Đã từ lâu, những chuyển đi ra nước ngoài, với tôi không còn là việc check in điểm này điểm nọ, mà tôi muốn quan sát xem cách họ vận hành xã hội thế nào, sắp xếp cuộc sống ra sao. Tham gia một giải marathon là cơ hội rất tốt để làm việc này. Bạn có thể quan sát cách họ tổ chức sự kiện cho hàng vạn người tham gia, cùng từng ấy bạn bè, người thân đi cổ vũ, liên quan đến mọi khía cạnh của tổ chức xã hội: y tế, an ninh, ăn uống, lưu trú… trong suốt những ngày trước, trong và sau cuộc thi. Thú vị hơn, bạn lại là một phần trong cuộc chơi đó, nên có cái nhìn và cảm nhận từ bên trong một cách khách quan và chân thực nhất.
Chuyến đi lần này không chỉ là lần đầu chạy cự ly marathon, mà còn rất nhiều những thứ “lần đầu” khác, mà tôi sẽ kể với các bạn dưới đây.
“Chạy marathon chỉ là 42km cuối cùng của một quá trình luyện tập lâu dài”
Tôi bắt đầu luyện tập cho giải marathon đầu đời 3 tháng trước ngày chạy giải, với khoảng 8 buổi chạy dài 30km. Với thực trạng phong trào chạy bộ ở ta hiện nay, có rất nhiều quan điểm, trường phái khác nhau, mà oái oăm là hầu hết là “nghe nói” chứ không phải đúc kết từ trải nghiệm bản thân. Anh này thì bảo, khi luyện tập, cần chạy đủ 42km mới đủ tự tin chạy giải. Bác kia lại nói, không cần chạy đủ 42km, nhưng phải đủ thời lượng mục tiêu (ví dụ muốn chạy trong 4 giờ thì phải chạy dài đủ 4 giờ). Ông khác lại cho rằng, cần gì chạy dài, cứ tập bổ trợ nhiều, đeo tạ chân, chạy cầu thang… nhiều vào, tự khác sẽ có thành tích tốt, v.v… và v.v…
Quan điểm cá nhân tôi thì muốn chạy tốt, vẫn phải xuất phát từ việc… chạy. Cứ “cày cuốc” tạo nền tảng tốt, chân cẳng tim phổi ổn rồi tính sau. Nghĩ sao làm vậy, tôi cứ bám sát giáo án đủ số mileage trong tuần, kết hợp với các buổi tập bổ trợ chống đẩy, plank, nhảy dây…Và hiển nhiên, chui ra khỏi chăn ấm vào ngày mưa lạnh, hay từ chối buổi nhậu nhẹt cuối tuần… cũng khó khăn không kém việc hoàn thành một bài “long run fast finish” (chạy dài về đích tốc độ cao).
Đến giai đoạn giảm tải và nghỉ dưỡng sức, (taper), cũng là khi các thủ tục visa, ăn ở đi lại đã đặt hoàn chỉnh, tôi đã hoàn toàn sẵn sàng cho mục tiêu chạy Full marathon trong 4h30’.
Nhóm vận động viên Việt Nam tham gia giải Seoul Marathon 2019
Giải chạy sẽ diễn ra vào sáng Chủ nhật, 17/3/2019. Chúng tôi quyết định sẽ bay tối thứ 6, để có thời gian tham gia Expo, lấy race-kit và nghỉ ngơi trước giải. Đây chẳng những là lần đầu chạy giải với cự ly marathon, mà còn là lần đầu tham gia một giải chạy ở nước ngoài.
Chuyến bay bị chậm hơn 1 giờ (do “sự cố kỹ thuật” theo thông báo của cơ trưởng). Mọi người ngồi thấp thỏm trên khoang máy bay, chỉ mong sao cho họ kiểm tra thật cẩn thận rồi hãy bay. Gần 5 tiếng đống hồ trên trời chứ ít đâu. Ai mà biết sẽ xảy ra chuyện gì? Khoảng 6h30 sáng hôm sau, máy bay hạ cánh xuống sân bay Incheon.
Đã khá quen với hệ thống tàu điện ngầm của các thành phố châu Á, và cũng chuẩn bị khá kỹ lưỡng các thông tin liên quan, nên việc làm quen với hệ thống này ở Seoul cũng không quá khó khăn. Expo được bố trí ở một bãi đất trống, cạnh sân vận động. Thoáng chút ngạc nhiên pha thất vọng, chúng tôi thấy nơi đây chẳng có vẻ gì là nơi chuẩn bị cho một sự kiện lớn vào ngày hôm sau, mà có vẻ giống với mấy hội chợ ở Việt Nam vào lúc sắp thu dọn. Ngoài một anh MC đang nói oang oang trên sân khấu, lơ thơ xung quanh chỉ có vài gian hàng dựng tạm bợ với lác đác dăm ba người đi lại trong cái lạnh tê tái. Tuyệt nhiên không thấy cảnh mua sắm nhộn nhịp, biểu diễn văn nghệ, vui chơi có thưởng như ở ta. Thật lòng là tôi cũng không yên tâm lắm, nhất là trong suốt những ngày gần đây, thấy thông tin của Ban tổ chức khá lủng củng. Không tránh được một dấu hỏi lớn cho một giải chạy uy tín thế này.
