Với “cộng đồng xê dịch”, thì chinh phục “4 cực xa nhất, 1 đỉnh cao nhất và 1 ngã ba đặc biệt nhất trên lãnh thổ Việt Nam” luôn là một mong muốn của rất nhiều phượt thủ.
Đó là những nơi nào? Và chúng có gì đặc biệt mà hấp dẫn như vậy? Hãy cùng khám phá với bọn mình nhé.
Điểm thú vị của mục tiêu này không chỉ là những đích đến mang nhiều ý nghĩa, mà còn ở những cung đường đầy thử thách. Mỗi hành trình lại sử dụng các phương tiện khác nhau, khi thì đường bộ, lúc lại sông nước, có đoạn đi được ô tô, nhưng nhiều đoạn chỉ đi được xe máy, thậm chí đi bộ, bò trườn… để đến được các côt mốc thiêng liêng. Nhiều trải nghiệm khác nhau ở mỗi vùng miền, cái giá lạnh của miền núi phía Bắc hay trời xanh mây trắng nắng vàng nơi miền Tây Nam Bộ; núi cao vực sâu rồi lại mênh mông biển cả… để thấy đất nước ta thật đẹp.
Mục lục
Cực Bắc: Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang
Bây giờ, kết nối giao thông từ Hà Nội đi Hà Giang rất thuận tiện và có nhiều lựa chọn. Chất lượng đường sá, xe cộ đã tốt hơn rất nhiều. Bạn có thể đi xe giường nằm từ bến xe Mỹ Đình (có nhiều khung giờ buổi tối), ngủ một giấc, sáng sớm hôm sau đã lên tới thành phố Hà Giang.
Tiếp theo sẽ là đoạn đường khoảng 100km từ thành phố Hà Giang lên thị trấn Đồng Văn. Để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên của cung đường này, bạn nên đi xe máy. Trên đường đi là những dãy đèo núi tai mèo hiểm trở, là con đường uốn lượn lên xuống, vắt sang phải lại vòng sang trái bên con sông Nho Quế tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đầy mê hoặc.
Thuê xe máy đi từ thành phố Hà Giang rất dễ, với giá cả phải chăng. Bạn nên đi thành nhóm để hỗ trợ nhau trên đường. Và cần kiểm tra cẩn thận lốp, phanh… trước khi khởi hành. Nên nhớ là đi đường đèo dốc, chúng ta cần chọn loại xe số hoặc côn tay, tuyệt đối không đi xe tay ga. Nếu bạn chỉ quen đi xe tay ga dạo phố hàng ngày, thì không nên mạo hiểm.
Đoạn dốc đèo nổi tiếng trên đường từ thành phố Hà Giang lên thị trấn Đồng Văn
Thời điểm phù hợp nhất để đi Hà Giang là khoảng tháng 9 đến tháng 2. Có mấy lý do thế này:
- Tháng 9 là mùa lúa chín, còn tháng 10-11 là mùa của hoa tam giác mạch. Bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang hay những cánh đồng hoa tam giác mạch tuyệt đẹp trên đường đi.
- Tháng 1-3 là khoảng giữa Tết dương lịch và Tết nguyên đán, vừa có nhiều lịch nghỉ lễ, lại vừa là lúc hoa mận trên rẻo cao đang bung sắc. Đồng thời, nhiều lễ hội của người Mông, người Dao, người Tày… cũng diễn ra trong khoảng thời gian này.
- Thời tiết mùa này cũng khô ráo, ít mưa, nên việc đi lại cũng dễ dàng và an toàn hơn.
Đặt chân tới Cột Cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Tổ Quốc
Cực Nam: Xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau
Để đi tới Cà Mau, có rất nhiều cách đi. Nếu bạn sống ở khu vực phía Nam thì quá tiện. Các loại xe đi từ Sài Gòn từ giường nằm đến limousine đều có sẵn mọi lúc. Nhưng nếu bạn sống ở miền Bắc hay miền Trung, thì có thể bay vào Cần Thơ rồi di chuyển tới Cà Mau. Hiện nay đã có chuyến bay thẳng tới Cà Mau từ Sài Gòn, nhưng chuyến bay không nhiều, và giá cả thì không dễ chịu lắm. Hơn nữa, với khoảng cách hơn 300km thì việc di chuyển hai đầu và chờ đợi, an ninh… ở sân bay cũng chưa chắc đã nhanh hơn đi đường bộ bao nhiêu.
