Thời buổi này, chỉ một chiếc smartphone với vài cú lướt nhẹ, bạn đã có thể kết nối được tất cả dịch vụ trên toàn thế giới. Không cần phải đi, thậm chí không cấn nhấc điện thoại lên gọi, mọi thứ vẫn được sắp xếp theo đúng ý bạn. Câu hỏi ở đây là, vì sao chúng ta phải phụ thuộc người khác khi đã có mọi thứ trong tay?
Với cá nhân mình, đây là những câu trả lời:
Mục lục
Thành thật mà nói, không phải lúc nào ta tự đặt mọi thứ cũng được giá rẻ. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn như combo phòng khách sạn và vé máy bay, hoặc các tour ghép khách, tour do khách hủy vào giờ chót… có giá cực kỳ hợp lý.
Tuy nhiên, câu chuyện đường dài, khi đi càng nhiều và càng xa, bạn sẽ biết cách làm thế nào và chọn cái gì phù hợp nhất. Có thể bạn vẫn mắc những sai lầm đâu đó, nhưng bạn lại nhận được bài học kinh nghiệm để lần sau không vướng phải. Điều đó vẫn tốt hơn là phải trả thêm tiền cho một ai đó “hướng dẫn” mình, mà nhiều khi thêm bực mình vào người.
Ở đây, mình sẽ “bật mí” cho các bạn 2 trường hợp cụ thể mà ta có thể tiết kiệm được kha khá:
Chuẩn bị: Điều “đầu tiên” dĩ nhiên là “tiền đâu?”, Bạn cần có một ngân sách cho việc xin visa, đặt vé máy bay, lưu trú, và một ít mang theo để đi lại, ăn uống. Nhưng chi thế nào cho khôn ngoan sẽ giúp ta tiết kiệm, và giảm áp lực hơn:
Tự chọn cho mình món ăn ưa thích là việc rất thú vị
Lúc lên kế hoạch đi châu Âu tháng 9/2022, tụi mình đã làm y chang vậy. Do thời điểm đó có event lớn là giải Berlin Marathon, nên từ cách đó 6 tháng này, mình đã phải đặt phòng AirBnB, rồi tháng sau đặt vé máy bay, xin visa, tháng sau nữa đặt các dịch vụ tàu hỏa, xe bus… đi lại giữa các nước. Mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.
Trong hành trình: Có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Tự cân đối chi tiêu, hôm qua vào nhà hàng sang chảnh thì hôm nay vào Seven Eleven mua đĩa mỳ quay nóng là xong; hôm nay vội phải vẫy taxi thì mai ta lại đi tàu điện ngầm cho rẻ…
Ở những nơi như Tokyo, chi phí vô cùng đắt đỏ, nên tự phục vụ hoặc mua từ các máy tự động để tiết kiệm chi phí là việc hết sức bình thường
Đi theo kế hoạch của mình, ta sẽ không phải ngán ngẩm chịu đựng mấy thứ này, mà hẳn là bạn cũng đồng ý:
Mình thích thì mình lấy xe đạp tự rong ruổi, chẳng thích hơn là chen chúc nơi đông người à?
Có một thực tế là, nếu cuộc sống lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi, thì sẽ chẳng bao giờ bạn học được điều gì mới. Cũng vậy, nếu ngay đến việc đi chơi bạn cũng phải trông cậy vào sắp xếp của người khác, lúc nào cũng chỉn chu và giống tất cả mọi người, nhìn cuộc sống qua kính ô tô, thì ngồi ở nhà mở Youtube lên xem còn phong phú hơn.
Tiền của mình, thời gian của mình, và công sức cũng của mình nốt, thì mình phải là người được quyết định ăn gì, chơi ở đâu, đi thế nào… Tất nhiên sẽ có những lúc bạn phải trả giá cho những quyết định hoặc lựa chọn sai lầm, nhưng dù thế, vẫn đáng hơn nhiều so với mất tiền mà không học được gì cả.