Chúng tôi nghỉ ở một căn phòng AirBnB nhỏ gọn, với một khu bếp dùng chung khá đầy đủ tiện nghi. Các phòng bên cạnh cũng toàn dân chạy bộ: một cậu trai Singapore gốc Ấn, một cặp Trung Quốc và một cô gái Nhật Bản, đều là người sáng mai sẽ tham gia giải chạy.
Nhìn chung thì đồ ăn Hàn khá “unhealthy” và không phù hợp với “gu” của tôi lắm. Họ ăn khá nhiều thịt, nội tạng và chế biến kiểu nướng rán. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu ở một xứ lạnh, nhưng lại là vấn đề cho việc “load carb” trước giải. Cách an toàn nhất là xơi một bát mỳ to bự, và găm thêm ít bánh mì ở tiệm Paris Baguette đầu phố.
Sau bữa tối ních căng bụng, tôi sắp xếp sẵn sàng giầy tất, quần áo, gel muối… và chuẩn bị cho một giấc ngủ sâu. Thật may là phòng ngủ có hệ thống sưởi phía dưới sàn, nên tôi có thể đánh một giấc cho đến sáng.
Do đây là lần đầu chạy marathon, nên vị trí xuất phát của tôi mặc định là ở block E – xuất phát sau cùng. Điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ băng qua vạch xuất phát khoảng 30 phút sau người đầu tiên
“Marathon is the game of emotional control”
May mắn là thời gian xuất phát là 8h00 sáng, nên không phải mò mẫm từ nửa đêm như các giải trong nước. Thức dậy lúc 6h00, ăn một cặp sandwich, kiểm tra lần cuối mọi thứ, chúng tôi đi bộ ra quảng trường Gwanghuamun trong cái lạnh 0oC của Seoul. Tất cả các ngả đường đầy người đang cùng tiến về hướng vạch xuất phát. Người đi bộ co ro, người chạy nhẹ khởi động. Có cả những xe du lịch cỡ lớn chở các vận động viên từ đâu đó tới, đổ từng nhóm xuống bên cạnh vạch xuất phát.
Khung cảnh ở quảng trường lúc đó thực sự là một trải nghiệm chưa từng có trong đời. Đông đúc, nhưng không lộn xộn hay chen lấn xô đẩy. Ai vào việc nấy, mỗi người một vị trí, một nhiệm vụ. Hàng vạn người đang khởi động, xếp hàng đi vệ sinh hoặc gửi đồ ở dãy xe tải nhỏ (những xe này sẽ chạy theo đường khác tới vạch đích chờ sẵn để trả đồ cho vận động viên sau khi hoàn thành). Tôi chợt có ý nghĩ vui, với từng này người tham gia, chưa nói đến gel Hammer hay đồng hồ Garmin, chỉ cung cấp kim băng gài Bib cho giải cũng đủ giàu to.
Thời tiết ngày chạy giải
Khu vực xuất phát được bố trí thành hình vòng cung ôm sát quảng trường Gwanghuamun, chia thành 5 wave (đợt xuất phát), đánh số theo thứ tự A, B, C, D, E, căn cứ vào thành tích trước đó của vận động viên. Tôi dĩ nhiên vào nhóm E, vì chưa từng chạy Full Marathon trước đó. Khoảng 7h30, bảng hiệu của từng nhóm được đặt vào đúng vị trí, với một hàng ngang tình nguyện viên năm tay nhau, quay mặt về phía vận động viên, tạo thành một hàng rào ngan các nhóm với nhau
Đúng 8h00, tiêng súng xuất phát vang lên, các nhóm lần lượt nối theo nhau di chuyển lên phía trước về vạch START. Đứng ngay cạnh tôi là một nhóm người Trung Quốc vừa nắm tay nhau vừa hô vang câu gì đó mà tôi đoán ý nghĩa kiểu như “Cố lên” trong tiếng Việt. Khi nhóm E tới vạch xuất phát, tôi nhìn đồng hồ đã là 8:30. Thời điểm mong đợi đã đến. Cảm giác thật phấn khích.
“STICK TO THE PLAN. BE CONFIDENT. START SLOWLY & PATIENTLY.”
Vừa kịp nhẩm lại “khẩu quyết”, đám đông xung quanh đã ào lên. Người bấm đồng hồ, kẻ cởi áo mưa, xông lên như một đàn ong vỡ tổ. Ngay trong cây số đầu tiên, mặc dù cảm giác đang chạy rất chậm, nhưng nhìn đồng hồ, lại thấy đang chạy nhanh hơn kế hoạch khá nhiều. Cảm giác bị cuốn theo đám đông thật khủng khiếp. Ngay lập tức, tôi dạt sang bên trái đường, điều hòa hơi thở và chạy chậm lại. Dần dần, khi đã tìm được nhịp điệu của mình, tôi bắt đầu kiểm soát được tốc độ.
