Mình đã có một thời gian sống, làm việc và du lịch tại thủ đô Dhaka của quốc gia Nam Á Bangladesh. Điểm đến này có nhiều điều thú vị, nhưng cũng tương đối phức tạp. Tuy nhiên, nếu ta có sự chuẩn bị và tìm hiểu trước, thì cũng rất đáng để trải nghiệm.
Dưới đây là 10 điều mình rút ra từ kinh nghiệm thực tế, và chia sẻ với mọi người:
Mục lục
Trước khi người Anh rời đi và trao trả độc lập cho Ấn Độ, họ đã chia Ấn Độ thành 2 quốc gia theo tôn giáo: nước Ấn Độ ngày nay với đa phần dân theo đạo Hindu, và nước Pakistan theo Hồi giáo. Sau này, Pakistan lại chia thành 2 quốc gia như ngày nay: Pakistan và Bangladesh.
Người Việt khi sang Bangladesh cần xin Visa. Thủ tục thì không có gì khó, nhưng thời gian chờ thì… tùy hứng. Có thể là vài tuần, cũng có thể là vài tháng. Lần mình đến Đại sứ quán Bangladesh ở Hà Nội để nhận lại Hộ chiếu, mới biết là ở đó chỉ có 2 nhân viên, 1 nam 1 nữ, và kiêm tất cả mọi việc từ giải quyết thủ tục, văn phòng, bếp núc, vệ sinh… Hôm đó, mình đến cũng phải ngồi chờ cả giờ đồng hồ, vì anh nhân viên đang đi… sửa lò vi sóng.
Thời hạn của Visa cũng chẳng theo quy định nào cả. Cùng nộp hồ sơ một lúc, nhưng người thì được cấp 6 tháng, người lại được 2 năm… là điều hoàn toàn bình thường.
Visa của mình được cấp cho… 2 năm rưỡi, trong khi mọi người cùng đoàn chỉ đượ 6 tháng hoặc 1 năm
Tóm lại, điều đầu tiên cần nhớ khi làm việc liên quan đến Bangladesh là phải luôn bình tĩnh, không sốt ruột. Bởi có sốt ruột, bạn cũng chẳng thay đổi được gì.
Nhìn chung, xã hội Bangladesh còn khá lạc hậu. Các hình thức thanh toán như thẻ tín dụng hay online chưa phổ biến ở đây. Bạn có thể mang theo USD và đổi sang BDT (Bangladesh Taka) ở sân bay hoặc các quầy đổi tiền trên phố.
Tỷ giá đầu năm 2023 khoảng 1 BDT = 217 VND = 0.0091USD
Tiền mặt là cách thanh toán phổ biến ở đây
Giao thông ở Dhaka luôn trong tình trạng hỗn loạn và kẹt xe triền miên, bất kể thời điểm nào trong ngày. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông ở đây đều rất cũ kỹ và chắp vá, nên đi lại ngó nghiêng ngoài đường không phải lựa chọn hay.
Nếu bạn nghĩ giao thông ở Việt Nam là kinh khủng, bạn sẽ nghĩ lại khi tới Dhaka
Có rất nhiều phương tiện để bạn có thể sử dụng:
Bạn có thể tìm thấy Rickshaw ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Chính loại phương tiên này, với sự tham gia giao thông vô tổ chức của nó, là nguyên nhân chính của tình trạng giao thông hỗn loạn ở đây. Nhưng nó cũng lại là cách kiếm sống của vô số dân nghèo, nên đây thực sự là bài toán nan giải của chính quyền.
Mình chủ yếu sử dụng Uber Motor khi cần di chuyển tại Dhaka
Xe buýt thì rẻ nhưng cũ nát và nóng bức
Luôn mang theo khẩu trang, rửa tay trước khi ăn, uống nước đóng chai và ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh. Một lọ thuốc chống tiêu chảy mang theo cũng không thừa. Vấn đề vệ sinh ở đây khá tệ, đặc biệt nếu bạn là người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Một nơi ở khu Old Dhaka, bán loại sữa chua tự làm
Có hai lý do: Thứ nhất, Bangladesh là quốc gia Hồi giáo. Thứ hai, khí hậu ở đây là nóng ẩm. Do đó, mặc quần áo kín đáo, nhã nhặn vừa giúp bạn không bị nắng nóng thiêu đốt, đồng thời không bị những ánh mắt soi mói, nhất là nếu bạn là phụ nữ.
