Jet lag, hiểu đơn giản là hiện tượng mệt mỏi do lệch múi giờ, là nỗi ám ảnh của những ai muốn đi du lịch hay công tác đến các quốc gia khác. Nhưng thực tế, nó có đáng sợ đến vậy không?
Hiểu rõ nguyên nhân và cơ chế của hiện tượng này, chúng ta có thể nhanh chóng khắc phục bằng vài mẹo nhỏ sau đây, để có thể yên tâm vui chơi, khám phá.
Mục lục
Jel Lag là gì
Hiện tượng Jet lag, xảy ra khi bạn di chuyển nhanh qua các múi giờ và nhịp sinh học thông thường của cơ thể chưa kịp thích nghi. Nguyên nhân là khi di chuyển đến một múi giờ mới bằng máy bay, các cơ chế mà cơ thể sử dụng để quản lý đồng hồ sinh học bên trong, như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ và nội tiết tố… không thể thay đổi kịp. Hiện tượng này sẽ nghiêm trọng hơn khi bạn di chuyển từ Tây sang Đông
Triệu chứng của Jet lag thường là trạng thái lâng lâng, khó tập trung… Người bị nặng có thể đau đầu, mất ngủ, chán ăn, thậm chí còn rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy hoặc táo bón.
Jet lag kéo dài bao lâu
Jet lag không phải là vĩnh viễn, bạn có thể bị jet lag nghiêm trọng hơn nếu đi qua nhiều múi giờ. Nguyên tắc chung là đối với mỗi múi giờ vượt qua, cơ thể sẽ mất một ngày để điều chỉnh. Do đó, ví dụ thay đổi 5 múi giờ, bạn có thể sẽ gặp phải triệu chứng jet lag trong 5 ngày. Nhưng thực tế, nó phụ thuộc vào thể trạng và kinh nghiệm xử lý của mỗi người.
Nếu các triệu chứng Jet lag không biến mất sau một hoặc hai tuần có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý khác, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ nếu điều này xảy ra.
Các mẹo để nhanh chóng hết Jet lag
Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, và cơ thể thì có chức năng thích nghi rất tuyệt vời, tự nó sẽ điều chỉnh theo múi giờ mới. Tuy nhiên, nếu bạn cần phải hoạt động hiệu quả ngay sau chuyến bay thì lại là một câu chuyện khác.
Dưới đây là 6 mẹo nhỏ giúp bạn nhanh chóng khắc phục hiện tượng này:
Ngủ càng nhiều càng tốt
Ngay từ khi trên máy bay, cố gắng ngủ bất cứ lúc nào có thể. Tận dụng tất cả các kinh nghiệm giúp bạn dễ ngủ hơn: đọc sách cho mỏi mắt, nghe nhạc, nút nhét tai chống ồn, v.v… Đừng ham tán chuyện gẫu hay xem phim, cũng không nên uống đồ có kích thích trên máy bay…, vì bạn sẽ sớm phải trả giá nếu không ngủ đủ.
Trên máy bay hãy cố gắng ngủ nhiều nhất có thể
Có người lại có quan điểm là “tập” cho cơ thể quen sống lệch múi giờ từ vài ngày trước khi đi. Việc này là không thực tế, và cũng không có cơ sở khoa học nào cả. Nó giống như việc bạn cố nhồi nhét ăn thật nhiều hôm nay để mai kia nhịn đói cả ngày. Hiện tượng mệt mỏi là do sau khi bị thay đổi nhịp sinh học, nên ta phải “xóa nhòa” ranh giới thay đổi đó bằng giấc ngủ.
Quên chuyện múi giờ đi
Khi đến một địa điểm mới, hãy quên ngay múi giờ cũ của mình càng nhanh càng tốt. Bạn hãy cập nhật lại thời gian trên đồng hồ đeo tay, thiết bị di động,… theo thời gian của địa điểm mới. Đồng thời, hãy ăn uống, sinh hoạt theo giờ tại nơi ở mới. Đây là liệu pháp tâm lý – điều đầu tiên để cơ thể hiểu rằng nó vẫn đang vận hành theo một múi giờ quen thuộc.
