Du Lịch Huế – Những Điểm Độc Lạ Có Thể Bạn Chưa Biết

Bây giờ, việc đi du lịch tự túc các điểm trong nước ngày càng dễ dàng và thuận tiện. Từ Hà Nội hay Sài Gòn, bạn đều có thể tới Huế rất đơn giản bằng đường bay, xe lửa, ô tô, thậm chí bằng xe máy nếu bạn dư dả thời gian và có thú vui đi phượt.

Cũng vì thế, các điểm tham quan ở Huế cũng trở nên quá quen thuộc như Đại Nội, các lăng tẩm, chùa chiền, bãi biển Lăng Cô và Thuận An, nghe nhã nhạc cung đình trên sông Hương… Trong bài này, chúng ta sẽ lướt qua các điểm thân quen đến nhàm chán đó, cùng nhau tới một số điểm nên đến vì sự độc đáo của chùng.

Nên đi Huế vào thời gian nào?

Mùa xuân kéo dài từ cuối tháng 1 đến tháng 3, thời tiết lúc này rất đẹp, trời có nắng nhẹ, đôi khi se se lạnh. Từ tháng 4 đến tháng 7, mùa hè nắng nóng, Huế cũng là địa điểm du lịch lý tưởng với những du khách yêu thích biển. Mùa hè có sắc vàng của hoa điệp, hồng của muồng hoa đào; sắc tím của bằng lăng… Tháng 8, thành phố vào thu, mùa đẹp nhất trong năm.

Vẻ đẹp bình yên của Huế

Từ tháng 9 đến tháng 11 mưa nhiều, có thể mưa liên tục nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, không thuận tiện cho các hoạt động ngoài trời.

Các điểm tham quan độc đáo

Mình tới Hiế không chỉ một, mà rất nhiều lần. Từ thời sinh viên đi thực tế viết báo cáo, cho đến sau này đi với gia đình, tham gia giải chạy bộ… nên cũng có khá nhiều góc nhìn về điểm du lịch này.

Lăng Gia Long

Đa phần du khách đến Huế thường đến thăm các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định. Lý do vì các lăng tẩm này đều nằm gần trung tâm, dễ sắp xếp theo tour. Nhưng hãy một lần đến thăm lăng vua Gia Long để chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính giữa không gian xanh yên bình, khám phá câu chuyện tình yêu bất tử của vị vua đầu tiên triều Nguyễn gắn liền với lăng tẩm này.

Nằm cách trung tâm Huế khoảng 20km về phía Tây, Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) được xây dựng trên ngọn đồi Thiên Thọ Sơn hẻo lánh, hoang vắng thuộc thôn Định Môn – xã Hương Thọ – huyện Hương Trà – thành phố Huế.

Cổng dẫn vào khu Tẩm điện

Thực ra lăng Gia Long là quần thể lăng tẩm, bao gồm cả những người thân thích của nhà vua. Trong đó vị trí quan trọng là lăng mộ của vua Gia Long và hoàng hậu Thừa Thiên Cao.

  • Khu lăng mộ – Bửu Thành

Nằm ngay trung tâm của quần thể di tích lịch sử này là hai lăng mộ song hành của Vua Gia Long và Hoàng hậu Thừa Thiên Cao, tọa lạc trên đồi Chính Trung. Hai ngôi mộ đá này có cùng kích thước, chỉ cách nhau một gang tay, bên ngoài mộ không chạm trổ hoa văn, không sơn son thếp vàng, giản dị, tồn tại vĩnh viễn với thời gian.

Nếu đứng từ phía sau và nhìn về giao điểm của hai nóc lăng mộ sẽ thấy đỉnh Đại Thiên Thọ ở chính giữa, không lệch một ly. Đây cũng là điểm giúp cho Lăng Gia Long trở thành lăng mộ có kiến ​​trúc phong thủy độc đáo không chỉ ở Huế mà còn ở Việt Nam.

