Visa là một dạng giấy phép, cho phép bạn nhập cảnh vào một quốc gia nào đó. Nhưng đó chỉ là sự “cho phép”, không phải “quyền” của bạn. Nghĩa là cho đến trước khi nhân viên Hải quan cộp dấu lên Hộ chiếu, họ vẫn có thể thu hồi lại Visa đó bất cứ lúc nào nếu có nghi vấn. Thậm chí, trong quá trình lưu trú, nếu ai đó vi phạm quy định, họ cũng lập tức thu hồi và có thể sẽ không bao giờ cấp Visa cho người đó nữa.
Nếu bạn có rất nhiều tiền, hay một vị trí cấp cao trong một tập đoàn nổi tiếng, hoặc có người khác lo cho hết… thì chẳng có gì để nói. Nhưng nếu bạn cũng như mình, một người làm công ăn lương, thu nhập làng nhàng nhưng muốn đi khắp thế giới và phải tự lo mọi thứ, thì nên tính toán kỹ càng một chút về chuyện xin Visa. Đơn giản vì nếu không được cấp Visa, thì mọi kế hoạch đều chỉ là trên giấy.
Dưới đây mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm và cách làm sao để với một Hồ sơ rất bình thường, bạn vẫn được cấp Visa nhập cảnh vào các quốc gia hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ, Canada, EU…
Ước mơ chỉ thành hiện thực khi bạn lên kế hoạch thực hiện nó
Mục lục
Hiểu rõ bản chất
Bạn không thể làm tốt việc gì mà không hiểu rõ về nó. Chuẩn bị hồ sơ xin Visa cũng vậy. Bạn cần biết rõ bản thân mình muốn gì, yêu cầu của nước cấp Visa là những gì,
Trước hết, bạn xác định mục đích của mình là gì. Càng những quốc gia lớn lại càng có nhiều loại Visa khác nhau, cho những mục đích khác nhau: du lịch, học tập, lao động… Thậm chí hiện nay, nhiều quốc gia còn cấp một loại Visa đặc biệt cho những người du mục kỹ thuật số” (Digital Nomad), một cộng đồng mới hình thành từ sau đại dịch Covid. Từ mục đích cụ thể này, bạn sẽ biết được cần chuẩn bị những gì.
Về phía Đại sứ quán, mối quan tâm lớn nhất của họ khi cấp Visa du lịch thường là 2 vấn đề:
- Người xin Visa có đủ năng lực tài chính để chi trả cho chuyến đi hay không. Đây là lý do tại sao chúng ta phải chứng minh các nguồn thu nhập minh bạch, thể hiện qua số dư sổ tiết kiệm và sao kê tài khoản ngân hàng.
- Người xin Visa có nguy cơ trốn ở lại để định cư và lao động trái phép không. Để chứng minh điều này, ta cần nêu ra càng nhiều ràng buộc ở Việt Nam càng tốt: công việc ổn định, gia đình, con cái, bảo hiểm xã hội, lịch sử du lịch các nước…
Cho dù quy trình hay các mẫu đơn có khác nhau, nhưng mọi thủ tục vũng chỉ xoay xung quanh 2 vấn đề trên. Bạn cứ chuẩn bị đầy đủ thì không lo gì cả.
Chuẩn bị từng bước
Như mình nói ở trên, ta chuẩn bị đầy đủ hồ sơ “đẹp” thì chẳng có gì phải lo lắng. Vấn đề không phải ở chỗ làm cái gì, mà là làm thế nào. Kinh nghiệm của mình là phải chuẩn bị từng bước cho một kế hoạch lâu dài, đừng bao giờ để “nước đến chân mới nhảy”:
- Chứng minh tài chính: Nếu bạn có một công việc với tài khoản nhận lương “ting ting” đều đặn hàng tháng là lý tưởng rồi. Bạn chỉ cần có thêm một khoản tiết kiệm chứng minh đủ tiền chi trả cho chuyến đi là xong. Nhưng nếu bạn làm tự do hoặc là chủ doanh nghiệp, cố gắng nêu ra các chứng cớ về thu nhập, nộp thuế… đầy đủ.
Key ở đây là quá trình (làm việc, gửi tiết kiệm, nộp thuế…) phải đủ lâu. Thật vô lý khi tháng này nộp hồ sơ xin Visa mà vừa tháng trước mới mở công ty.
- Lịch sử du lịch: Điều này sẽ thể hiện ở cuốn Hộ chiếu của bạn. Vấn đề không phải bạn đã từng đi bao nhiêu quốc gia, mà quan trọng là quốc gia nào. Chẳng hạn bạn đã đi 10 nước nhưng là Lào, Campuchia, Thái Lan… thì cũng chẳng có tác dụng gì cả. Nhưng nếu bạn đã tới các quốc gia phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc… thì sẽ là một điểm cộng lớn.
Hãy nhớ nguyên tắc này: Các nước giàu thì chơi với nhau.
