Site icon nguyenminhphung

10 Cuốn Sách Chạy Bộ Đáng Đọc Nhất

Chạy bộ là một thế giới mở và vô cùng rộng lớn. Đơn giản vì nó là môn thể thao dành cho tất ca mọi người. Bất cứ ai, chẳng cần phải cầu kỳ gì, chỉ cần có một đôi giầy và thời gian, là có thể bắt đầu. Và từ thế giới ấy, có biết bao câu chuyện, biết bao trải nghiệm cần được chia sẻ. Đó là lý do có nhiều cuốn sách ra đời, mặc dù viết về chạy bộ, nhưng độc giả cũng có thể là bất cứ ai.

Sách về chạy bộ có thể chia làm 3 dạng: những câu chuyện truyền cảm hứng, hướng dẫn luyện tập và phân tích khoa học. Dưới đây mình sẽ giới thiệu 10 cuốn sách mà theo mình là rất đáng đọc. Đây đều là những đánh giá từ góc độ cá nhân đã đọc và có cuốn còn do chính mình dịch từ tiếng Anh.

“Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” – Haruki Murakami

Khác hoàn toàn với phong cách trong các tác phẩm nổi tiếng khác, như “Rừng Na Uy” chẳng hạn, đây là một lời tự sự của Nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản này về cách mà chạy bộ đã ảnh hưởng tới cuộc sống và văn học của ông như thế nào. Với lối kể chuyện giản dị nhưng sâu sắc, Murakami đã truyền tải thông điệp tới mỗi độc giả rằng, nếu đã quyết tâm làm gì thì hãy làm cho đến cùng, đừng bỏ cuộc chỉ vì những khó khăn, đau đớn nhất thời.

Có nhiều câu nói trong tác phẩm đã trở thành “kinh điển” với dân chạy bộ, ví dụ như:

Cuốn sách không nói đến điều gì to tát. Từ đầu đến cuối chỉ là hành trình của một người chạy bộ. Nhưng cũng chính bới thế mà nó có một sứ lay động rất riêng.

 

“Sinh ra để chạy” – Christopher McDougal (Dịch giả: Nguyễn Kiến Quốc)

“Born to run” không phải là một cuốn sách giáo khoa về chạy bộ. Bạn sẽ không tìm thấy những kiến thức chuyên sâu, có tính kỹ thuật của môn chạy bộ, hay các bài tập, hướng dẫn giúp bạn chạy được nhanh hơn, xa hơn. Thay vào đó, tác giả Christopher McDougall lại dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện vượt cả không gian và thời gian, tới các ngóc ngách tận cùng của Trái đất, đi ngược về lịch sử xa xưa của nhân loại, để tìm hiểu về chạy bộ như một trong những bản năng cơ bản nhất của con người. Đan quyện vào cuộc du hành xuyên thời gian, không gian đó, là câu chuyện về những cá nhân cụ thể, có đời sống xã hội bình thường như mỗi chúng ta, nhưng khi xỏ chân vào đôi giày chạy và lướt xuống đường mòn, họ bỗng lột xác thành dị nhân siêu đẳng, với khả năng chạy bộ ở cự ly siêu dài trong thời gian không tưởng. Và để đối chứng với những siêu nhân chạy bộ thời hiện đại ấy, Christopher đã tìm thấy một đối thủ hoàn hảo, một bộ tộc ẩn nấp sâu trong vùng núi cao Sierra ở Mexico, những người vẫn giữ được tác phong và lối sống thanh bạch như chính tổ tiên của họ hàng nghìn năm trước, người Tarahumara. Cao trào của cuốn sách, là một cuộc tỷ thí vượt thời gian, một giải chạy vô tiền khoáng hậu, giữa những người chạy bộ giỏi nhất thời hiện đại của nước Mỹ và những người thổ dân đại diện cho người chạy bộ nguyên thủy.

Dù kể chuyện về những dị nhân siêu phàm nhất, nhưng tác giả Christopher McDougall đã khéo léo phản chiếu chính hình ảnh của bản thân mình, một người chạy bộ nhập môn, vào mạch kể. Do đó, bất kỳ ai đọc Sinh ra để chạy cũng sẽ tìm thấy ở đâu đó hình bóng của chính mình trong sách. Cuốn sách không chỉ là một cuộc phiêu lưu, một cuộc tìm hiểu cội nguồn của chạy bộ, mà còn lột tả những cảm xúc chân thực, những nỗi niềm suy nghĩ, những tình cảm buồn vui, những vỡ òa của các nhân vật xoay quanh từng bước chạy.

