Khi tham gia một giải chạy Marathon hay Half marathon, bạn hay thấy một số người cầm biển, đeo bóng hoặc cài lá cờ sau lưng, ghi những con số như 3:45, 4:00, 1:45, 2:00… Có một nhóm người đứng xung quanh họ, và khi xuất phát, cả nhóm ấy sẽ chạy bên cạnh nhau.
Chào mừng bạn đến với thế giới của các Pacer – Người dẫn tốc.
Đội pacer tại giải HCM Midnight tháng 3/2024
Mục lục
Pacer – Họ là ai?
Pacer, tức “người dẫn tốc” hay “người điều tốc”, là một kiểu tình nguyện viên trong các giải chạy, được phân công chạy theo một mục tiêu nhất định, duy trì tốc độ ổn định và hỗ trợ những người trong nhóm hoàn thành đúng mục tiêu đặt ra.
Ví dụ một Pacer phụ trách “tàu” có mục tiêu hoàn thành cự ly marathon trong 4h, sẽ duy trì tốc độ luôn ở mức độ 5:35 – 5:40/km, để đảm bảo về đích đúng 3:59:59.
Các giải có quy mô khác nhau sẽ bố trí các nhóm Pacer có mục tiêu cách nhau khoảng 15 – 20 phút, chẳng hạn như FM 3:30, 4:00, 4:15…, HM 1:45, 2:00, 2:15, v.v… Có một số giải lớn thậm chí còn cách nhau chỉ 5 phút. Điều này giúp cho những người chạy cùng Pacer có thể tăng tốc bám theo nhóm trước nếu còn sức, hoặc ngược lại, chạy cùng nhóm sau nếu đuối sức.
Tham gia Pacer cho mục tiêu FM sub3:45 tại giải Cà Mau Marathon 2023
Thông thường, các Pacer sẽ được giao nhiệm vụ dưới sức một chút. Tức là mục tiêu hôm nay sẽ kém hơn thành tích thực sự của họ. Chẳng hạn một người có thể chạy FM sub3:30, sẽ phụ trách dẫn tốc cho nhóm có mục tiêu sub4:00. Như vậy, họ có năng lượng dự trữ để hỗ trợ, động viên mọi người trong nhóm, cũng như dư sức đảm bảo đưa cả nhóm về đích đúng mục tiêu.
Vì sao nên chạy cùng Pacer?
Tập trung hơn
Khi chạy một mình, bạn sẽ phải tự lo rất nhiều thứ: nhìn đồng hồ, căn trạm nước, tính toán đoạn nào dốc cầu, chỗ nào quay đầu… khiến bạn có thể mất tập trung vào bước chạy. Khi có Pacer, bạn đã có người lo cho việc đó, nhắc nhở mỗi khi cần thiết, nên bạn sẽ tiết kiệm năng lượng hơn, tập trung vào việc chạy cho tốt.
Bạn chỉ cần tập trung chạy đẻ hoàn thành mục tiêu, mọi việc khác đã có Pacer lo
Chạy đúng tốc độ mục tiêu
Marathon là trò chơi cảm xúc. Mọi người thường mắc lỗi bắt đầu quá nhanh, để rồi đuối sức, thậm chí “sập nguồn”, ở những km cuối. Điều này một phần do cảm giác lo lắng xen lẫn hưng phấn, cộng thêm giai đoạn dưỡng sức trước cuộc đua khiến ta dễ cảm thấy ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Chạy cùng Pacer sẽ giúp bạn loại bỏ được lỗi này, vì họ sẽ luôn đảm bảo chạy đều một tốc độ từ đầu đến cuối.
Pacer sẽ đảm bảo duy trì đúng tốc độ mục tiêu để đưa tàu về ga đúng giờ
Thông tin trên đường
Có một nguyên tắc với Pacer là họ luôn phải chạy trước để test đường chạy trước khi giải diễn ra. Có những Pacer thậm chí còn chạy nhiều lần ở đường đua đó rồi. Do vậy, họ nắm rất rõ từng điểm quay đầu, chỗ nào có dốc, trạm nước sắp tới ở đâu… Đây là một lợi thế rất lớn, bạn sẽ luôn được thông tin trước để chuẩn bị tinh thần – điều không thể có nếu bạn tự chạy.
Pacer luôn test đường trước giải, nên nắm rất rõ đường chạy
An toàn hơn
Pacer là những người rất có kinh nghiệm, họ sẽ chạy trước và dẹp đường nếu cần, hô to khi đến trạm nước để mọi người chú ý… Nhờ thế, bạn có thể yên tâm chạy cùng nhóm mà không lo va chạm hay vướng víu.
