Khi nghe “quảng cáo” về những triền dốc ngập tràn nắng gió nơi cao nguyên Pleiku của Tiền Phong Marathon 2021, thực lòng mà nói, mình không hề có ý định chạy giải này. Lựa chọn cho kế hoạch lần này là giải Techcombank cùng ngày 28/03/2021 tại Hà Nội. Kế hoạch đã thay đổi vào những tuần cuối trước giải đấu. Và không ngờ, chính sự thay đổi này đã mang lại cho mình những trải nghiệm không thể quên, mà mình muốn chia sẻ ngay sau đây cho những ai không tới Gia Lai dịp này.
Mục tiêu thay đổi, dĩ nhiên kế hoạch luyện tập cũng phải điều chỉnh theo. Một số buổi chạy dốc (hill training) và nắng nóng (heat training) đã được thêm vào lịch tập để cơ thể thích nghi dần, sẵn sàng cho giải chạy. Những buổi chạy dài cuối tuần cùng các “đồng run” ở Công viên Thống Nhất và phố đi bộ Hồ Gươm thực sự mang lại hiệu quả rất rõ rệt.
Những buổi chạy dài cuối tuần là một phần không thể thiếu trong quá trình luyện tập
Mình đến sớm trước 2 ngày, thuê xe máy vừa đi chơi, vừa để cảm nhận điều kiện địa hình, thời tiết nơi đây. Sau khi đi một lượt, thấy route cũng khá “khó nhằn”, nên một chiến thuật mới đã được lập
Giờ thì yên tâm nghỉ ngơi, nạp carb, đi ngủ để mai còn dậy sớm.
Check in Quảng trường Đại Đoàn Kết – nơi xuất phát và về đích
Mấy anh em có mặt khoảng 45 phút trước giờ xuất phát. Gửi đồ, vệ sinh… xong xuôi, đi ra vạch Start cũng là lúc MC bắt đầu hoạt náo và gọi mọi người tập trung. Khởi động kỹ càng là rất cần thiết cho cung đường khắc nghiệt phía trước.
10… 9… 8… 3… 2… 1… Bắt đầu!
Qua vạch xuất phát. Chào mừng bạn đến với 5 con dốc liên tiếp. Lúc này phần vì còn đang khỏe và phấn khích, phần vì trời còn tối, nên bạn sẽ không cảm nhận thấy sự khó khăn. Điều này sẽ hoàn toàn trái ngược với lúc quay lại những km cuối trước khi về đích, khi cơ thể đã rã rời dưới ánh nắng mặt trời đã bắt đầu khá gay gắt.
Đoạn dốc 6% rẽ vào Biển Hồ chắc chắn là đoạn “phiêu” nhất, như chơi trò chơi mạo hiểm. Dốc ngắn nhưng gắt, nên cách tốt nhất là thả lỏng cho “trôi” tự do xuống. Lúc này mới là km8, nên việc quay ngược lại lên dốc chưa khó khăn gì.
Từ khoảng km10, bắt đầu chạy vào con đường dẫn tới cây cầu treo và hàng thông trăm tuổi. Lúc này Mặt trời bắt đầu nhô lên phía xa xa, hương hoa cà phê thơm ngát trong nắng sớm sẽ giúp bạn quên cảm giác lạo xạo khó chịu của nền đá răm dưới chân. Học sinh và người dân địa phương đứng hai bên đường hò reo, đập tay, thậm chí còn hỗ trợ cả nước đóng chai, cùng tiếng cồng tiếng chiêng cổ vũ, giúp vợi bớt mệt mỏi khi leo đi leo lại 2 lượt con dốc dài.
Công bằng mà nói, đoạn này khá khó chịu khi VĐV cự ly 42 chạy lượt 2, trùng với điểm quay đầu của VĐV 21. Đường hẹp người đông, lại đúng khoảng km32-33, thời điểm dễ “sập” nhất của cự ly này. Chân chạy, tay đẩy, miệng hô, rồi cũng qua lọt. Những lúc này mới thấy tập chạy kiểu luồn lách đánh võng ở công viên Thống Nhất là một lợi thế.
Đó là còn chưa nói đến nguy cơ bị xe đạp dẫn đường của tốp elite dẫn đầu va phải khi chạy ngược chiều nhau. Cũng may là số VĐV bám theo tốp đầu cũng không quá nhiều, nên khi nhóm đông nhất tới đây, thì tốp đầu cũng đã kịp “thoát” ra khỏi đoạn đường hẹp này.
Chạy dưới hàng thông trăm tuổi, trong tiếng hò reo cổ vũ của người dân địa phương
Cây cầu mới khánh thành – nơi VĐV Full Marathon sẽ chạy qua 4 lượt – 2 lượt đi và 2 lượt về
Với kiểu route “quay đầu” này, điểm trừ là khá nhàm chán, nhất là khi phải quay lại leo dốc dài. Nhưng mặt khác, điểm cộng là mọi người có thể gặp nhau vài lần, cùng đập tay, cỗ vũ nhau “Cố lên”. Hơn nữa, các nhiếp ảnh gia cũng rất thuận tiện khi tác nghiệp: chỉ việc xoay người lại là có góc chụp mới – nhờ thế mà runner cũng có khá nhiều ảnh để sống ảo.
Xong hai lần “quay”, là đối mặt với 10km cuối trước khi về đích. Mệt. Nắng. Và rất nhiều dốc. Nguy cơ bị “chuột cắn” là rất cao. Ban tổ chức đã rất tâm lý khi bố trí các điểm tiếp nước và hỗ trợ y tế dày đặc ở đoạn này (nghe đâu dùng hết đến 400 bình xịt lạnh).
Những con dốc dài đầy nắng là “đặc sản” của giải chạy lần này
Cuối cùng thì cũng đến chỗ rẽ chạy về đích! Cố lên! 500m nữa thôi!
Sau đó là ngập tràn kem, bia, ngâm nước đá, chụp ảnh…
… lại còn có Chứng nhận hoàn thành ngay sau khi băng qua vạch đích.
Đường chạy rợp bóng quốc kỳ luôn là điểm nhấn đặc biệt của cung đường TPM
Ở góc độ tổ chức, mình nghĩ trong mọi trường hợp, an toàn luôn là yếu tố ưu tiên hàng đầu, đặc biệt với một giải chạy diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau, với số lượng crew cơ động hạn chế như TPM. Về điểm này, cá nhân mình cho là Ban tổ chức đã làm tốt, từ đường sá, an ninh, hỗ trợ y tế… Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi những thiếu sót do chủ quan hay khách quan, nhưng về cơ bản, TPM 2021 đã khép lại thành công và để lại nhiều dấu ấn đẹp cho các vận động viên tham gia.