Với những ai chưa từng chạy bộ, cuốn sách có thể là một lời giải đáp cho băn khoăn “chạy để làm gì?” hoặc “chạy bộ có gì hay?”, còn đối với những người đã trót đem lòng yêu môn chạy bộ, cuốn sách là một thiên sử thi, vừa lãng mạn, vừa hùng tráng, tràn đầy lòng tự hào của một giống loài “Sinh ra để chạy”.

“Chạy bộ cùng người Kenya”

Cuốn sách cũng là một tác phẩm dịch của Nguyễn Kiến Quốc từ nguyên tác “Running with the Kenyans” của nhà văn, nhà báo Adharanand Finn.

Bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, với nhiều sự thật đơn giản đến khó tin phía sau những người chạy bộ hàng đầu thế giới, qua giọng kể dí dỏm của tác giả – được chuyển tải mượt mà, uyển chuyển qua bản dịch tiếng Việt.

Đọc “Chạy Bộ Cùng Người Kenya”, ta sẽ thấy như có hai mạch truyện: “chạy bộ” và “(cuộc sống của) người Kenya” cùng chảy song song, nhưng lại gắn kết, hòa quyện vào nhau một cách rất tự nhiên. Tuy một mà hai, tuy hai mà một. Chạy bộ không đơn thuần là một môn thể thao, mà là một phần cuộc sống ở Kenya, một công việc hay một cách để tiến thân, tùy theo góc nhìn mỗi người. Nó tự nhiên đến mức, việc một vận động viên phá kỷ lục thế giới hay giành chức vô địch ở một giải major nào đó, cũng chỉ như vừa hoàn thành xong một bài chạy dài cùng nhóm vậy thôi.

Cuốn sách cũng mô tả một bức tranh toàn cảnh, giúp người đọc mường tượng được những gì đã giúp cho người Kenya thống trị đường đua marathon như ngày nay. Không chỉ là lợi thế sống trên độ cao lớn so với mực nước biển, chạy bộ đến trường mỗi ngày từ khi còn bé, mà có vẻ như cả đồ ăn thức uống hàng ngày cũng tạo nên thành công này. Đã vậy, lối sống của phương Tây ngày càng trở nên lười biếng và tôn sùng vật chất, cũng là một tác nhân đưa người Kenya – vốn chẳng có gì ngoài một cuộc sống thuần tự nhiên – lên bục chiến thắng.

Adharanand Finn, đã bỏ lại tất cả phía sau để đưa cả gia đình tới “thánh địa chạy bộ” Iten, Kenya với mục đích tìm hiểu bí mật nào đã giúp các vận động viên nơi đây chạy giỏi đến thế. Lúc đầu, tác giả chỉ như một người ngoài cuộc đứng khoanh tay nhìn vào, sau đã trở thành một phần của cộng đồng ấy lúc nào không hay. Dưới lăng kính của một nhà báo – người chạy bộ phương Tây, từng miếng ghép văn hóa đặc sắc hòa trộn với khung cảnh ngoạn mục của châu Phi dần hiện ra, điểm xuyết bởi biết bao cung bậc cảm xúc, lúc tò mò háo hức, khi hoang mang bế tắc, rồi lại hứng khởi thăng hoa… khiến mỗi trang sách như một cung đường chạy đầy nắng, gió và đèo dốc tại đó vậy.

Cao trào được đẩy lên tới đỉnh điểm tại cuộc đua marathon ở Lewa, một trong những đường đua marathon “khó nhằn” nhất trên Trái Đất, với nhiều con dốc gắt, ánh mặt trời chói chang và máy bay trực thăng xua đuổi lũ sư tử trên đường chạy. Tất cả các cảm xúc của một cuộc đua marathon được tái hiện cực kỳ sinh động: từ lo lắng, háo hức trước vạch xuất phát, ảo giác vì kiệt sức ở cuối chặng đua, cho tới niềm hạnh phúc vỡ òa khi hoàn thành mục tiêu.