- Các ràng buộc trong nước: Logic ở đây là, bạn càng có ít thứ để mất thì khả năng bỏ trốn ở lại càng cao. Một thanh niên chưa đến 30 tuổi, Hộ chiếu trắng tinh chưa đi đâu, chưa lập gia đình, công ăn việc làm tạm bợ… hiển nhiên là khả năng được cấp Visa thấp hơn nhiều so với một người đã từng đi đây đi đó, có công việc thu nhập ổn định với con cái học hành nghiêm túc.
Từ đây, bạn đã hiểu nên làm thế nào. Hãy chọn những việc dễ làm trước để có hồ sơ ngon lành, chẳng hạn như đi Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… rồi hãy tiếp tục đến Schengen (châu Âu), Mỹ, Anh… Mặt khác, cố gắng sắp xếp một khoản tài chính đủ lâu (6 tháng – 1 năm) để khi cần thì sử dụng, vì đằng nào bạn cũng cần phải chi trả.
Hãy đi các nước châu Á trước, rồi tính đến các nơi xa hơn
Khai báo trung thực
Bạn là cá nhân, họ là tổ chức. Bạn cả đời chỉ va chạm một vài lần, họ xét duyệt hồ sơ hàng ngày. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được họ có công cụ hay phương pháp gì để thẩm định hồ sơ. Vì vậy, đừng bao giờ có ý định khai báo gian dối, qua mặt cơ quan cấp Visa. Điều đó chỉ có hại chứ không bao giờ có lợi.
Trung thực, nhưng đừng “thật thà” quá. Những thông tin có thể gây bất lợi, bạn có thể tạm thời không đưa vào hồ sơ. Ngược lại, bất cứ điều gì giúp hồ sơ tốt hơn, ta cứ nhấn mạnh. Ví dụ như bạn đã có kế hoạch thuê khách sạn, chuyến bay đi và về… rõ ràng, thì cứ đưa vào.
Trung thực và cẩn thận khi khai báo thông tin xin cấp Visa
Thuê dịch vụ
Nếu bạn bắt đầu nghĩ đến việc xin Visa tới một nơi “khó” như châu Âu, Mỹ, Canada…, lời khuyên là hãy tìm đến một công ty dịch vụ uy tín. Ít nhất là cho lần đầu tiên. Từ lần sau, khi hồ sơ đã tốt hơn và bạn đã biết cách hơn, bạn có thể tự làm. Hãy coi như đó là một khoản học phí nho nhỏ.
Có một thực tế là nếu bạn đã bị từ chối cấp Visa một lần, thì các lần sau sẽ rất khó để xin, kể cả với quốc gia khác. Nếu bạn tiết kiệm chút tiền để tự làm, không may bị từ chối thì sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy nhiều năm sau, bạn cũng chẳng có cơ hội đi bất cứ đâu. Vậy thì tiết kiệm được vài đồng cũng đâu để làm gì?
Vấn đề là Đại sứ quán không có trách nhiệm phải giải thích với bạn lý do vì sao họ từ chối. Vì thế, bạn không thể biết vấn đề của mình là ở đâu. Nhưng các công ty dịch vụ thì biết. Đó là sự khác biệt mà bạn nên trả tiền để có được lợi thế đó. Hãy sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan.
Đầu tiên, một giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hiển nhiên là có uy tín hơn tư cách một cá nhân. Từ góc độ Đại sứ quán, nếu có vấn đề phát sinh thì họ “túm tóc” doanh nghiệp sẽ dễ hơn là một cá nhân.
Thứ nữa, công ty có nhiều khách, tiếp xúc thường xuyên, va chạm tình huống nhiều hơn, trong khi chúng ta lần đầu ngơ ngác, mẫu khai còn chưa hiểu hết, nguy cơ mắc lỗi là cao hơn.
Thuê dịch vụ không có nghĩa là họ giúp bạn chắc chắn được việc hay đổi trắng thành đen. Đơn giản chỉ là họ sẽ tư vấn bạn cách làm sao cho hồ sơ “đẹp” hơn trong mắt cơ quan cấp, nêu bật các điểm tốt và “ẩn” đi các điểm chưa tốt. Chẳng hạn như, số dư tài khoản nên để bao nhiêu là vừa (nhiều quá cũng không tốt), giấy tờ nào nên và không nên trình ra…
Các công ty dịch vụ có nhiều kinh nghiệm sẽ biết cần chuẩn bị những gì
Thực hiện đúng quy định
Ngay cả khi đã được cho phép nhập cảnh, bạn cần hết sức lưu ý các quy định của mỗi nước. Nếu bạn vi phạm, tùy từng mức độ mà có thể bị phạt, thu hồi Visa hoặc cấm vĩnh viễn. Các quy định thường được công bố rất rõ ràng, và cũng không có gì “đánh đố” cả, chỉ cần chú ý nghiêm túc là chẳng có vấn đề gì.
Nói chung, quy định cấp Visa là để khuyến khích, chứ không phải hạn chế người nhập cảnh. Đơn giản là càng nhiều người nộp hồ sơ thì họ càng thu bộn tiền. Quan trọng là chúng ta nên cân nhắc, tính toán sao để làm cho đúng, không để nhỡ việc vì những lý do không đáng.