Myanmar – Mảnh Đất Hiền Hòa Mà Nhiều Biến Động

Myanmar tuyệt đối không phải là điểm đến của các tín đồ shopping, các du khách ưa mạo hiểm hoặc những người thích tiện nghi, hiện đại. Đến đây là bạn tìm đến một không gian cổ kính, yên bình, với những con người thân thiện, hiền lành và một truyền thống văn hóa lâu đời.

Ở Myanmar, bạn có cơ hội tận hưởng những khoảng thời gian yên bình, với một không gian thấm đẫm truyền thống

Tổng quan về đất nước Myanmar

Myanmar ở đâu?

Cộng Hoà Liên Bang Myanmar là một quốc gia Đông Nam Á tiếp giáp với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Trong tiếng Hán, Myanmar còn có tên gọi khác là Miến Điện – ý chỉ “vùng ngoại thành xa xôi”. Với lịch sử biến động, văn hoá của Myanmar chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền văn minh lớn, thể hiện rõ nét qua tập tục truyền thống, kiến trúc và ẩm thực.
Đất nước cổ kính này còn nổi tiếng bởi vô số đền chùa cổ, di tích tôn giao mang tính biểu tượng, như chùa Myasaydi ở Myinkaba, chùa Chaukhtatgyi ở Yangon với tượng Phật nằm nổi tiếng và hàng trăm đền tháp ở Bagan. Hoạt động du lịch hành hương ở Myanmar cũng vì thế mà rất được du khách Việt Nam ưa chuộng.

Myanmar còn lưu giữ được rất nhiều di tích tôn giáo có giá trị

Phương tiện giao thông và cách đi lại

Nhìn chung, giao thông của Myanmar, đặc biệt ở thủ đô Yangon, không khá khẩm gì hơn các thành phố Đông Nam Á khác. Phương tiện giao thông luôn tăng quá nhanh so với tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng. Tình trạng kẹt xe diễn ra hàng ngày.

Dưới đây là một số lựa chọn để bạn tùy cơ mà ứng biến:

  • Tuktuk: Nếu di chuyển gần, và thời tiết thuận lợi, thì Tuktuk là phương tiện phù hợp nhất. Chi phí rẻ, vừa ngắm cảnh vừa tận hưởng không khí trong lành. Đây cũng là phương tiện đi lại chính của người dân địa phương khi đi học, đi làm, đi chợ…

Bạn có thể thuê tuktuk và nói bác tài đưa đi đến các điểm tham quan một lượt

  • Xe riêng/ taxi/ Uber: Loại hình này cũng rất tiện, nhưng chỉ rẻ khi bạn có khoảng 3-4 người. Mặt khác, hãy luôn nhớ trả giá trước khi lên xe, vì cũng giống như bất cứ đâu, lái xe luôn biết cách hét giá với khách du lịch.

Đi taxi hay xe ô tô riêng ở đường phố Yangon là bạn phải rất kiên nhẫn

  • Xe máy/ xe điện: Bạn cũng có thể dễ dàng thuê xe máy hoặc xe điện để tự khám phá. Nói chung việc quản lý khá lỏng lẻo, không có kiểm tra giấy tờ, bằng lái gì đâu, miễn bạn trả đủ tiền thuê là cứ tự lấy xe phóng đi.

Thuê xe điện ở Bagan – đường sá vắng vẻ nên mọi thứ cũng thoải mái

  • Xe bus: Bạn có thể dễ dàng di chuyển giữa các thành phố lớn bằng xe bus đường dài. Cách này rất tiết kiệm thời gian và chi phí nếu bạn đi xe ban đêm, vừa có thể thăm được nhiều nơi, đồng thời không cần thuê phòng khách sạn. Bù lại, bạn phải có sức khỏe tương đối tốt, và quan trọng là ngủ được trên xe.

JJ Express là hãng xe đường dài phổ biến nhất ở Myanmar, có các chuyến hàng ngày kết nối các thành phố lớn Yangon – Bagan – Mandalay

Nên đi Myanmar vào thời gian nào?

Thời gian tuyệt vời nhất để đi du lịch Myanmar là từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Lúc này, tiết trời không quá nóng cũng không quá lạnh, rất thích hợp để vi vu đón chào năm mới. Từ tháng 3 đến tháng 5, khí hậu ở Myanmar rất nóng, đặc biệt là ở gần khu vực Bagan và Mandalay. Bạn trên tránh đi Myanmar từ tháng 6 đến tháng 9 vì đây là mùa mưa bão, hầu như chỉ có thể “chôn chân” tại khách sạn.

Các điểm tham quan nổi tiếng

Thủ đô Yangon

Để thăm hết các công trình tôn giáo và di tích lịch sử, bạn sẽ cần rất nhiều thời gian. Vì thế, hãy chọn ở mỗi thành phố một vài điểm nổi bật để đến thăm.