“Let your mind run” – Deena Kastor

Deena có lẽ là nữ vận động viên có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới cộng đồng chạy đường dài nước Mỹ. Cô sinh ngày 14/12/1973, là vận động viên nắm giữ kỷ lục quốc gia Mỹ suốt 16 năm (2006 – 2022), đồng thời là nhà vô địch cự ly marathon ở Olympic Athens 2004, Chicago 2005 và London 2006.

“Let your mind run” là một cuốn hồi ký ghi lại hành trình của một vận động viên ưu tú, nhưng cũng đồng thời là một thiếu nữ đang tuổi lớn, một người vợ, người mẹ… tràn đầy tư duy tích cực và biết ơn cuộc sống. Với cá nhân mình, đây là cuốn sách nhiều cảm hứng nhất trước nay, không chỉ về chạy bộ, mà còn về cách cân bằng cuộc sống với đam mê.

Với văn phong trẻ trung và nhiều bất ngờ, hành trình mở đầu bằng một đoạn đối thoại nội tâm trướ giải đấu quan trọng nhất: Olympic Athens 2004. Sau đó, cuốn sách đưa chúng ta trở lại khi còn là một cô bé với việc “chạy là trò chơi” (When I was a kid, running was a play). Sau khi tốt nghiệp đại học, cô bắt đầu làm việc với Huấn luyện viên huyền thoại Joe Vigil – người mà cô biết ơn suốt đời – với bài học đơn giản đầu tiên “Hãy quên tài năng của mình đi”.

Mình thích cách Deena nói về thái độ ứng xử với sự cố tại Olympic Bắc Kịnh 2008, khi cô bị gãy xương bàn chân ngay khi đang hoàn toàn sung sức và sẵn sàng chiến đấu cho một tấm Huy chương vàng Olympic mới. Một sự cố đáng thất vọng đến nhường nào với một vận động viên chuyên nghiệp. Nhưng cô dành nhiều thời gian để nói về thời gian ăn chiếc bánh tự làm bên hiên nhà vài tuần sau đó, hơn là dằn vặt về cơ hội chiến thắng đã bị bỏ lỡ.

Tiếc rằng cuốn Hồi ký này chưa được dịch sang tiếng Việt, nên chưa tiếp cận được với nhiều người đọc. Dù là người chạy bộ chuyên nghiệp hay vì sức khỏe, “Let your mind run” cũng xứng đáng là nhwungx bài học cho chúng ta trong chạy bộ và cuộc sống.

26 Marathons – Meb Keflezighi

Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt bởi Diịch giả Đỗ Hoàng Lan, và được Panda Books giới thiệu cuối năm 2020 với tên “26 giải chạy marathon”.

Không quá lời khi nói Meb Keflezighi là một trong những vận động viên chạy bộ đường dài vĩ đại nhất lịch sử hiện đại. Trong sự nghiệp chạy bộ chuyên nghiệp của mình, Meb đã đạt nhiều thành tích vang dội nhất trong lịch sử của Mỹ. Chiến thắng của anh tại giải Boston Marathon năm 2014 – khi đã 39 tuổi – đã giúp anh trở thành vận động viên người Mỹ đầu tiên chiến thắng giải chạy Boston trong vòng 31 năm. Anh đã giành huy chương bạc trong thế vận hội Olympic Marathon vào năm 2004 và về đích thứ tư trong giải Olympic Marathon năm 2012. Meb cũng là người chiến thắng tại giải New York City Marathon 2009 và vòng loại Olympic Marathon Trials 2012. Anh đã thi đấu tại giải Olympic Marathon 2016 khi đã 41 tuổi, trở thành vận động viên chạy bộ Olympic lớn tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Anh là vận động viên duy nhất giành chiến thắng tại giải Boston, New York City đồng thời có huy chương bạc tại giải Olympic Marathon.

Là người gốc Eritrea, Meb đã rời quê hương cùng với gia đình với 10 anh chị em, đến Mỹ vào năm 1987 để thoát khỏi cuộc chiến giữa Eritrea và Ethiopia. Anh chính thức trở thành công dân Mỹ vào năm 1998, cùng năm đó anh trở thành vận động viên marathon chuyên nghiệp, và tốt nghiệp đại học UCLA một năm sau đó. Anh là người sáng lập nên quỹ Meb Foundation, một tổ chức tài trợ cho các chương trình củng cố sự dẻo dai, cân đối và các phong cách sống tích cực khác cho trẻ em.