Tên gọi “Cà Mau” theo tiếng Khmer nghĩa là “nước đen”. Khắp nơi bạn sẽ gặp những dòng nước có màu đen đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước.
Màu nước đen đặc trưng ở vùng đất Cà Mau
Một góc rừng U Minh bạt ngàn nhìn từ trên cao
Chợ đêm ở trung tâm thành phố Cà Mau
Từ thành phố Cà Mau có 2 cách để đi ra ấp Mũi, nơi đặt cột mốc cực Nam trên đất liền của Tổ Quốc. Bạn có thể đi đường bộ khoảng 108km, hoặc có thể đi theo đường sông từ bến thuyền. Bọn mình chọn cách kết hợp: lượt đi bằng thuyền và lượt về bằng ô tô, để trải nghiệm cả hai cách đi. Nếu như đi trên sông khá thoải mái, khung cảnh sông nước mênh mang trữ tình, thì đi đường bộ lại khá vất vả, đường xấu nhiều ổ gà xóc nảy, xe cộ cũ kỹ.
Khung cảnh bến tàu trước giờ khởi hành đi ra ấp Mũi
Tàu cập bến ấp Mũi cũng là khoảng giờ ăn trưa. Bọn mình dừng nghỉ ăn trưa tại một quán nổi trên sông, trước khi bắt xe ôm đi tiếp vào cột mốc. Từ vị trí mốc tọa độ quốc gia, bạn đi bộ dọc theo bờ đê chắn sóng khoảng 500m, sẽ tới khu vực tiểu cảnh hình ảnh con thuyền rẽ sóng ra khơi.
Mô hình mang tính biểu tượng, lày cảm hứng từ thơ Xuân Diệu “Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”
Cực Đông:
Hiện có nhiều tranh luận về điểm xa nhất trên đất liền về phía Đông của Tổ Quốc: Mũi Đại Lãnh, Phú Yên hay Mũi Đôi, Khánh Hòa. Nhưng có gì quan trọng? Điểm thú vị của những câu chuyện này là nằm ở trên hành trình, còn điểm đến thì dĩ nhiên, đã đi là phải đến. Hai điểm này cũng tương đối gần nhau, nằm ngoài biển khu vực miền Trung nước ta.
Bọn mình quyết định chọn Mũi Đại Lãnh ở Phú Yên. Năm đó dịch Covid còn đang căng thẳng, nên số chuyến bay ít và khách đi lại cũng rất vắng
Để đến được Tuy Hòa, các phương tiện đều rất thuận tiện bằng cả đường bộ, đường sắt hoặc hàng không. Mũi Đại Lãnh hay còn gọi là Mũi Điện, Mũi Ba, Mũi Nạy, là một điểm du lịch thuộc xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Nó thuộc một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, nhìn từ xa dường như một hòn đảo ngoài biển, nhưng thực ra lại là đất liền.
Mũi Điện – Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam
Đây cũng là nơi có vị trí quan trọng về quân sự, có ngọn Hải đăng được người Pháp xây dựng năm 1890 để quan sát và phát tín hiệu ánh sáng cho tàu thuyền ngoài khơi.
Đường lên ngọn Hải Đăng – 1 trong 45 ngọn đèn biển cấp quốc gia
Điểm du lịch này còn nổi tiếng với cảnh đẹp của biển cả xanh ngắt, cảng vũng Rô – nơi gằn liền với đoàn tàu không số – và bên trên là khung cảnh đèo Cả ngoạn mục.
Đón hoàng hôn trên biển Mũi Điện
Cực Tây: A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên
Với bọn mình, thì đây là kỷ niệm nhớ đời nhất trong chuỗi hành trình này. Lầy lội pha chút nguy hiểm. Thiên không thời, Địa không lợi, cũng may là có Nhân hòa, nên mọi thứ vẫn hoàn thành tốt đẹp.
Từ trung tâm thành phố Điện Biên, phải chạy xe khoảng 250km mới đến bản A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Cái tên “A Pa Chải” nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn” theo tiếng Hà Nhì. Để đến được với cột mốc biên giới cực tây, bạn bắt buộc phải xuất trình giấy tờ và đăng ký tại đồn biên phòng 317, đi theo hướng dẫn của các chiến sỹ biên phòng, và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nơi biên cương.
