Tokyo Marathon – Giải Major Duy Nhất Của Châu Á – Có Gì Khác Biệt?

Nếu Berlin 2022 chứng kiến kỷ lục thế giới “nhanh nhất” – Eliud Kipchoge xô đổ kỷ lục của chính mình với thành tích 2:01:09  – thì tại Tokyo 2023, lại có một kỷ lục Guiness “nhiều nhất”: hơn 3000 runner đã nhận huy chương 6 sao, ghi dấu hoàn thành đủ 6 giải major trên thế giới (gồm Boston, Berlin, New York, Chicago, London và Tokyo).

1.Giải marathon nhiều “thủ tục” nhất trước nay

Trong nhóm Facebook của giải chạy, nhiều người, nhất là các bạn đến từ Mỹ và châu Âu, than thở “Tao không lo không finish được, mà lăn tăn làm sao để có thể Start suôn sẻ”.

Quả vậy, để đến được vạch xuất phát năm nay, bạn phải đảm bảo thực hiện đủ 3 vòng:

  • Vào được nước Nhật: Vì mới mở cửa sau đại dịch Covid-19, nên ngoài chuyện xét visa, bạn phải khai một loạt các form mẫu cho thủ tục nhập cảnh. Quan trọng nhất là chứng nhận tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong vòng 200 ngày, hoặc chứng nhận âm tính trong vòng 72 giờ. Đó là chưa kể đến các rủi ro như bạn bay từ Hongkong chẳng hạn, các chuyến bay của Cathay Pacific bị hủy hàng loạt do tình hình dịch bệnh phức tạp.
  • Khu vực Expo: Bạn sẽ phải khai mọi thông tin về thân nhiệt, triệu chứng, tiếp xúc… 7 ngày liên tục trước ngày giải, thông qua một ứng dụng quản lý sức khỏe của Ban tổ chức. Từ cổng Expo ở khu Tokyo Big Sight cho đến khi nhận được Bib và kiểm tra Timing Chip, bạn sẽ phải qua vài bước kiểm tra. Cũng may là chỉ cần quét mã QR, app hiện lên mặt cười màu xanh là Ok.

Nhận được Bib cũng hơi gian nan

  • Vạch xuất phát: Khi lấy race kit, mỗi vận động viên sẽ được phát 2 bộ test nhanh, tự lấy mẫu test 2 ngày liên tục, và phải trình màn hình thể hiện kết quả âm tính khi vào khu vực xuất phát. Mình không chắc lắm là mọi người có nghiêm túc test không, hoặc nếu kết quả dương tính thì có sẵn sàng bỏ giải không, nhưng thực sự mang theo điện thoại khi chạy giải khá khó chịu.

Hùng dũng bước vào khu vực Start sau khi xong một cửa kiểm tra…

… để tiếp tục xếp hàng, tay lăm lăm điện thoại, trình màn hình app

Nhưng rồi cuối cùng, ơn trời, mọi thủ tục cũng xong. Chắc không có ai vì mấy thứ rườm rà này mà không xuất phát được.

2. Tận hưởng cuộc đua

Tokyo đang chuyển sang mùa xuân. Tuyết tan, nên thời tiết khá lạnh. Gió to. Bầu trời u ám. Mây vần vũ báo trước một cơn mưa sắp tới.

Trong đám đông có nhiều người gắn mảnh giấy sau lưng kiểu “TODAY IS THE DAY! CHEER ME” (Hôm nay là ngày đặc biệt! Hãy chúc mừng tôi). Đây là những người, sau khi về đích hôm nay, sẽ hoàn thành 6 giải major và nhận medal 6 sao.

Timing chip của Tokyo Marathon là một miếng nhựa buộc thẳng vào giầy

Sau gần một giờ vừa co ro vừa chém gió với đám runner bên cạnh, cuối cùng hiệu lệnh xuất phát cũng vang lên. Pháo hoa giấy tung trời. Cảm giác hào hứng quen thuộc trào dâng. Và rồi… chỉ có thế thôi. Không khí nói chung khá trầm – cũng dễ hiểu với tính cách của người Nhật. Nếu ai mong đợi các trò náo nhiệt kiểu đánh trống thổi kèn, nhào lộn làm xiếc suốt đường đua như ở các nước khác, thì sẽ khá thất vọng. Dọc hai bên đường chủ yếu là người dân đứng xem, cổ vũ một cách có chừng mực, và đâu đó hô to “Gambate! Gambate kudasai” (kiểu như “Cố lên, cố lên nào”).

