập cho ngày chạy đua của 6 cá nhân khác nhau, với các cấp độ khả năng khác nhau, và hướng tới những mục tiêu khác nhau, từ chức vô địch cho đến hoàn thành về đích.

Đạo diễn Jon Dunham đã mất 4 năm để thực hiện bộ phim tài liệu này, với các cảnh quay ở 4 châu lục khác nhau, theo chân các vận động viên – cả chuyên nghiệp và nghiệp dư – trong hành trính cá nhân của họ. Khao khát, đau đớn, mệt mỏi, tiến bộ, chiến thắng… tất cả các cảm xúc của một người luyện tập cho marathon được đan xen rất tinh tế và nhẹ nhàng trong suốt chiều dài phim.

Xem thêm: Hành Trình Chicago Marathon

Forrest Gump (1994)

“Run! Forrest, Run!” – câu nói của Jenny, người bạn gái duy nhất trong cuộc đời Forrest Gump, cũng là cách mà cậu tự thoát ra được những ám ảnh và khó khăn trong cuộc sống. Mỗi khi gặp trở ngại, việc của cậu là bỏ hết mọi thứ qua một bên, bước ra ngoài và chạy bộ. Chỉ tập trung vào việc chạy bộ mà không bận tâm điều gì khác. Và rồi mọi thứ sẽ được sắp xếp và giải quyết ổn thỏa theo cách của nó.

Từ một cậu bé có chỉ số IQ thấp (75) với tật ở xương sống, Forrest Gump đã trưởng thành và chứng minh cho mọi người thấy mình cũng có thể thành công không thua kém bất cứ một người bình thường nào.

Road to Boston (2023)

Đặt các toan tính chính trị và tự tôn dân tộc sang một bên, bộ phim có thể coi là một kiểu “Spirit of the Marathon” của Hàn Quốc, bộc lộ khát khao chinh phục các giới hạn và ý chí vượt qua mọi khó khăn. Đúng tinh thần “mọi lý do đều chỉ là nguỵ biện”.
Phim được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật ở giải Boston Marathon 1947, nơi mà chân chạy Suh Yun-bok của Hàn Quốc đã chiến thắng và lập kỷ lục thế giới lúc bấy giờ 2:25:39. Huấn luyện viên của Yun-bok là Sohn Kee-chung, đã từng đạt HCV tại Thế vận hội Berlin 1936 và phá kỷ lục thế giới với thành tích 2:29:19, nhưng phải chấp nhận thành tích ghi cho Nhật Bản, vì lúc đó Nhật đang cai trị Hàn.
Hình ảnh Yun-bok nỗ lực sải chân trên đồi Heartbreak, vượt qua đối thủ ở những mét cuối cùng, để rồi quốc kỳ Hàn Quốc bay cao tại Boston 1947 được xây dựng thật sự ấn tượng.
Nói chung, ngoại trừ mấy kỹ xảo bối cảnh đám đông có vẻ không “nuột” lắm, cơ bản đây là bộ phim đáng xem, nhất là nếu bạn đã hoặc sẽ chạy Boston. 😬

Kipchoge: The last milestone

Bộ phim là bức chân dung điện ảnh của GOAT (Greatest Of All Time), người chạy marathon vĩ đại nhất lịch sử Eliud Kipchoge khi anh chuẩn bị phá vỡ một trong những cột mốc cuối cùng trong lịch sử thể thao: chạy marathon dưới 2 giờ. Nó kể về hành trình của anh từ trại huấn luyện ở Kenya, các cơ sở công nghệ cao ở Châu Âu, cho đến nỗ lực lập kỷ lục ở Vienna.

Kipchoge đã đưa ra phương châm nổi tiếng: No human is limited (Tạm dịch: Không có giới hạn cho con người).

Bộ phim cũng đưa ra góc nhìn cá nhân về vận động viên này với những cảnh quay từ nhà của Kipchoge ở Kenya, phỏng vấn người thân, những nghi thức hàng ngày trong cuộc sống cũng như các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp…

Tracktown (2016)

Đây là một bộ phim khá dễ thương, ghi lại nỗi cô đơn của vận động viên chạy đường dài, bằng cách tập trung vào những hy sinh mà bạn cần phải chịu đựng khi muốn trở thành người tốt nhất.