Đặc thù các giải chạy ở Việt Nam, vì lý do giao thông hoặc thời tiết, nên giờ xuất phát rất sớm, thậm chí chạy đêm. Điều này gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm nếu điều kiện chiếu sáng không đủ. Chạy với Pacer bạn sẽ yên tâm hơn về vấn đề này, bởi họ đã có đầy đủ thông tin về các điểm lưu ý trên đường như chỗ nào thiếu sáng, đoạn nào đường xấu, v.v…
Pacer sẽ chạy trước dẹp đường và nhắc nhở cả nhóm, nên bạn sẽ hạn chế khả năng bị va chạm vào người khác
Gắng sức hơn
Khi chạy một mình, nhất là những đoạn cuối, bạn sẽ rất dễ nản chí và để rớt pace. Khi chạy cùng Pacer, có người bên cạnh khuyến khích, động viên, tinh thần sẽ khá hơn rất nhiều. Đôi khi chỉ cần một câu động viên đúng lúc, có thể giúp ta vượt qua thời điểm khó khăn và hoàn thành tốt chặng đường còn lại.
Bạn vận động viên này đã cực kỳ cố gắng ở đoạn cuối cuộc đua
Lời khuyên khi chạy cùng Pacer
Đừng quá phụ thuộc vào Pacer:
Mặc dù Pacer cam kết sẽ đưa nhóm về đúng mục tiêu đặt ra, nhưng điều đó không có nghĩa là mục tiêu đó phù hợp với bạn. Chẳng hạn, sức bạn có thể chạy được FM sub3:40 (pace 5:10), nhưng chỉ có pacer cho mục tiêu 3:45 (pace 5:20) hoặc 3:30 (pace 5:00). Nếu bạn theo “tàu” 3:45 thì hơi chậm, mà theo 3:30 lại quá nhanh. Do đó, hãy chọn cách nào phù hợp với bạn.
Với trường hợp này, kinh nghiệm của mình là sẽ theo Pacer chậm hơn khoảng 10k đầu, rồi sẽ tăng tốc chạy theo pace của mình. Nhưng cũng có người chọn cách ngược lại: theo Pacer nhanh hơn đến khi nào còn có thể, nếu thấy đuối sẽ chậm lại sau. Cách trên thì an toàn, nhưng cách dưới lại có thể giúp bạn có PR. Cái nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Bạn phải là người tự tìm ra cách phù hợp với mình.
Hãy bỏ nhóm nếu thấy không phù hợp
Nếu cảm thấy tốc độ của nhóm không phù hợp, đặc biệt là nếu đang quá sức, hãy từ bỏ ngay lập tức. Tìm một nhóm khác phù hợp hơn hoặc tự chạy một mình. Nhiệm vụ của Pacer là đưa cả nhóm về đích, nên nếu một ai đó bị rớt lại phía sau, điều đó không ảnh hưởng gì đến tốc độ của họ. Ngược lại, nếu thấy vẫn còn sức, bạn có thể tăng tốc vào đoạn cuối cuộc đua. Lưu ý là chỉ tăng rất từ từ, và sau khoảng 32k với marathon và 16k với half marathon. Tăng tốc quá nhanh hoặc quá sớm, khả năng rất cao là bạn sẽ phải trả giá ngay sau đó.
Ở giải Chicago 2023, mình chạy cùng Pacer sub3:05 (pace 4:20-4:22) cho đến khoảng km30. Tuy nhiên, pace này khá căng với thực lực mình lúc đó, nên sau km30, mình chủ động bỏ nhóm để chạy đúng pace của mình (4:30-4:35), và hoàn thành với kết quả 3:08:58, pace trung bình 4:28. Giả sử mình cố bám thêm, sẽ có hai khả năng: hoặc là về 3:07:xx. hoặc “sập nguồn” ở đâu đó km36-38 và về 3:15. Hãy biết cách từ bỏ đúng lúc.
Tập chạy với tốc độ đều
Pacer sẽ chạy một tốc độ đều nhau (even splits) từ đầu đến cuối. nếu bạn quen với việc chạy negative splits (nửa sau nhanh hơn nửa trước) hoặc ngược lại là positive splits (nửa trước nhanh hơn nửa sau), sẽ khó có thể bám theo Pacer. Nếu bạn có ý định chạy cùng Pacer, hãy tập trong các buổi chạy dài của mình cách duy trì tốc độ tương đối đều, để khỏi bỡ ngỡ trong ngày đua.
Tập duy trì tốc độ đều trong các buổi chạy dài
Pacer cũng là một trong nhiều điều Ban tổ chức hỗ trợ vận động viên để hoàn thành mục tiêu của mình, bên cạnh các hỗ trợ khác như trạm nước, y tế… Vì vậy, hãy học cách sử dụng tốt nhất những thứ mang lại lợi thế cho mình. Đến Eliud Kipchoge muốn lập kỷ lục thế giới hay phá mốc 2h cho cự ly marathon, còn cần có một đội ngũ Pacer chuyên nghiệp. Chúng là là vận động viên phong trào, khả năng tính toán và kiểm soát còn chưa tốt, nên việc này là hoàn toàn nên làm.