Chịu khó quan sát một chút, bạn sẽ biết cách mọi thứ vận hành
Lại nữa, có nhiều người sẵn sàng chi nhiều tiền cho con tham gia khóa kỹ năng sống, tu tập, huấn luyện quân đội gì đó… nhưng khi chính mình bước ra cuộc sống với đầy cơ hội thực hành thì lại… thôi.
Hãy cứ cho phép sai, rồi dần sẽ đúng. Chỉ có học từ thực tế là nhanh nhất. Mỗi lần đi lạc, mất tiền hay trễ giờ tàu… đều là những bài học không ai muốn có lần sau, nên sẽ tự tìm ra giải pháp để không lặp lại.
Để lũ trẻ tự xoay sở, tương tác với dân địa phương. Bạn chỉ nên hướng dẫn và quan sát, đừng can thiệp. Tin mình đi, chúng nó còn nhanh nhạy, thông minh hơn chúng ta đó.
Đến một nơi nào đó, mình luôn ưu tiên dành thời gian thăm hai nơi: chợ địa phương và công viên. Ở đâu cũng có hai thứ này, nhưng lại không bao giờ giống nhau, nơi bạn có thể quan sát cuộc sống thường ngày sống động của người dân địa phương thuộc mọi tầng lớp.
Thời gian rảnh, mình khoái ngắm cuộc sống đời thường hơn là bon chen mấy nơi trung tâm mua sắm
Ở các nước phát triển, nơi mà hệ thống giao thông đã được hoàn thiện, luôn có hai thế giới song song: trên mặt đất và dưới lòng đất. Đến Tokyo, Bắc Kinh hay châu Âu mà không biết giá vé tàu điện ngầm mua theo ngày hay tháng đắt rẻ thế nào, các line màu xanh đỏ tím vàng khác nhau ra sao, khi nào đứng chờ bên phải hay bên trái… thì coi như mất một nửa chuyến đi vô ích.
Nếu không thâm nhập cuộc sống thực tế, mà chỉ ngắm đường phố qua cửa kính ô tô và ăn những thứ dọn sẵn lên bàn, thì có cách nào để bạn hiểu được nơi mình đến?
Tự chuẩn bị cho một hành trình, nó giống như bạn chơi trò ghép hình vậy. Mỗi dịch vụ bạn đặt trước, mỗi thông tin bạn thu thập… là các miếng ghép của một bức trạnh hoàn chỉnh gọi là “lịch trình”. Vấn đề ở chỗ, không có gì đảm bảo là lịch trình ấy sẽ diễn ra suôn sẻ đúng như những gì ta dự định. Mọi thứ sẽ diễn ra theo cách mà nó vẫn diễn ra, chứ không phải theo cách bạn muốn. Nhưng đó lại chính là điểm thú vị nhất, là cơ hội để ta rèn luyện các kỹ năng xử lý tình huống mà chẳng có sách vở nào dạy.
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng, giờ đi đâu cũng có sóng 4G, “cái gì không biết thì tra Google”, nhưng điều đó là bất khả nếu bạn sang Trung Quốc, nơi không thể sử dụng Google hay Facebook.
Menu toàn “chữ Nho” trong một quán nhỏ ở Bắc Kinh. Bạn sẽ làm gì nếu không thể dùng Google Translate?
Khu vực mua vé ở ga tàu điện ngầm Tokyo. Ngay cả khi bạn có thể dịch được hết nghĩa, cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ mua đúng vé chuyến tàu cần đi.
Khi rơi vào các tình huống oái oăm mà tự mình gỡ rối được, bạn sẽ nhận thấy hóa ra mình còn rất nhiều khả năng chưa được dùng đến. Giới hạn duy nhất của khả năng ấy chính là suy nghĩ của chình chúng ta thôi.
Với những lý do này, mình thường chọn cách tự túc sắp xếp cho chuyến đi. Tuy nhiên, như ở phần đầu mình có nói, không phải lúc nào cũng nhất định theo một cách, mà nên linh hoạt tham khảo để chọn ra cách tối ưu. Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin gì, bạn vui lòng nhắn cho mình, hoặc để lại comment nhé.