Đường lên khu lăng mộ

Bên ngoài lăng là hệ thống tường bao kiên cố, còn được gọi là “Bửu Thành”. Cổng đồng Bửu Thành là nơi dẫn vào nơi yên nghỉ của Vua và Hoàng hậu. Hàng năm cổng này chỉ mở vào các ngày lễ tết, ngày lành… để dọn dẹp, tu sửa, vệ sinh. Phía dưới là 7 cấp của sân tế, gồm sân chầu được lát gạch Bát Tràng, hai hàng tượng đá quan văn, quan võ đứng chầu, tượng voi đá, chiến mã bảo vệ.

  • Bi Đình

Nằm phía bên trái khu lăng mộ là nhà bia khắc ghi công trạng, được gọi là Bi Đình. Đây là một công trình quen thuộc thường được xây dựng ở hầu hết các lăng tẩm của vua triều Nguyễn.

Trong Bi Đình là tấm bia “Thánh Đức Thần Công” được chạm khắc hoa văn tinh tế, tuy trải qua thời gian dài gần 200 nhưng các chữ trên bia vẫn còn rất rõ. Đây là tấm bia được vua Minh Mạng dựng lên để ca ngợi vua cha – Vua Gia Long (vị vua đầu tiên triều Nguyễn).

  • Điện Minh Thành

Bên phải khu lăng mộ là tẩm điện, trong đó Điện Minh Thành nằm ở vị trí trung tâm, trên Bạch Sơn và được tường thành bao quanh. Đây là nơi thờ cúng, thắp hương, lễ bái Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu.

Trước đây, trong Điện Minh Thành lưu giữ rất nhiều kỷ vật quan đến cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như mũ trụ, yên ngựa,… Tuy nhiên, sau nhiều biến động lịch sử, các kỷ vật này không còn nữa.

Điện Minh Thành

  • Điện Gia Thành và Lăng Thiên Thọ Hữu

Trong Lăng Gia Long, Điện Gia Thành và Lăng Thiên Thọ Hữu là nơi đáng chú ý nhất. Trong đó Lăng Thiên Thọ Hữu là lăng mộ của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, và Điện Gia Thành là nơi thờ cúng lễ bái. Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu là vợ thứ 2 của Vua Gia Long và là mẹ của Vua Minh Mạng

Ngoài ra, quần thể này còn có các lăng mộ khác của hoàng tộc nhà Nguyễn như: Lăng Vĩnh Mậu, Lăng Thoại Thánh, Lăng Quang Hưng, Lăng Trường Phong, Lăng Hoàng Cô….

Quần thể di tích nằm trong khung cảnh xanh mát, yên bình rất dễ chịu

Tháp Chăm Phú Diên – tháp cổ dưới mực nước biển

Tháp Chăm Phú Diên (còn gọi là tháp Mỹ Khánh) nằm ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tháp được phát lộ một cách tình cờ vào tháng 4/2001 bởi một đơn vị khai thác quặng. Tháp cổ độc đáo này khi ấy nằm vùi sâu trong lòng cát 5-7 m, thấp hơn mực nước biển 3-4 m và chỉ cách mép nước biển 120 m.

Trải qua 12 thế kỷ, tháp bị vùi lấp trong cát. Hiện tại, công trình được bảo tồn tại chỗ trong một kiến trúc nhà kính nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên.

Muốn nhìn tận mắt, bạn cần đi xuống các bậc thang dẫn xuống tháp

Tháp có kiến trúc hình chữ nhật dài 8,22 m, rộng 7,12 m. Cửa chính tháp quay về hướng đông. Theo các chuyên gia, đây là dạng tháp lùn và là nhóm tháp đầu tiên của kiến trúc tôn giáo Chăm khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu bền vững.