Một điều thú vị về bộ phim này, mặc dù là hư cấu nhưng từ kịch bản, đạo diễn và vai chính đều được thực hiện bởi Alexi Pappa, một vận động viên chạy bộ ưu tú người Mỹ gốc Hy Lạp, người đã lập kỷ lục quốc gia 10 km tại Thế vận hội Mùa hè 2016 khi đại diện cho Hy Lạp. Anh đóng vai nhân vật hư cấu Plum Marigold, người cực kỳ tận tâm với môn thể thao này, nhưng mặt khác, cũng loay hoay điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, hòa nhập và trưởng thành.

Brittany runs a marathon (2019)

Bộ phim vui nhộn này là nguồn cảm hứng cho những ai muốn chạy bộ để giảm cân. Phim kể về Brittany (do Jillian Bell thủ vai), một phụ nữ thừa cân quyết định tập luyện cho giải New York Marathon. Nó đề cập một cách hài hước nhưng chân thực đến những khó khăn mà nhiều người phải đối mặt khi cố gắng giảm cân. Đồng thời, qua đó phim cũng truyền tải thông điệp về việc thay đổi cuộc sống, thay đổi cơ thể và thay đổi suy nghĩ của bạn khi đến với chạy bộ.

Phim cũng mô tả những nỗ lực, quyết tâm của Brittany khi đã xác định một mục tiêu lớn. Ví dụ như chuyện cô nhận làm thêm một công việc nữa, để có khả năng chi trả cho phòng Gym đắt tiền nơi cô muốn luyện tập. Những nỗ lực xuất phát từ niềm tin vào bản thân đó sẽ khiến bạn phải luôn cổ vũ cho cô ấy và lấy đó làm cảm hứng cho mình.

McFarland, USA (2015)

Đây lại là một bộ phim về tinh thần đồng đội. Nó kể câu chuyện có thật về một đội chạy băng đồng vào năm 1987, tại một trường trung học ở McFarland, California dưới sự huấn luyện của Jim White.

Đó là câu chuyện kinh điển về kẻ yếu thế, cố gắng theo chân cả đội khi họ đặt mục tiêu giành chức vô địch tiểu bang , đồng thời học những bài học về chạy bộ và trưởng thành trong cuộc sống.

Bộ phim nêu bật tầm quan trọng của một Huấn luyện viên – người cố vấn, cũng như sức mạnh của việc hướng tới mục tiêu chung, tạo ra những thay đổi tích cực để biến những điều không thể thành có thể.​

Race (2018)

Bộ phim lấy cảm hứng tứ cuộc đời của Jesse Owens, một vận động viên chạy bộ người Mỹ gốc Phi đã giành được 4 huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic 1936 được tổ chức tại Berlin.

Nhân vật Owens do Stephan James thủ vai, người đã xuất sắc lột tả được tinh thần của một vận động viên đẳng cấp Olympics. Các diễn viên quen thuộc như Jason Sudeikis và Jeremy Irons cũng góp mặt trong phim.

Tất nhiên, đa số trong chúng ta không tập luyện để thi đấu tại Thế vận hội, nhưng chỉ ngoại trừ một nhóm rất nhỏ vận động viên chuyên nghiệp, mọi người đều phải xoay sở giữa công việc, cuộc sống, gia đình và để theo đuổi đam mê chạy bộ của mình. Xem một bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của một vận động viên chuyên nghiệp cũng là một cách để ta hiểu hơn về những nỗ lực này.

Patriot’s Day (2017)

Là một bộ phim khá “nặng”, Patriot’s Day kể câu chuyện về thảm kịch đánh bom tại giải Boston Marathon năm 2013 và ảnh hưởng của nó tới những vận động viên bị thương, những gia đình mất đi người thân và nhân viên y tế…

Là những câu chuyện về nỗi buồn và đau đớn, nó phù hợp hơn với những người chạy bộ có kinh nghiệm, có đủ trải nghiệm và suy ngẫm về cuộc đời.

Nội dung phim dựa trên cuốn sách Boston Strong, do Peter Berg đạo diễn và viết kịch bản, với sự tham gia của Mark Wahlberg và Kevin Bacon.

Without Limits (1998)

Bộ phim tập trung vào cuộc đời của Steve Prefontaine, vận động viên chạy bộ trẻ tuổi đã thiệt mạng quá sớm trong một vụ tai nạn thương tâm. Nó tập trung vào mối quan hệ với huấn luyện viên của cậu, Bill Bowerman, tính cách bùng nổ và nỗ lực không ngừng nghỉ của cậu đẩy tới các giới hạn trong mỗi cuộc đua.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Trả lời