 

Khi Meb Keflezighi chạy marathon lần cuối cùng – giải marathon thứ 26 – tại New York vào ngày 5 tháng 11 năm 2017, nó đánh dấu sự kết thúc của một sự nghiệp chạy bộ phi thường. “26 marathons” là 26 câu chuyện về những bài học về đức tin và cuộc sống mà Meb rút ra trong hành trình của mình. Mỗi câu chuyện vừa là kinh nghiệm, lại vừa là cảm hứng cho mỗi người chạy bộ chúng ta, dù ở cấp độ nào.

Choosing To Run – Des Linden

Chạy marathon chưa bao giờ là dễ dàng, bất kể trình độ, kỹ năng hay tốc độ của bạn thế nào. Des Linden đã ghi lại cảm xúc đó một cách hoàn hảo trong cuốn hồi ký của mình, “Choosing To Tun” (tạm dịch: Chạy bộ là lựa chọn) ghi lại con đường giành chiến thắng trong cuộc thi Marathon Boston năm 2018 – giúp cô trở thành nữ vận động viên người Mỹ đầu tiên làm được điều này trong vòng 33 năm.

Linden bắt đầu cuốn sách của mình với nỗi “ám ảnh” kinh điển của dân chạy marathon: mốc “đụng tường” (hit the wall) ở km32, thời điểm mà bạn sẽ phải quyết định cách vượt qua sự mệt mỏi gắng sức của hành trình 42,195km.

Cô ấy viết: “Trong kế hoạch của tôi chỉ nhấn mạnh một từ duy nhất: sống sót”.

Cuốn hồi ký được thể hiện xen kẽ giữa những mô tả sống động về cung đường Boston Marathon danh giá vào năm 2018 với quá trình trưởng thành của tác giả với tư cách là một vận động viên chạy bộ. Linden đưa ra cái nhìn về những điều kiện khắc nghiệt mà các vận động viên chạy đường dài phải đối mặt khi họ chuẩn bị cho những cuộc đua, từ chấn thương cho đến điều kiện thời tiết không thể dự đoán. Rải rác khắp cuốn sách là những đoạn nhạc ưa thich đã giúp Linden tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Đồng thời, cô cũng mô tả rất sinh động  về quá trình luyện tập và môi trường của vận động viên chuyên nghiệp, những động lực và thách thức, đặc biệt khi cô được chẩn đoán mắc bệnh suy giáp, một tình huống gần như có thể đạp đổ cả sự nghiệp đã dày công gây dựng.

Cuốn sách là dành cho tất cả các độc giả, nó mang lại cảm hứng từ góc nhìn tích cực về cách mà chúng ta xây dựng sức bền và sư dẻo dai.

Meb viết cho người phàm

Đây là một cuốn sách khác của Meb Keflezighi, tựa đề “Meb for Mortals: How To Run, Think, and Eat like a Champion Marathoner”, được dịch giả Nguyễn Kiến Quốc chuyển sang tiếng Việt.

Với chiến thắng lịch sử tại giải Boston Marathon 2014, Meb Keflezighi trở thành một tượng đài trong môn chạy bộ đường dài. Người chạy bộ khắp nơi muốn biết một người với kỷ lục cá nhân đứng thứ 15 trong giải, lại đánh bại được cả đoàn đua mạnh nhất trong lịch sử Boston Marathon để trở thành người Mỹ đầu tiên vô địch giải này sau 31 năm ròng.

Với cách diễn đạt vô cùng chi tiết, Meb đã giải thích cách mà vận động viên ba lần dự Olympic này chuẩn bị để đối đầu với những chân chạy hàng đầu thế giới. Quan trọng hơn nữa, cuốn sách chỉ dẫn cho những người chạy bộ bình thường nhất cách áp dụng phương pháp tập luyện, chế độ dinh dưỡng và các nguyên tắc về tinh thần giúp anh duy trì sự nghiệp lâu dài, trong đó không chỉ có chiến thắng tại giải Boston 2014, mà còn cả tấm huy chương bạc Olympic và chức vô địch giải New York City Marathon 2009. Bạn có thể tìm thấy từng bài tập, từng động tác chuẩn mực được mô tả trong sách để học và làm theo, cũng như các lưu ý về dinh dưỡng, nghỉ ngơi…

Đây là cuốn sách tham khảo hoàn hảo cho bất kỳ người chạy bộ nào – dù là người mới hay vận động viên marathon mong muốn cải thiện thành tích và có thêm niềm vui trong chạy bộ.

