Nếu bạn đã ngán ngẩm với các phố núi đông đúc, xô bồ kiểu Sapa, hoặc ngại đường sá xa xôi như Đồng Văn, Hà Giang, thì Y Tý là một lựa chọn hoàn hảo. Đường không quá xa, đi lại không mất nhiều thời gian, mà vẫn trọn vẹn vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc giữa thiên nhiên hoang sơ.
Y Tý là một xã vùng cao biên giới của huyện Bát Xát, Lào Cai, có tổng số gần 800 hộ sinh sống trên 16 thôn bản, với 4 dân tộc H’Mông, Hà Nhì, Dao, Kinh. Nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, Y Tý có khí hậu quanh năm mát mẻ và đặc biệt khắc nghiệt hơn rất nhiều vào mùa đông. Nhiệt độ vào mùa đông tại đây đôi khi xuống dưới 0ºC và là một trong những địa điểm săn tuyết được các bạn trẻ quan tâm. Y Tý cũng là nơi duy nhất có đông đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, với bản sắc văn hóa độc đáo và rừng nguyên sinh Dền Sáng, được ví như “rừng treo” trên núi đá cao vời vợi.
Cảnh sắc mê hồn nơi vùng cao biên giới
Về đường đi, có các lựa chọn phổ biến từ Hà Nội là:
- Đi xe ô tô thẳng từ Hà Nội lên Y Tý. Xe 16 chỗ như Ford Transit hay Mercedes Sprinter có thể đến tận nơi.
- Đi tàu hỏa hoặc xe khách lên Lào Cai, rồi từ đây có thể lựa chọn bắt xe khách, thuê xe máy hoặc tự lái ô tô lên Y Tý.
- Từ Lào Cai sẽ có 2 đường đi: Hoặc là tuyến Bát Xát – Trịnh Tường qua Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, hoặc tuyến Bản Xèo – Mường Hum. Ngoài ra nếu đi từ Sapa, bạn có thể theo hướng đèo Ô Quy Hồ đi Lai Châu, rồi rẽ vào đường đi Mường Hum – Y Tý.
Mục lục
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Điểm đầu tiên khi nhắc đến Y Tý là những biển mây bồng bềnh lúc ẩn lúc hiện, thấp thoáng những mái nhà trình tường của người Hà Nhì, những thửa ruộng bậc thang đang vào vụ…
Thư thái ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ
Cũng như các khu vực khác tại miền núi Tây Bắc, thời gian đẹp nhất để đến Y Tý là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Khoảng thời gian này có nhiều ngày lễ lớn, nghỉ dài, thời tiết khô và lạnh, rất phù hợp với những hoạt động thể chất.
Những cung đường trên mây là trải nghiệm tuyệt vời
Chợ phiên vùng cao
Chợ Phiên Y Tý thường diễn ra vào sáng thứ 7 hàng tuần. Tại phiên chợ này có rất nhiều những mặt hàng rau, củ, quả do chính đồng bào các dân tộc nơi đây làm ra và mang đến chợ để trao đổi. Ngoài những mặt hàng nông sản truyền thống, chợ phiên Y Tý còn có rất nhiều hàng tiêu dùng, như hàng may mặc, đồ gia dụng, cày, cuốc,….
Chợ phiên Y Tý
“Chiến lợi phẩm” từ một phiên chợ
Chợ phiên Mường Hum: là phiên chợ nhỏ nằm ở huyện Bát Xát, cách Y Tý khoảng 30km trên đường xuôi về trung tâm Lào Cai, thường họp vào sáng Chủ Nhật. Đây là phiên chợ độc đáo, thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách. Có lẽ bởi những văn hóa độc đáo, vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, làm say lòng bao lữ khách. Đặt chân tới chợ, bạn sẽ được dạo bước khám phá từng ngóc ngách, với những mái nhà đơn sơ, giao lưu văn hóa vùng miền với nhiều đồng bào dân tộc, được thỏa sức mua sắm với các món đồ địa phương mà không phải nơi nào cũng có.
Chợ phiên Mường Hum nhìn từ trên cao
Cung hiking Y Tý – Ngải Thầu
Ngải Thầu là một xã vùng cao giáp biên của huyện Bát Xát, Lào Cai… được chia thành Ngài Thầu Thượng – nơi được mệnh danh là “thôn cao nhất Việt Nam” – và Ngải Thầu Hạ. Ngải Thầu có hơn 60 hộ người H’Mông, thì gần một nửa định cư ở giáp Ngải Thầu Hạ, còn 35 nóc nhà nằm lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ gần đỉnh Ma Cha Va mờ mờ ảo ảo
Ngắm hoàng hôn trên đường đi Ngải Thầu
Cung đường đi từ Y Tý tới Ngải Thầu chừng 12km, qua những vách núi cheo leo chìm trong mây, qua rừng cây Tống Quá Sủ sừng sừng giữa nền trời. Trong tiếng H’Mông, “Tống quá sủ” nghĩa là “cây qua mùa đông” – chỉ loài cây mạnh mẽ sinh tồn giữa điều kiện giá lạnh khắc nghiệt nơi đây.
