9 Bước Đơn Giản Để Đi Tàu Điện Ngầm

Khi tới các thành phố phát triển như Seoul, Tokyo hay xa hơn là Paris, Berlin…, nếu chỉ ngó nghiêng tham quan phía trên mặt đường, mà không khám phá cuộc sống dưới lòng đất, thì coi như bạn đã mất một nửa chuyến đi.

Tàu điện ngầm có thể mang rất nhiều tên gọi tùy nơi, như ở Singapore là MRT (Mass Rapid Transport), ở Paris, Tokyo là Metro, ở Berlin là U-bahn/ S-bahn, v.v…, nhưng sẽ luôn có những nguyên tắc chung, mà nếu nắm vững, bạn có thể tự tin đi lại bất cứ đâu trên thế giới. Chi phí rẻ, tốc độ nhanh và đặc biệt là có cơ hội thâm nhập cuộc sống thực tế của người dân địa phương.

Với sự hỗ trợ của công nghệ như hiện nay, chúng ta không phải dò dẫm trên tấm bản đồ giấy, mà luôn được cập nhật thông tin nhanh nhất, chính xác nhất về thời gian, lịch trình…, nên lại càng không có lý do gì phải e ngại khi tự mình trải nghiệm.

Xác định tuyến tàu

Việc đầu tiên là cần có một cái nhìn tổng thể về các tuyến (line) tàu. Bạn có thể làm như sau:

  • Dùng Google search “Abc Metro map”, trong đó Abc là nơi bạn sẽ ở, ví dụ Paris, Tokyo hay Seoul…
  • Các tuyến sẽ được chia thành các màu khác nhau. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nơi mình ở, hình dung muốn đi đến điểm nào thì đi tuyến tàu nào, cần chuyển line ở đâu…
  • Ghi chú lại số line, ga cần chuyển (nếu có)

Thông tin về hệ thống tàu điện ngầm có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng internet

Tìm ga gần nhất

Sau khi đã có thông tin về tuyến điểm, ta sẽ tìm ga xuống gần nơi mình nhất. Các điểm lên xuống ga tàu điện ngầm thường được bố trí khắp nơi trong thành phố, ở các điểm giao cắt như ngã tư, nên rất thuận tiện.

Một lối xuống tàu điện ngầm (U-bahn) ở Berlin, Đức

Mua vé

Tiếp theo, khi đã xuống nhà ga, bạn hãy quan sát xung quanh để mua vé cho tuyến mình cần. Thường sẽ có 2 hình thức:

  • Quầy vé có người bán: Bạn chỉ việc nói tên ga muốn đến, nhân viên sẽ tự in vé đưa bạn. Bạn có thể trả tiền giấy, tiền xu hoặc quẹt thẻ tín dụng.
  • Máy bán vé tự động: Hình thức này là phổ biến nhất, nó phục vụ cho người dân đi lại hàng ngày. Một số nơi sẽ bố trí nhân viên đứng gần đó để hỗ trợ nếu có người không biết sử dụng máy. Nếu không có nhân viên, bạn cũng có thể nhờ người phía trước hoặc phía sau mình trợ giúp nếu không tự tin. Về cơ bản, mọi người đều rất sẵn lòng giúp đỡ bạn. Lưu ý là với kiểu máy này, đồng tiền sử dụng có thể là tiền xu hoặc tiền giấy mệnh giá nhỏ. Do vậy, hãy luôn chuẩn bị một ít tiền lẻ trong người.

Bạn cần chuẩn bị ít tiền lẻ để mua vé từ máy

Cũng như nhiều mặt hàng khác, mua nhiều sẽ rẻ hơn mua ít. Tùy theo thời gian lưu trú và nhu cầu đi lại, bạn có thể chọn các loại hình vé lẻ, vé ngày (24h, 48h…) hay mua theo combo kiểu JR Pass của Nhật Bản.

Soát vé

Sẽ không có nhân viên nào kiểm tra vé của bạn. Tất cả là tự động và tự giác. Đi qua cửa soát vé, bạn nhét vé vào khe đầu bên này, máy sẽ đục lỗ và nhả ra đầu bên kia, đồng thời cửa chắn sẽ mở để ta đi qua.