Khoa học trong chạy bộ – Steve Magness

Cuốn sách này là do mình dịch từ nguyên bản “The Sience Of Running – How To Find Your Limits and Train To Maximize Your Performance” của Steve Magness. Panda Books đã đưa ra giới thiệu và bán rộng rãi cuốn sách ở thị trường Việt Nam.

Steve Magness là một vận động viên và huấn luyện viên điền kinh, nhà khoa học vận động và gần đây nhất là tham gia viết bài. Anh đã luyện tập chạy bộ rất nghiêm túc từ năm 14 tuổi, và đã có rất nhiều thành tích đáng nể, từ việc giữ kỷ lục một dặm tại trường Trung học Texas (4: 01.02) cho đến đủ điều kiện tham gia giải chạy băng đồng quốc gia NCAA với tư cách cá nhân.
Tại thời điểm ra mắt cuốn sách, Steve là huấn luyện viên bộ môn chạy hoc đồng tại Đại học Houston. Chỉ trong một năm làm việc tại đây, anh đã hướng dẫn 3 vận động viên lọt vào vòng 1 giải vô địch NCAA ở nội dung 800m, có vận động viên lập kỷ lục ở cự ly 3.000m và top 5 mọi thời đại ở nội dung 800m. 1500m, 1 dặm, 300m và 3000m chạy vượt rào. Ngoài công việc ở trường đại học, Magness còn huấn luyện các vận động viên chuyên nghiệp như Jackie Areson, người đứng thứ 15 tại Giải vô địch thế giới 2013 tại Nga, vận động viên chạy vượt rào Sara Hall, và người từng 4 lần vô địch USATF vòng loại 1.500m Tommy Schmitz. Magness cũng là một nhà tư vấn về luyện tập, khoa học, y tế và dinh dưỡng cho nhiều vận động viên điền kinh và ba môn phối hợp đẳng cấp thế giới khác, cũng như tư vấn đào tạo huấn luyện viên cho một số quốc gia.

Như Magness đã nói ngay từ đầu, cuốn sách này không dành cho số đông, mà nhắm tới đối tượng người đọc là các Huấn luyện viên và vận động viên muốn cái thiện thành tích một cách tối đa. Tác giả dùng khá nhiều các thuật ngữ chuyên sâu, nhưng cũng không đến nỗi quá khó hiểu, nên về tổng thể, mọi người vẫn có thể nắm bắt được.

Cuốn sách được chia làm 2 phần rõ rệt: Phần đầu giải thích và phân tích rất kỹ về cơ chế hoạt động của cơ thể khi chạy bộ, từ hệ thống thần kinh cơ bắp đến các vấn đề về tim mạch, dựa trên cả hai hệ thống dữ liệu trong phòng thí nghiệm và trên đường chạy thực tế. Phần hai là các ứng dụng thực tế, bao gồm cả những bài tập cụ thể cho từng cự ly.

Như đã nói bên trên, nếu bạn đang tìm cách tối đa hóa thành tích của bản thân hoặc học viên của bạn, thì đây là cuốn sách không thể thiếu.

Khoa học về chạy bộ – Chris Napier

Khác với khối kiến thức đồ sộ đầy tính học thuật của Steve Magness, cuốn sách của Chris Napier lại mang tới những hiểu biết cặn kẽ về chính cơ thể chúng ta, những điều mà bất cứ ai, dù có chạy bộ hay không, cũng cần phải biết.

Đây không phải kiểu sách đọc một lần rồi thôi. Nó là một dạng “cẩm nang” tra cứu, nơi bạn có thể tìm thấy các phân tích chi tiết bên trong từng bộ phận cơ thể, hiểu cách chúng vận hành trong hoạt động chạy bộ để từ đó tăng hiệu suất luyện tập và phòng tránh chấn thương.