Mặc dù cuộc sống hiện đại, người Bangladesh Hồi giáo, đặc biệt là phụ nữ, vẫn ăn mặc rất kín đáo. Hãy tôn trọng các giá trị truyền thống
Vì mình qua đây làm việc, nên đối tác luôn bố trí người đi cùng. cho đến khi xong việc và trở về khách sạn vào cuối ngày. Nếu mình muốn đi thăm thú đâu đó hay mua sắm vào cuối tuần, anh em bên đó sẽ sắp xếp đi cùng. Còn nếu bạn sang du lịch, tốt nhất nên đi qua một công ty du lịch địa phương, để đảm bảo an toàn an ninh.
Có lần mình mới bước ra khỏi khách sạn, đã có vài chú tiếp cận chào hỏi, rủ đi chơi “vui vẻ”, có khi chỉ là đến quán bar uống bia rượu. Nhưng đây là quốc gia Hồi giáo, bia rượu bị cấm tuyệt đối, nên đừng dại mà đi theo mấy lời ấy, để rồi không còn đường quay về
Những người bạn dễ mến
Ở Bangladesh, chủ yếu người dân theo Hồi giáo. Một số ít là Hindu và các tôn giáo khác. Đừng bao giờ chỉ trỏ, bàn luận hay chê bai. Tốt nhất là không đề cập đến khía cạnh này trong các câu chuyện.
Một tuần làm việc ở Bangladesh bắt đầu từ Chủ Nhật, và kết thúc vào Thứ Năm. Thứ Sáu là ngày nghỉ, dành cho gia đình và cầu nguyện. Buổi lễ cầu nguyện Jummah sáng thứ Sáu hàng tuần là bắt buộc với mọi nam giới Hồi giáo trưởng thành. Về cơ bản, bạn không nên (và cũng không thể) hẹn gặp gỡ công việc gì trong ngày này.
Lúc này là khoảng gần 12h trưa một ngày thứ Sáu. Nhiệt độ ngoài trời đang khoảng 35oC, và mọi người vẫn đang chuẩn bị cho lễ cầu nguyện hết sức nghiêm túc
Ở đây, gu ẩm thực của họ rất khác với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Vị chủ đạo là cay và ngọt, với rất nhiều loại gia vị đặc trưng. Do đó, luôn hỏi cặn kẽ về món bạn sẽ ăn, và thử từng chút một.
Nếu đang trong giờ làm việc, bạn thấy họ bày một bàn đầy ắp đồ ăn, bánh trái… thì cũng là chuyện rất bình thường. Người dân Bangladesh nhìn chung rất hiền và hiếu khách
Một số điểm du lịch như Bảo tàng Quốc gia, Pháo đài Lalbagh, chợ Karwan Bazar, đền Hindu Dhakeshwari v.v… rất gần khu Old Dhaka. Bạn có thể đặt 1 chiếc Uber Motor và nói tài xế đưa bạn đến thăm vài nơi trong một ngày.
Bên trong khuôn viên Pháo đài cổ Lalbagh
Pháo đài này là một quần thể kiến trúc Hồi giáo, gồm Nhà thờ Hồi giáo, lăng mộ công chúa Bibi Pari với một đài phun nước dài hình chữ nhật khá đẹp
Về các công trình tôn giáo, cần phân biệt hai dạng “Temple” của người Hindu và “Mosque” của người Hồi giáo. Những nhầm lẫn liên quan đến tín ngưỡng có thể sẽ gây ra những tình huống khó xử.
Mughal Mosque – một đền thờ Hồi giáo điển hình ở Dhaka
Tại Dhaka, có cả các khu chợ truyền thống và các trung tâm thương mại hiện đại. Bạn có thể mua được nhiều sản phẩm độc đáo như vải, gốm sứ, tranh, v.v.
Có thể bạn chưa biết, quần jeans ở Bangladesh rất đẹp và rẻ. Đa phần các hàng quần jeans hàng đầu như Levi’s, Calvin Klein… đều gia công tại đây.
Một góc chợ Kawarn Bazar
Lưu ý là ở hầu hết các nơi, bạn sẽ chỉ gặp đàn ông trong tất cả các vai trò, dù là lái xe, bán hàng, phục vụ… đặc biệt là ở khu vực Old Dhaka. Bên phía New Dhaka, nơi có nhiều cao ốc, văn phòng, khách sạn… thì cuộc sống mang nhiều nét hiện đại hơn.