Cung đường có nhiều đoạn cũng khá thử thách
Nếu may mắn gặp ngày nắng đẹp, bạn sẽ thực sự choáng ngợp với vẻ đẹp kỳ vĩ trên vùng núi cao biên giới này, với những dòng sông mây trôi lờ lững trên nền trời xanh biếc có nắng vàng như rót mật.
Lễ hội Khô già già
Lễ hội Khô già già là lễ hội cầu mùa lớn nhất và lâu đời nhất của người Hà Nhì đen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lễ hội được diễn ra vào tháng 6 âm lịch hằng năm để cầu mong cho mùa màng bội thu, người an vật thịnh, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Ngày đầu tiên của lễ hội vào ngày Thìn (ngày con rồng) là ngày làm nghi lễ lợp lại mái lán thờ. Đồng bào người Hà Nhì sẽ cùng nhau lên rừng cắt cỏ gianh về lợp lại mái lán thờ, dọn cây cỏ, vệ sinh lán thờ sạch sẽ.
Bày cỗ cúng thần linh trong Lễ hội Khô già già
Ngày thứ hai là ngày diễn ra nghi lễ quan trọng nhất – mổ trâu hiến tế thần linh. Theo quan niệm của người Hà Nhì, con trâu mổ trong ngày này đã được chọn kỹ lưỡng trước 1 tháng diễn ra lễ hội. Trâu được chọn phải là trâu đực mới lớn, khỏe mạnh và được chăm sóc cẩn thận cho đến ngày làm lễ. Hai thanh niên được dân làng cử đi chọn trâu phải là người khỏe mạnh, gia đình mẫu mực, được dân làng nể trọng.
Vui chơi trong ngày hội
Cũng như tất cả các lễ hội khác, sau phần “lễ” sẽ tới phần “hội”. Dân bản sẽ mặc những bộ đồ đẹp nhất, tham gia các trò chơi truyền thống suốt cả ngày. Đây cũng là dịp để các nam nữ hẹn hò, tìm gặp người thương.
Đặc sản núi rừng Tây Bắc
Ngoài các món đặc sản từ núi rừng Tây Bắc, ở đây bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn mang đặc trưng riêng như phở chua, cơm lam, thị trâu gác bếp, thắng cố…
Chào thắng cố ở chợ phiên Mường Hum
Đặc biệt, chỉ có ở đây mới có món bia Hà Nhì – đồ uống độc đáo của dân bản địa, được làm từ gạo nếp. Công đoạn ủ bia thì quả là cầu kỳ và độc đáo. Để có được hũ bia ngon, mùi thơm đặc trưng thì điều quan trọng nhất đó là phải chọn được loại gạo nếp ruộng phơi đủ nắng, hạt đều và có mùi thơm. Gạo nếp được đãi sạch, ngâm nước 1 tiếng rồi đem đồ thành xôi. Khi xôi chín, người ta tãi xôi ra mẹt và để nguội. Để từng hạt xôi ngấm đều men người ta dùng nước đun sôi để nguội vẩy lên mẹt xôi cho từng hạt tơi ra, không dính vào nhau.
Can bia Hà Nhì “tiếp khách”
Ngoài gạo ra thì men là cũng là yếu tố quan trọng để làm bia ngon. Men để ủ thành bia là được làm thủ công từ hạt cây rừng, nghiền nhỏ trộn với bột gạo nếp và ủ trong rơm. Sau khi xôi nguội, người ta rắc men trộn đều và cho xôi vào hũ sành, bịt kín lại. Sau 3 ngày, phần cơm xôi đó sẽ lên men, tiết ra nước, phần cái nổi lên trên và phần dưới là nước cốt. Nước cốt màu trắng ngà có mùi thơm và vị ngọt dịu. Lúc này, sẽ chế thêm nước sôi để nguội vào hũ và tiếp tục ủ, đủ 15 ngày sẽ cho ra sản phẩm bia. Cứ 10 kg gạo nếp sẽ cho khoảng 7 lít bia. Càng ủ lâu, nước bia chuyển từ trắng sẽ sang vàng và uống càng ngon.
Trên đây là tổng hợp các thông tin về du lịch Y Tý – điểm đến rất được dân “phượt” ưa thích. Nếu cần thêm thông tin, bạn vui lòng để lại comment nhé.