Các trạm hỗ trợ được bố trí cách mỗi 5km, có cả miếng xốp ngâm nước đá, xịt lạnh, v.v…, Số lượng bàn và tình nguyện viên ở các trạm này khá đông, nên cơ bản ghé vào lấy nước cũng dễ dàng, mặc dù với khả năng chạy của tôi lúc ấy là luôn trong nhóm trung binh ở khoảng giữa, nghĩa là nhóm đông nhất.
Kế hoạch là sẽ chạy theo chiến thuật negative splits – nửa sau nhanh hơn nửa trước. Đại khái, để dễ hình dung, ta cứ tưởng tượng 42,195km được chia thành 4 khúc 10km: khúc đầu chạy chậm hơn chút, khúc thứ 2 chạy đúng pace mục tiêu, khúc thứ 3 chạy nhanh hơn mục tiêu (để bù lại cho khúc đầu), và khúc cuối nghiến răng chạy về đích nhanh nhất có thể. Lý thuyết là vậy, nhưng nào ai biết trước cái gì đang đợi mình phía trước? Những buổi chạy dài nhất của tôi còn chưa bao giờ quá 32km.
Mặc dù vậy, 10km đầu tôi vẫn chạy nhanh hơn một chút – ngay cả với kế hoạch tốt nhất. Vì vậy, tôi chủ động chậm lại chút xíu cho an toàn (sau này thấy có vẻ hơi cẩn thận quá). Khi chạy qua một đoạn hầm, bỗng dung thấy mọi người đều hô vang rất to. Âm thanh dội lại thật ấn tượng. Thêm vào đó, rất nhiều các em gái như trong phim Hàn Quốc bước ra, đứng cổ vũ suốt dọc hai bên đường, khiến cho ngày hôm đó mang không khí của một lễ hội hơn là một cuộc đua.
Sau 21km, rồi 30km, mọi thứ đều hoàn hảo theo đúng kế hoạch. Nhưng người ta vẫn nói “Marathon không phải 21×2, mà là 32+10”, nên sau 30km vẫn chưa nói lên điều gì, nhất là còn dốc cầu Sông Hàn ở km 37 trước mặt. Quả vậy, sau 36km, chân cẳng bắt đầu phản đối. Muốn guồng nhanh mà chân cứ cứng lại. Nỗi lo nhất của tôi là bị chuột rút. Tại giải HIHM hồi tháng 10/2018, tôi đã phải dừng lại giãn cơ trên cầu Long Biên do bị chuột rút, nên vẫn hơi ám ảnh cảm giác đó. May mắn là lần này, dù chân rất mỏi, nhưng không bị chuột hỏi thăm.
Cảm xúc thực sự thăng hoa khi tiến vào sân vận động, trong tiếng hò reo của biển người cổ vũ, trên nền nhạc hung trắng, và vỡ òa khi băng qua vạch đích. Nếu bạn đã quen với việc được hỗ trợ đến mức có người quầng medal lên cổ, thì đừng hy vọng ở những giải lớn này. Ngay sau vạch đích, bạn sẽ rời khỏi khu vực này để nhường chỗ cho rất đông người đang về đích, đi bộ một đoạn dài, tự lấy nước và điện giải ở dãy bàn bên cạnh, sau đó sẽ nhận một túi nylon chứa medal và một ít bánh trước khi đi ra khỏi sân vận động.
Vậy là tôi đã chinh thức trở thành một Marathoner với thành tích chinh thức 4:19:05
Kết quả chinh thức của BTC
Niềm vui chiến thắng bản thân
Cảm giác hoàn thành mục tiêu tốt nhất đề ra thật khó diễn tả. Chúng tôi ở lại chơi thêm vài ngày, vừa để nghỉ ngơi, cũng là vừa để quan sát cuốc sống thường nhật của Seoul. Dù sao đây cũng là lần đầu chúng tôi đặt chân đến đất nước này.
Vì bài viết chủ đề về giải marathon, không phải về du lịch Seoul, nên tôi sẽ tóm tắt một vài suy nghĩ của tôi sau giải chạy marathon đầu đời này:
Vậy đấy, bạn sẽ luôn thấy bất ngờ với chinh bản thân mình trên đường chạy marathon. Bạn có thấy giống trong cuộc sống của mỗi chúng ta không? Dù cho bạn có nghiên cứu đường chạy (route) kỹ đến đâu, đọc nhiều kinh nghiệm được chia sẻ đến thế nào… thì bạn cũng sẽ không bao giờ biết được cái gì đang chờ đợi mình ở đoạn đường phía trước. Mỗi lựa chọn, mỗi quyết định được đưa ra đều không có cơ hội làm lại. Việc của chúng ta là phải làm tốt nhất với cái mà ta đã quyết định chọn. Vạch đích dường như là một mục tiêu rất xa, nhưng lại quá ngỡ ngàng khi bạn thấy nó ngay trước mặt. Và tại thời điểm ấy, hài lòng hay thất vọng về bản thân, là do ở chinh bạn.