  • Chùa Chaukhtatgyi được xem là ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng bậc nhất ở thị trấn Bahan, Yangon, Myanmar. Công trình được xây dựng vào năm 1907 với chiều cao gần bằng một tòa nhà 6 tầng. Ở đây hiện vẫn đang lưu giữ bức tượng Phật Thích Ca nằm kiết tường dài nhất hành tinh. Bên trong chùa Chaukhtatgyi có nhiều phiến đá ghi bằng tiếng Miến Điện và tiếng Anh về những lời răn dạy của Đức Phật và lịch sử của Phật giáo.

  • Chùa Sule là một quần thể gồm nhiều công trình khác nhau. Trong đó ngôi chùa chính nằm ở trung tâm có chiều cao khoảng 48 mét được mạ vàng sáng lấp lánh. Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc độc đáo của người dân tộc Môn với hình bát giác tuyệt đẹp. Các họa tiết trang trí, chạm khắc của ngôi chùa này cực kỳ tinh xảo và tỉ mỉ, khiến ai nhìn thấy cũng phải ấn tượng.

Cố đô Bagan

Bagan nằm ở miền trung Myanmar, nơi đây từng là kinh đô của Myanmar với tên gọi cũ là Pagan. Vì là kinh đô cũ nên nơi đây còn tồn tại rất nhiều các công trình kiến trúc của nền văn minh xưa, là nơi lưu giữ những giá trị về văn hóa phật giáo tọa lạc bên dòng sông Ayeyarwady thơ mộng. Bagan được chia thành hai khu vực chính, Bagan cũ là nơi có rất nhiều công trình cổ và Bagan mới phục vụ cuộc sống hiện đại mới được quy hoạch ít năm sau này.

Bagan hiện có khoảng 2.000 ngôi chùa và đền tháp đã tồn tại hàng trăm năm, đủ quy mô và hình thái kiến trúc nhấp nhô thấp thoáng trong những rừng cây thưa. Các ngôi đền ở đây thường đứng theo cụm và khá gần nhau, bạn có thể lựa chọn đi bộ, xe đạp hay xe ngựa thong dong trên các con đường mòn để khám phá các ngôi đền gạch đỏ rêu phong.

Cố đô Bagan thực sự hấp dẫn du khách bởi nét đẹp cổ kính, mộc mạc và nhịp sống bình yên. Sức hấp dẫn còn chứa đựng trong từng gam màu trầm tích của những ngôi chùa và đền đài Phật giáo còn lưu lại. Những ngôi đền tại Bagan với những nét chạm khắc tinh xảo trên nền gạch nhuốm màu thời gian, công trình nào cũng đều mang vẻ cô liêu, tịch mịch vô cùng hài hòa với toàn bộ khung cảnh xung quanh.

Ananda là ngôi đền lớn, có kiến trúc đẹp nhất tại Bagan. Đền nằm phía nam cổng Tharaba, thuộc trung tâm thị trấn Bagan cổ. Đây cũng là ngôi đền linh thiêng và quan trọng bậc nhất ở Myanmar. Ananda được xây dựng từ năm 1105 với tháp chính của đền cao 54 mét, được dát vàng vô cùng nổi bật mà du khách có thể phát hiện từ cách xa vài km. Bên trong, ngôi đền được xây dựng theo bố cục đối xứng hoàn hảo với 4 bức tượng Phật khổng lồ cao hơn 9,5m và quay mặt về 4 hướng khác nhau. Ngoài các tượng Phật khổng lồ, dọc các hành lang rộng trong đền có rất nhiều tượng nhỏ và nhiều tranh tường (bích họa) kể lại cuộc đời của Phật Thích ca, từ lúc ngài đản sinh, chứng quả cho đến lúc nhập diệt.

Mandalay

Là thành phố lớn thứ hai ở Myanmar, nằm ở phía bắc Yangon, khoảng 716 km, từng là thủ đô của Myanmar dưới triều đại Mindon (1857). Với tuổi thọ hơn 142 năm cùng với những di tích lịch sử lâu đời, Mandalay luôn là điểm hấp dẫn đặc biệt với mọi du khách khi tới Myanmar. Mandalay cũng là thành phố nổi tiếng với những ngôi chùa có tuổi đời hàng ngàn năm, được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay.

Chùa Mahamuni: Được xây dựng vào năm 1785 bởi vua Bodawpaya (triều đại Konbaung), chùa Mahamuni là một địa điểm hành hương nổi tiếng ở Mandalay. Đây tương truyền là nơi Đức Phật đã từng xuất hiện từ khoảng 2000 năm trước. Chùa được biết đến với bức tượng Phật ngồi, cao 13 feet (khoảng 4m), là bức tượng Đức Phật được tôn kính nhất trong cả nước.

  • Hoàng cung Mandalay: Được hoàn thiện vào năm 1959, đây là cung điện hoàng gia cuối cùng của chế độ quân chủ Miến Điện, là nơi ở của vua Mindo và Vua Thibaw – hai vị vua cuối cùng của đất nước. Toàn thể kiến trúc được xây dựng bằng gỗ, mạ vàng và sơn đỏ tinh xảo. Không chỉ đại diện cho sự bề thế của nhà vua, cung điện còn là một tường thành vững chắc, bảo vệ toàn thể hoàng gia khỏi sự xâm chiếm của kẻ thù. Hệ thống tường thành dài 2 km, cao 8m, dày 3 m, với 48 bệ phóng pháo, bên ngoài là hào nước sâu, đem đến sự nguy nga, tráng lệ.