Quy định của giải là người chạy không được mang theo chai nước riêng, bù lại, các trạm tiếp nước rất nhiều và rất dài, xen kẽ nước và điện giải Pocari, trái cây… Và theo quy định (lại quy định), Bib của bạn có đầu số nào thì bạn phải vào bàn nước có số tương ứng. Ví dụ Bib của mình là 38530, thì phải tấp vào bàn số 3. Quả thực đang chạy pace 4:xx và cùng ghé vào với hàng trăm người, việc này thực hiện cũng không đơn giản.

Lúc qua tháp Tokyo, trời đã khá nắng

Nửa đầu chặng đua cũng không khó lắm, mình vẫn bám sát mục tiêu 3:10 (Nửa đầu mình hoàn thành là 1:35:38, nghĩa là chỉ cần nửa sau negative một chút là đạt sub3:10). Nhưng đời không như là mơ, nửa sau có khá nhiều dốc cầu lặp đi lặp lại, nên cuối cùng mình cán đích với thời gian 3:12:01 (pace trung bình 4:32), xếp thứ… 2991.

Mặc dù không chạy được nửa sau nhanh hơn, kết quả cũng khá hài lòng với PB mới.

Lại nói chuyện về đích. Khoảng hơn 1km cuối đường khá xấu. Mặt đá cứng và trơn. Nếu vào ngày mưa hay tuyết tan, sẽ rất khó đảm bảo an toàn, nhất là với những ai sử dụng siêu giầy bồng bềnh như Alphafly. Còn không khí ở vạch đích thì hơi… buồn. Không MC, không nhạc nhẽo. Lầm lũi băng qua vạch đích và đi bộ chừng 1km ra “meeting point” gặp mọi người. Trên đường đi bộ ra là những cái cúi chào rất lễ phép đưa medal, khăn choàng, trái cây, nước uống…

Về tổng thể, đường chạy khá đẹp. Cũng có một số cầu độ dốc vừa phải, có lên có xuống nên cũng không quá khó. Đặc trưng của Tokyo, cũng như các đô thị lớn khác, là có rất nhiều tòa nhà cao tầng. Vào ngày gió to như hôm nay, chạy qua các tòa nhà cũng khá mất sức. May là đường chạy có nhiều khúc rẽ và quay đầu, nên lúc này ngược gió, lúc khác lại xuôi gió nên cũng đỡ. Như đường chạy Boston thẳng một lèo thì vấn đề gió cản cũng khá căng (Tất nhiên đang nói về các elite thôi, như chúng ta chắc chẳng ảnh hưởng mấy).

“After-race party” của riêng mấy anh chị em tham gia Tokyo Marathon. Chị Tiểu Phương dã đạt được medal 6 sa0 (đang đeo cổ), còn Chi Nguyễn cũng còn London nữa là đủ bộ sưu tập

3. Giá trị của một giải đấu lớn

Như bác sỹ Đinh Linh vẫn nói “Marathon không chỉ là một môn thể thao, nó còn là lối sống”. Với một cá nhân còn thế, với một quốc gia lại càng như vậy. Cách một giải chạy được tổ chức sẽ phản ánh cách một xã hội được vận hành. Giải Tokyo năm nay rất đặc biệt, nó bao gồm cả các suất chạy từ 2020 đến giờ, bị hoãn do đại dịch Covid 19. Riêng con số gần 40.000 người tham gia, đã đủ nói lên quy mô và sự phức tạp của công tác tổ chức. (Nguyên văn của Ban tổ chức “The 16th edition of the Tokyo Marathon welcomed the full capacity of 38,000 runners for the first time in four years”).

Một góc Expo. Chúng ta có thể thấy xa xa là Suguru Osako đang tươi cười trên màn hình quảng cáo

Dù nói gì đi nữa, một giải thuộc hệ thống World Major, lại là cái duy nhất của châu Á, chắc chắn có những giá trị của nó. Giống như nước Đức, Nhật Bản chịu thiệt hại vô cùng nặng nề sau Thế chiến II, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, họ không những khôi phục, xây dựng đất nước, mà còn vươn lên vị trí cường quốc hàng đầu thế giới. Người Nhật nổi tiếng với cách làm việc khoa học, tinh thần kỷ luật và sự nhẫn nại bền bỉ. Đó không phải là những thứ cần thiết cho bộ môn chạy bộ đường dài sao? Cho nên, không phải tự nhiên mà họ có Yuki Kawauchi, Suguru Osako, Kengo Suzuki và rất nhiều chân chạy xuất sắc khác.

Kể chuyện dông dài vậy đủ rồi. Tạm biệt mọi người, mình đi ngắm núi Phú Sỹ đây.

Đi xe bus đến khu vực hồ Kawaguchiko dạo bộ, đi cáp treo lên núi cạnh hồ để ngắm núi Phú Sỹ là một kế hoạch recovery tốt

Written by: spiderman

Để lại một bình luận