Giờ đây, khi các giải chạy ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, vai trò của đội ngũ Pacer – người dẫn tốc – càng trở nên cần thiết. Và dĩ nhiên, tính chuyên nghiệp của đội ngũ này cũng ngày một hoàn thiện.
Về bản chất, Pacer không thuộc về Ban tổ chức, mà là một nhóm tình nguyện viên tham gia hỗ trợ vận động viên. Nhưng khác với các nhóm khác như y tế, an ninh đường chạy, trạm nước… chủ yếu ở các vị trí hậu cần, nhóm dẫn tốc phụ trách hỗ trợ vận động viên trực tiếp trên đường chạy luôn. Chính do đặc thù này, sự phối hợp ăn ý và chuẩn xác là vô cùng quan trọng.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các hoạt động “hậu trường” để tạo nên một đội ngũ Pacer chuẩn chỉnh nhé.
Đọc thêm: Vì Sao Nên Chạy Cùng Pacer
Đội ngũ Pacer tại giải Tết Run Miền Nam 2025
Tập hợp đội ngũ
Để làm tốt công việc dẫn tốc, ngoài việc đương nhiên là có thành tích chạy bộ tốt, mỗi Pacer cần phải là người có trách nhiệm cao, sẵn sàng hỗ trợ người khác và tuân thủ nguyên tắc của tổ chức. Giống như bát cứ lĩnh vực nào khác, nhiều thành viên xuất sắc chưa chắc đã tạo ra một đội ngũ chất lượng. Quan trọng hơn là sự gắn kết, phối hợp ăn ý từ trước và trong khi làm nhiệm vụ.
Mặt khác, ở các giải đấu có chất lượng cao, yêu cầu có đội ngủ dẫn tốc thành tích cao – như FM sub3, HM sub1:30 hoặc cao hơn – thì việc tìm được các cá nhân sẵn sàng bỏ qua mục tiêu cá nhân để hỗ trợ cộng đồng là không đơn giản. Ở Việt Nam, những thành tích như vậy đủ giúp các bạn tham gia tranh giải thưởng.
Sau khi lựa chọn, kiểm tra năng lực và kinh nghiệm của mỗi người, phần tiếp theo sẽ là những yêu cầu để đảm bảo không ảnh hưởng tới công việc chung như:
- Yêu cầu mileage hàng tuần và bài chạy dài cuối tuần tương ứng với mục tiêu đăng ký,
- Không tham gia các cuộc đua khác sát tuần đua,
- Đảm bảo thời gian, sức khỏe, chân cẳng sẵn sàng cho ngày race…
Và cuối cùng, dù thế nào cũng cần có 1, 2 người sẵn sàng “thế chỗ” cho bất cứ vị trí nào trong team. Ai mà biết trước được chuyện gì có thể xảy ra? Tốt nhất là luôn có phương án dự phòng.
Đọc thêm: 10 Điều Không Nên Làm Trước Giải Marathon
Luôn có người dự phòng cho các trường hợp đột xuất
Test đường chạy
Chạy thử trước để làm quen cung đường chạy là rất quan trọng. Nó sẽ giúp chúng ta có hình dung tổng thể về cả cung đường, nhờ đó sẽ chủ động hơn trong khi dẫn tốc. Đặc biệt với điều kiện ở Việt Nam, các giải chạy thường xuất phát ban đêm hoặc tờ mờ sáng, sẽ rất khó xử nếu chúng ta là người “dẫn đường” nhưng lại rẽ nhầm hoặc căn sai các vị trí với thời gian. Do vậy, buổi test route là yêu cầu không thể thiếu, tối thiểu mỗi tàu nên có một thành viên tham gia buổi test này.
Mỗi “tàu” đại diện một thành viên test đường
Tuy nhiên, nếu giải đấu ở địa phương khác, không có điều kiện để test trước thì sao? Trường hợp này, có thể linh hoạt xử lý: Nếu có người ở địa phương, có thể nhờ test và đánh dấu các mốc cần lưu ý (đường xấu, quay đầu…). Nếu không, ngày trước race nên cùng nhau đạp xe hoặc chạy xe máy để test. Tối thiểu phải hình dung được tổng thể và các mốc quan trọng trên đường để căn chỉnh.