Cách 5m phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ được xây hình khối vuông bằng chất liệu gạch với kỹ thuật mài xếp liền khít cao 1,4 m, cạnh dài 1,38 m. Các nhà nghiên cứu cho rằng trước kia đây là nơi đặt tượng thờ.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Chùa Huyền Không Sơn Thượng, hay còn có tên gọi khác là Huyền Không 2, nằm giữa lòng rừng thông Vạn Tùng Sơn cách trung tâm 17km. Từ trung tâm thành phố, bạn đi về hướng đường Kim Long, sau đó đi qua chùa Thiên Mụ, rồi đi hết Văn Thánh, băng qua qua cầu Xước Dũ là đến với thôn Chầm. Từ thôn Chầm sẽ có bảng chỉ dẫn để bạn đến được chùa Huyền Không Sơn Thượng).

Đoạn đường đến chùa sẽ có dãy núi non Triều Sơn Phương đẹp như một bức tranh thủy mặc, không khí mát trong tuyệt vời.

Không gian xanh mát bên trong chùa

Chùa Huyền Không Sơn Thượng chia thành nhiều khu gồm: khuôn viên ngoại viện, Chánh Điện, Am Mây Tía, Tĩnh trai đường, nhà khách… cùng nhiều công trình khác.

Khung cảnh rất yên tĩnh, gần như nghe thấy tiếng chân của mình bước trên đường

Trong khuôn viên chùa có đến 5 hồ nằm rải rác. Nổi bật hơn cả là Sơn ảnh hồ, Thủy Nguyệt Đàm và Vọng Oa Đàm với cầu bắc ngang. Đứng trên cầu ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, bạn sẽ hiểu thế nào là “tức cảnh sinh tình”.

  • Khu chánh điện

Đây có lẽ là không gian đậm chất Huế nhất ở Huyền Không Sơn Thượng. Được thiết kế theo phong cách Việt Cổ, khu chánh điện sử dụng vật liệu gỗ làm chủ đạo, dùng gạch tàu màu đỏ làm phần nền lót, mái nhà màu gụ. Tất cả hòa hợp cùng nhau tạo nên không gian trang nghiêm, cổ kính nhưng không kém phần mộc mạc, ấm áp.

Khu chánh điện được thiết kế theo phong cách Việt cổ, khu chánh điện sử dụng vật liệu gỗ làm chủ đạo, dùng gạch tàu màu đỏ làm phần nền lót, mái nhà màu gụ. Tất cả hòa hợp cùng nhau tạo nên không gian trang nghiêm, cổ kính nhưng không kém phần mộc mạc, ấm áp.

Chánh điện là nơi thờ Phật Thích Ca, thờ Xá lợi Phật cùng Xá lợi Thánh Tăng

Ngoài ra còn có rất nhiều công trình khác như Tịnh Trai đường, Am Mây Tía, Thanh Tâm Viên, Nghinh Lương đình, và đặc biết là khu vực Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng ẩn sâu trong thung lũng, có núi rừng và đồi thông bao quanh. Không gian tịch mịch, ruộng lúa mênh mông, không khí trong lành sẽ đưa bạn vào cõi thiền.

Cây cầu nhỏ bắc ngang hồ

Tham gia giải chạy bộ

Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa cổ kính, Huế hiện đại ngày nay cũng rất năng động. Hàng năm vào khoảng tháng 4, khi trời còn mát mẻ, sẽ diễn ra giải chạy VNE Huế Marathon. hãy chọn cho mình một cự ly phù hợp, tham gia trải nghiệm  để ngắm bình minh của thành phố.

Giải chạy VNE Huế, đoạn qua cầu Trường Tiền

Giải chạy diễn ra vào sáng Chủ nhật, nên sau khi hoàn thành, bạn vẫn có cả ngày cuối tuần để vi vu khắp nơi, không ảnh hưởng đến lịch trình.

Huế ngày nay không chỉ là Cố đô gìn giữ các giá trị truyền thống lâu đời, mà cũng đang phát triển cùng các khu vực miền Trung. Hãy cùng đến và trải nghiệm cảnh vật, con người và các món ăn đặc trưng của miền đất hiền hòa và cổ kính này nhé.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Trả lời