Những thứ chỉ Myanmar mới có

Đàn ông mặc váy, nhai trầu

Trang phục dân tộc Myanmar bao gồm hai bộ, một cho nam và một cho nữ. Được mặc bởi cả hai giới, “longyi” là một phần không thể thiếu trong trang phục truyền thống của đất nước này. Trang phục của đàn ông khác với phụ nữ về cách mặc và hoa văn hoạ tiết. Khi mặc trang phục này, đàn ông thường để “longyi” phủ dài đến chân. Trang phục “longyi” truyền thống dài 2 mét và được làm từ chất liệu vải cotton với phần vải đằng trước bụng được buộc thắt nút lại. Với đa dạng kích thước, nó phù hợp với bất kỳ hình dạng nào của cơ thể. Do không có nút gài và khóa kéo, chỉ đơn giản là tấm vải được gấp lại nên người đàn ông thường phải điều chỉnh nó khi di chuyển thường xuyên. “Longyi” không có túi nên nếu muốn mang theo đồ đạc, họ cần phải cuộn những thứ này ở phần vải chỗ thắt lưng. Màu sắc của “longyi” thường là màu tối như đen, đất nung, nâu nhạt, nâu hoặc xám.

Truyền thống ăn trầu của người Myanmar chịu ảnh hưởng bởi phong tục của người Ấn Độ. Miếng trầu ở Myanmar cũng rất đặc biệt, không có cau như ở Việt Nam, mà chỉ có lá trầu với một lớp vôi loãng được quét lên rắc thêm ít thuốc lào rồi cuốn lại.

Đàn ông Myanmar có thể têm trầu rất khéo

Đàn ông Myanmar ăn trầu nhiều hơn phụ nữ. Một trong số họ ăn như kiểu thay cho hút thuốc lá. Họ có thể nhai trầu ở bất cứ đâu, khi làm việc, khi nói chuyện hay khi rảnh rỗi. Nhưng thật lòng là mình không ưa nổi thói quen nhổ bã trầu bừa bãi khắp nơi của mấy bác này. Nhìn rất mất vệ sinh.

Phụ nữ bôi Thanaka

Thanaka là một loại cây rất phổ biến ở miền Trung Myanmar, khu vực phía Nam và Đông Nam Á. Các bộ phận của cây như lá, rễ, võ cây, hoa thường được sử dụng cho mục đích y tế. Tuy nhiên, từ xa xưa người Myanmar đã biết cách nghiền nát thân cây Thanaka thành bột để dùng làm mỹ phẩm chăm sóc da.

Bột Thanaka có màu vàng ngà, được dùng để bôi lên da mặt, da cổ, tay, chân. Tác dụng chính là dưỡng da và chống nắng hiệu quả. Không những thế, loại bột này còn có khả năng kích thích sản sinh collagen và protein, giúp hỗ trợ ngăn chặn lão hóa da hiệu quả.

Nếu có dịp đến Myanmar, bạn hãy thử dùng Thanaka nhé

Người Myanmar không chỉ xem bột Thanaka là bí quyết làm đẹp tự nhiên mà còn mang ý nghĩa tín ngưỡng. Tương truyền rằng, khi thoa lên mặt có thể giúp xua đuổi tà ma và những điều không được may mắn.

Để làm bột Thanaka mỹ phẩm, đầu tiên lấy rễ và vỏ cây ngâm trong nước. Sau đó, sử dụng cối làm bằng đá và một hòn đá có mặt phẳng giã nhỏ. Tiếp đến nghiền thành bột có màu vàng ngà và hương thơm nhẹ.

Những biến động về chính trị

Một điều đáng buồn cho người dân Myanmar và thế giới, mặc dù là một đất nước hiền hòa giảu truyền thống văn hóa, nhưng Myanmar chưa bao giờ thoát khỏi những bất ổn chính trị liên tục kể từ khi được người Anh trao trả độc lập vào tháng 1/1948.

Gần đây nhất là vào rạng sáng 1/2/2021, lực lượng quân đội đã tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân cử, bắt giam bà Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo khác. Cuộc đảo chính này đã làm tan nát cuộc sống và phá hủy một nền kinh tế đang phát triển. Đảo chính cũng đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc khiến có nhiều lời kêu gọi quốc tế can thiệp. Trên khắp đất nước, người dân đang tìm mọi cách để phản đối sự lãnh đạo của quân đội.

Bà Aung San Suu Kyi năm nay 78 tuổi, đã từng giành giải Nobel hòa bình vì cống hiến cả cuộc đời cho nền dân chủ của Myanmar, đã bị bắt trong cuộc đảo chính 1/2/2021

Chúng ta cùng mong cho đất nước Myamar sớm ổn định, để người dân trong nước cũng như cả khu vực ASEAN có thể cùng phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch cùng thế giới.

Written by: Nguyễn Minh Phụng

Để lại một bình luận