Vui Lễ Hội Kate Với Người Chăm Ninh Thuận

Tháng 7 hàng năm theo Chăm lịch (thường vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 Tây lịch), cộng đồng Chăm Bà La môn ở tỉnh Ninh Thuận lại nô nức tổ chức lễ hội Kate truyền thống. Lễ hội này bắt nguồn từ lễ hội Katik của người Hindu, có nghĩa là “lễ cúng tháng 7”, để tưởng nhớ công ơn của thần linh, tổ tiên và những người có công với dân tộc.

Quang cảnh lễ Kate tại các tháp Chăm cổ kình

Cũng như các lễ hội truyền thống khác, Kate bao gồm 2 phần Lễ và Hội, trải dài trong 3 ngày từ các đền tháp, về làng và về tới từng gia đình.

Phần lễ sẽ được bắt đầu bằng nghi thức đón y phục do người em út Raglai mang từ vùng núi Tây Nguyễn xuống. Theo truyền thuyết, thì người Chăm và Raglai là anh em trong một nhà. Người Raglai là con út trong gia đính nên được giữ y trang của các Vua Chăm, Thánh mẫu Ina Nagar, và hàng năm sẽ mang xuống thực hiện nghi thức rước y trang trong lễ hội Kate.

Sau đó người chủ lễ sẽ mở cửa tháp để mời thần linh về dự lễ và làm nghi thức mặc y phục cho tượng thần. Sau tất cả các nghi thức này, người dân sẽ tỏa về làng và nhà mình để bắt đầu phần hội chính.

Nghi lễ rước y phục được thực hiện rất trang nghiêm. Toàn bộ người Chăm sinh sống tại khu vực đều đến tham dự

Cổng vào khu vực đền tháp – nơi thực hiện các nghi lễ

Người Chăm tỉnh Ninh Thuận hiện nay có số dân khoảng 82.000, theo 3 tôn giáo khác nhau: Chăm bà la môn, Chăm Hồi giáo cũ Bà ni và Chăm Hồi giáo mới Islam.

Các nghi thức truyền thống được giữ gìn từ nhiều đời

Về làng, khắp nơi đều là không khí lễ hội tưng bừng. Trai gái với những trang phục đẹp nhất, cùng nhau vui chơi, nhảy múa. Nếu bạn là du khách tình cờ lạc đến đây, bạn có thể vào bất cứ một nhà nào, sẽ được chủ nhà tiếp đãi ăn uống no say. Người Chăm quan niệm rằng, ai mời được càng nhiều khách vào nhà sẽ càng có nhiều may mắn.

Bên trong một gia đình người Chăm, khách được chủ nhà tiếp đãi ân cần.

Ngoài sân, các chị em vui múa các điệu múa dân gian của dân tộc Chăm

Cần lưu ý là mặc dù cộng đông người Chăm sống rải rác ở Ninh Thuận – Bình Thuận và An Giang, và người Chăm An Giang có nguồn gốc từ Nam trung bộ, theo những đoàn quân viễn chinh xưa kia mà tiến dần vào Nam, nhưng hiện nay hai cộng đồng này gần như tách biệt về nếp sống và văn hóa. Do đó, trong nhạc của Trần Tiến, tiếng trống Pa ra nưng của người Chăm An Giang, không liên quan gì tới cây đàn Chapi của người Raglai (Chăm Núi) ở Tây Nguyên.

Đến thăm gia đình danh ca Chế Linh. Đây là bác Lưu Văn Hiển – anh ruột – và bác Lê Thị Hiệp – người vợ đầu của Chế Linh. Chế Linh tên thật là Lưu Văn Liên, sinh năm 1942, là một ca sỹ người Chăm rất nổi tiếng.

Một điều đáng tiếc là hiện nay hầu như không thể tìm thấy nếp nhà truyền thống Chăm, nhưng bên trong mỗi gia đình, các vật dụng truyền thống vẫn được chế tác và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Một góc bếp của gia đình Chăm Ninh Thuận

Sau khi tham gia lễ hội Kate, bạn có thể đi tham quan các làng nghề truyền thống của người Chăm Ninh Thuận như làng làm gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ… và Bảo tàng văn hóa Chăm ở trung tâm Phan Rang – Tháp Chàm, để có cái nhìn tổng thể và sâu sắc hơn nữa.

Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại đến ngày nay, với cách tạo hình độc đáo không cần bàn xoay, mà vẫn cho ra những tác phẩm vô cùng tinh tế.

Khung dệt thổ cẩm của phụ nữ Chăm

Đến với không gian văn hóa của người Chăm, bạn sẽ cảm nhận được phần nào những giá trị truyền thống rất lâu đời được gìn giữ qua biết bao thế hệ. Hy vọng những giá trị này sẽ không bị cơn sóng cuộc sống hiện đại làm cho mai một trong tương lai.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Để lại một bình luận