Như ví dụ dưới đây, hành trình của mình khởi hành từ sân bay Incheon ở Seoul, Hàn Quốc là 10h40 sáng, đến sân bay O’Hare ở Chicago, Mỹ là… 9h25 sáng cùng ngày. Với những chuyến bay dài như này (12 giờ trên máy bay), khi sang đến nơi gần như cơ thể bị kéo ngược lại nửa ngày, đáng lẽ là buổi đêm chuẩn bị đi ngủ, lại là sáng để đi chơi. Nhưng hãy cố gắng thích nghi, và đừng nhắn tin, gọi điện… về nhà so sánh giờ giấc. Hãy để tâm trí quên việc đó đi.
Uống nhiều nước
Việc di chuyển trên chặng đường dài luôn gây mất nhiều nước. Có nhiều người ngại uống nước khi di chuyển để tránh phải đi vệ sinh – đó là một sai lầm lớn.
Nguyên tắc khi qua kiểm tra an ninh là không được mang quá 100ml chất lỏng. Hãy mang theo một chai nước rỗng khi qua đó, và đổ đầy nó khi bạn ở trong nhà chờ. Bạn cũng có thể mua nước trong nhà chờ, và yêu cầu tiếp viên trên chuyến bay. Tiếp tục uống nhiều nước khi bạn đã đặt chân đến địa điểm mới.
Đừng ngại đề nghị tiếp viên lấy thêm nước uống. Bạn không nói thì ai biết bạn cần?
Vận động buổi sáng
Jet lag làm gián đoạn đồng hồ sinh học bên trong cơ thể, một phần do mức độ tiếp xúc với ánh sáng thay đổi khi di chuyển. Ra ngoài trời nắng có thể đánh thức cơ thể và giảm tiết hormone melatonin khiến bạn buồn ngủ. Vận động một chút như chạy bộ, đi bộ vào buổi sáng là một lựa chọn tốt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một loại đèn đặc biệt để tiếp xúc với ánh sáng và làm giảm các triệu chứng khi bị Jet lag, chúng có thể ở dạng đèn hộp, đèn để bàn, mũ đội đầu có đèn. Những loại đèn này cũng được sử dụng để điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.
Đi dạo môt lát vào sáng sớm dưới ánh mặt trời là cách tốt để cơ thể tự điều chỉnh
Uống đồ uống có chứa cafein
Tiêu thụ caffein sẽ không chữa được chứng Jet lag, nhưng đây là một phương pháp giúp bạn tỉnh táo và tập trung vào ban ngày. Cà phê, trà, soda, nước tăng lực và thậm chí cả sôcôla đều chứa caffein. Tuy nhiên, cần xem xét các chất khác trong những đồ uống này, chẳng hạn như đường, trước khi tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu bạn là người mẫn cảm với chất kích thích này, nên hạn chế sử dụng vào buổi tối.
Thử các đồ uống có cafein như cà phê, trà, chocolate… nhưng chỉ nên dùng ban ngày
Dùng thuốc an thần
Đây là biện pháp bất đắc dĩ, cũng chỉ nhằm mục đích giúp bạn ngủ được, để cơ thể được nghỉ ngơi. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ để điều trị chứng mất ngủ do Jet lag. Các thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể giúp bạn nghỉ ngơi nhiều hơn vào ban đêm khi cơ thể vẫn đang điều chỉnh đồng hồ sinh học. Tuy nhiên, thuốc ngủ có thể không làm giảm các triệu chứng mệt mỏi vào ban ngày.
Hãy nhớ rằng thuốc ngủ có tác dụng phụ, vì vậy cần thảo luận về ưu và nhược điểm của giải pháp này với bác sĩ.
Jet lag, như đã phân tích, cũng không phải là điều gì đáng sợ. Quan trọng là bạn giữ thói quen sinh hoạt điều độ, và hiểu rõ cơ chế của hiện tượng, mọi thứ sẽ ổn thôi.