Cuốn sách được chia thành 2 phần riêng biệt: Phần Một là phân tích về giải phẫu học cơ thể và phòng ngừa chấn thương; Phần Hai là các bài tập cụ thể. Cả hai phần đều có hình minh họa và giải thích cặn kẽ từng bộ phận, cơ chế hoạt động cũng như hướng dẫn chi tiết cách tập và cá dụng cụ phù hợp.

Dù bạn đã chạy lâu năm hay mới tập chạy, thậm chí không phải dân chạy bộ, cuốn sách vẫn có những giá trị rất bổ ích để ta hiểu về bản thân hơn.

Công thức chạy bộ của Daniels

Đây được coi là cuốn sách giáo khoa kinh điển của dân chạy bộ đường dài. Tác giả cuốn sách – Jack Daniels – được tạp chí Runner’s World vinh danh là Huấn luyện viên tài ba nhất thế giới. Ông đã có 50 năm kinh nghiệm huấn luyện nhiều vận động viên chạy bộ hàng đầu thế giới. Daniels cũng có nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu về chạy bộ tại cả Mỹ và Thụy Điển. Ông được cấp bằng tiến sĩ về sinh lý học thể thao tại Đại học Wisconsin, Madison. Đặc biệt ông đã nghiên cứu về khoa học thể thao tại Viện Thể dục Trung ương Hoàng gia ở Stockholm với sự chỉ dẫn của nhà khoa học thể thao danh tiếng Per-Olaf Åstrand.

Jack Daniels là cha đẻ của bảng chỉ số VDOT – một công cụ rất hữu ích để thiết lập tốc độ luyện tập cho người chạy ở bất kỳ cấp độ năng lực nào. Trong thể thao, nhất là chạy bộ, việc luyện tập quá sức không phải là đỉnh cao của sự nghiệp, mà việc áp dụng nghiêm túc cường độ riêng biệt tương ứng từng cự ly chạy mới thể hiện đẳng cấp và sự chuyên nghiệp. Jack Daniels còn sáng tạo ra những luật cơ bản trong chạy bộ với hy vọng rằng chúng sẽ cho phép người chạy ở mọi cấp độ thành tích có thể tối ưu lợi ích của việc luyện tập. Do mỗi người chúng ta sẽ phản ứng khác nhau đối với mỗi phương pháp huấn luyện, giáo án luyện tập hay thời tiết… các luật cơ bản sẽ giúp đánh giá và củng cố các bài tập cho từng cá nhân.

Với kết cấu chặt chẽ, bố cục hợp lý, “Công thức chạy bộ của Daniels” trình bày những kiến thức chuyên sâu, thông tin khoa học mà các huấn luyện viên, vận động viên và bất cứ ai đam mê chạy bộ đều có thể hiểu và áp dụng. Đó là các nguyên tắc then chốt trong luyện tập và kỹ thuật chạy bộ; các bài tập đa dạng cho những người chạy bộ từng mục tiêu mà mỗi kiểu luyện tập này hướng tới; luyện tập đa dạng các loại địa hình (vùng cao), luyện tập cự ly từ 800 mét tới marathon, nghỉ ngơi hồi phục và các bài tập bổ trợ, v.v…

Cuốn sách gồm 15 chương. Mỗi một chương mới sẽ cung cấp các phương pháp để ứng dụng những lý thuyết bạn đã học được từ các chương trước, nhằm phát triển một kế hoạch tổng thể hướng tới thành tích. Lối viết rõ ràng, mạch lạc nhưng không khô cứng như các cuốn “sách giáo khoa”thường thấy. Người đọc sẽ bắt gặp những lời khuyên, hướng dẫn nhẹ nhàng của tác giả, tạo cảm giác như chính Daniels đang trực tiếp đồng hành cùng các vận động viên. Để cuốn sách trở nên thuyết phục, Daniels cũng đưa ra câu chuyện có thực, những khó khăn cùng những trải nghiệm mà vận động viên chạy bộ có thể gặp phải trên hành trình tập luyện của mình.

 

Trên đây là cảm nhận và đánh giá của cá nhân mình về những cuốn sách về chạy bộ có giá trị. Nếu muốn trao đổi thêm thông tin gì, bạn vui lòng để lại ở phần Nhận xét bên dưới nhé.

Exit mobile version