Dù chỉ là buổi test route, nhưng cũng rất nghiêm túc
Có một kinh nghiệm rất hữu ích là chọn ra một điểm nào đó dễ nhận biết ở các mốc quan trọng như km10/ 21, km19/ 40. Lý do là mặc dù mọi người đều đeo đồng hồ GPS, nhưng không có gì đảm bảo là tín hiệu của thiết bị sẽ có độ chính xác giống nhau. Bởi vậy, nhớ các mốc thực tế trên đường chạy sẽ giúp chúng ta “lái tàu” về ga chuẩn xác hơn. Ví dụ, một tàu HM sub2 là pace 5:35 (5 phút 35 giây cho mỗi km), đến mốc km19 thấy còn khoảng hơn 11 phút là Ok, còn 12 phút là đang hơi nhanh, nhưng chỉ còn 10 phút nghĩa là đang bị chậm…
Xác định các mốc thực tế để căn chỉnh tốc độ là rất quan trọng
Ngày chạy giải
- Phổ biến thông tin
Cập nhật thông tin và phổ biến cho cả đội là việc đương nhiên. Nhưng đảm bảo mỗi thành viên đều nắm rõ và hiểu đúng thông tin hay chưa lại là một việc khác. Bởi vậy, ở vai trò Leader, bạn cần diễn đạt ngắn gọn, chính xác các thông tin cần nắm như các mốc thời gian, địa điểm, cần chuẩn bị gì, thứ tự các hoạt động…, đảm bảo thống nhất một cách hiểu giống nhau.
Cùng nhau cafe và “ôn lại” các việc cần làm trước ngảy race
- Chuẩn bị sẵn sàng
Việc chuẩn bị cần phải được kiểm soát từ việc lớn như nơi ăn chỗ ở của Pacer để đảm bảo sức khỏe và thời gian, cho đến những tiểu tiết vô cùng nhỏ như cái kim băng hoặc bóng không bị xì hơi. Đơn giản vì nếu không chuẩn bị cẩn thận, bạn sẽ không có cơ hội sửa sai. Việc này không thể do một cá nhân đảm nhiệm, tốt nhất là nên phân công cho các bạn, ai làm tốt việc gì thì phụ trách việc đó: người tỉ mỉ, cẩn thận thì phụ trách hậu cần, người xông xáo, quảng giao thì lo sắp xếp, tổ chức…
Mọi người giúp nhau đeo bóng trước giờ xuất phát
Trước giờ xuất phát, bạn cần ghi chú rõ ràng các việc cần làm và mốc thời gian cho từng việc. Điều này sẽ giúp lịch trình của cả nhóm được sắp xếp hợp lý, phù hợp với kế hoạch cá nhân. Nếu không xac định đúng, hẹn mọi người quá sớm sẽ lãng phí thời gian nghỉ ngơi, còn quá muộn lại khiến chúng ta vội vàng cập rập. Chẳng hạn như cần bao nhiêu thời gian để đeo bóng, đi ra khu vực xuất phát, có cần gửi xe, gửi đồ hay không, v.v… Những việc này mỗi giải mỗi khác, không có khung cứng nào cả, nên cần linh hoạt tính toán.
“Check in” cùng nhau trước khi ra vạch xuất phát
Nói chung, nếu không có yêu cầu nào khác từ Ban tổ chức (như giúp vận động viên khởi động chẳng hạn), bạn nên sắp xếp các “tàu” đúng vào vị trí xuất phát ổn định để mọi người có thể đứng bên cạnh. Thông thường các mục tiêu nên theo thứ tự chạy nhanh đứng trước, chậm đứng sau, tương ứng với vị trí của vận động viên.
Cùng MC giúp các vận động viên khởi động
- Trên đường chạy
Tất cả các khâu chuẩn bị đã hoàn tất. Giờ là lúc chúng ta “bung lụa” cùng các runner.
Sau xuất phát, nếu điều kiện cho phép, bạn có thể chạy xe dọc theo cung đường chạy, nếu không có thể ngồi chờ các tàu lần lượt về đích. Dù làm gì thì trong thời gian này, bạn phải luôn sẵn sàng “ứng chiến” nếu lỡ có Pacer nào gặp sự cố cần thay thế.
Thông thường, Pacer sẽ có năng lực dư hơn mục tiêu đang phụ trách. Bởi vậy, điều đáng lo không phải là chậm hơn, mà là sợ họ chạy nhanh hơn yêu cầu, dẫn đến “hành khách” sẽ hụt hơi. Do đó, trên đường chạy các Pacer sẽ liên tục căn chỉnh và nhắc nhau đảm bảo đúng tốc độ, trong khi hỗ trợ, động viên các runner.
Chúc mừng các “chuyến tàu” về ga chính xác và an toàn
Như vậy, chúng ta đã có thêm một góc nhìn từ bên trong, hình dung ra một số hoạt động giúp cho một đội ngũ Pacer thành công trong nhiệm vụ được giao. Cũng như bất cứ một đội ngũ nào khác, điều tiên quyết vẫn phải là thống nhất, phối hợp cùng nhau hướng tới mục tiêu chung.