Máy soát vé ở ga tàu điện ngầm

Vé có lỗ đục như này là đã qua cửa kiểm soát

Chờ tàu

Soát vé xong, bạn đi theo biển chỉ dẫn đến nơi chờ tàu. Thông thường tàu sẽ có 2 chiều ngược nhau ở 2 bên, nên bạn phải đứng đúng bên, vì nếu lên nhầm chiều, bạn sẽ càng đi càng xa nơi muốn đến.

Như ví dụ hình dưới, mình đang đứng ở ga Jannowitzbruke, muốn đi tới ga Kottbusser Tor, thì phải đứng đúng làn bên trái là hướng tàu chạy từ Wittenau đi Kottbusser Tor, và chạy qua ga mình đang đứng là Jannowitzbruke. Nói chung là mọi thông báo đều rất rõ ràng và tỉ mỉ, chỉ là mình có chịu đọc hay không.

Xác định chiều của tàu chạy để đứng cho đúng

Rồi chờ tàu đến thì lên thôi

Lên tàu

Tùy thời điểm mà tàu có thể rất đông đúc hoặc vắng hơn, nhưng bạn phải luôn tuân thủ việc xếp hàng lên tàu. Một số nơi sẽ có cửa chắn, một số nơi thì không. Chen lấn xô đẩy là việc rất nguy hiểm, đặc biệt khi tàu chưa dừng hẳn.

Đứng theo hàng lối chờ lên tàu. Chú ý các mũi tên hướng dẫn dưới sàn và trên tường

Cũng như các phương tiện công cộng khác, nếu còn chỗ, bạn có thể ngồi, nhưng nên nhường cho trẻ em, người già và phụ nữ mang thai. Tốc độ di chuyển của tàu điện ngầm rất nhanh, nên có đứng một lát cũng không thành vấn đề.

Luôn chú ý đứng gọn để nhường chỗ cho người khác, nhất là khi bạn có hành lý cồng kềnh

Theo dõi thông báo trên tàu

Khi tàu di chuyển, sẽ có thông báo liên tục về ga tiếp theo bằng hai hình thức: loa nói và bảng đèn tín hiệu. Nếu không tự tin nghe hiểu, cách tốt nhất là chú ý theo dõi bảng tín hiệu, để xuống đúng ga cần đến.

Chú ý bảng tín hiệu để xuống đúng ga

Vì tốc độ của tàu điện ngầm rất nhanh, nên khi còn cách khoảng 1 đến 2 ga, bạn nên chuẩn bị sẵn hành lý và đứng gần ra cửa xuống, để khi tàu dừng có thể nhanh chóng di chuyển, tránh làm phiến đến người khác.

Xuống tàu

Tàu có hai cửa hai bên, tùy theo thiết kế từng ga, mà có thể sẽ mở cửa bên trái hoặc bên phải. Khi có thông báo tàu sắp đến ga, bạn cần di chuyển ra gần cửa để có thể xuống ngay khi tàu dừng.

Tàu điện ngầm luôn có 2 cửa bên phải và bên trái. Mở cửa nào sẽ do thiết kế của ga đến, và sẽ có thông báo trước khi tàu dừng.

Tìm đường lên

Tùy theo vị trí ga dừng đang ở tầng hầm thứ mấy dưới lòng đất, hoặc có khi là trên cao (như hệ thống S-bahn ở Berlin), sau khi xuống tàu, bạn cứ theo đúng mũi tên chỉ dẫn để đi ra khỏi ga.

Đường lên có thể là thang cuốn hoặc thang bộ

 

Trên đây là tất cả những gì cần lưu ý để sử dụng hệ thống tàu điện ngầm ở bất cứ đâu trên thế giới. Có thể lần đầu bạn sẽ có chút bỡ ngỡ, nhưng sau vài lần, bạn sẽ thích đi lại bằng hình thức này vì nó rất thuận tiện, nhanh chóng và rất tiết kiệm.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Để lại một bình luận