Từ Đồn biên phòng, ta sẽ phải đi bộ hoặc xe máy thêm vài cây số, trước khi bắt đầu cuộc hành trình leo men theo vách núi xen lẫn bậc thang, rễ cây và đất đá. Hôm tụi mình đi, gặp phải cơn mưa tầm tã khiến đường đất trơn trượt và tầm nhìn rất hạn chế.
Niềm vui khi lên đến vị trí cột mốc, mặc dù người không còn chỗ nào khô
Cột mốc biên giới A Pa Chải đặc biệt ở chỗ, vị trí này là giao điểm của 3 quốc gia Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Nói cách khác, bạn leo lên bên này sườn núi ở Việt Nam, và đi xuống bên kia là Trung Quốc hoặc Lào.
Chuyến đi lần này, tình cờ vài nhóm cùng gặp nhau tại Đồn biên phòng. Trong đó có Nguyễn Thanh Tuấn khá nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh, chuyên đi chụp ảnh khắp các vùng miền.
Mấy anh em nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục hành trình với sự hướng dẫn của chiến sỹ biên phòng trẻ măng
Trên đường quay về trung tâm Điện Biên, còn rất nhiều chỗ bị sạt núi, cây đổ do dòng lũ cuốn. Cũng may là lần này, bọn mình thuê chiếc Ford Everest nên vẫn đảm bảo an toàn, vẫn kịp tới bến xe đón chuyến 21h00 để về Hà Nội.
Đỉnh cao nhất: Đỉnh Fansipan, dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai)
Fansipan không chỉ là đỉnh núi cao nhất của Việt Nam, mà còn của cả Đông Dương, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”, nằm ở độ cao 3.143 so với mực nước biển, thuộc địa phận tỉnh Lào Cai, nơi giáp với tỉnh Lai Châu.
Cách “leo Fan” phổ biến nhất thường là 2 ngày 1 đêm, được chia làm 3 chặng:
- Chặng 1: Xuất phát từ Trạm Tôn (lối vào thác Tình Yêu), leo đến điểm 2.200m dừng nghỉ chân.
- Chặng 2: Leo tiếp đến mốc 2.800m, nghỉ ngơi qua đêm.
- Chặng 3: Sáng sớm hôm sau leo lên đỉnh, chụp ảnh check in rồi đi xuống.
Cách tốt nhất là thuê người bản địa mang vác đồ (porter) và dẫn đường để phòng trường hợp có biến cố
Mặc dù gọi là “leo”, nhưng đường đi không phải lúc nào cũng đi lên, mà gồm vô số đoạn lên xuống, vòng quanh các sườn núi, hẻm vực… có nhiều đoạn phải bò trườn, leo thang, đu dây… khá mạo hiểm
Có những đoạn phải dùng cả tứ chi để tiến về phía trước
Kinh nghiệm là, bạn nên thuê người địa phương (thường là người H’mông) dẫn đường và ang đồ. Thông thường, chỉ sau vài giờ đồng hồ leo trèo, nhiệt huyết hứng khởi sẽ được thay bằng những hơi thở nặng nhọc, mồ hôi ướt đẫm… Vì thế, ngoài việc phải rèn luyện thể lực trước chuyến đi, bạn cũng cần trang bị một số đồ ăn dọc đường tiếp thêm năng lượng trong hành trình. Mặt khác, hành trang chuẩn bị nên là đồ nhẹ, thoát nước và có thể thay đổi linh hoạt theo thời tiết. Lúc vận động có thể bạn sẽ thấy nóng, nhưng khi ngồi nghỉ, nhất là chiều tối, trời sẽ rất lạnh.
Niểm vui của cả đoàn khi chinh phục “Nóc nhà Đông Dương”
Tương tự như các địa điểm khác ở miền núi phía Bắc, bạn nên đi Fansipan vào khoảng thời gian tháng 11 đến tháng 2, khi tiết trời còn lạnh và khô, vừa đảm bảo an toàn, vừa đỡ mất sức hơn trời nóng.
Một điểm nghỉ chân trên đường đi xuống
Hiện nay đã có thêm đường cáp treo để phục vụ được nhiều đối tượng du khách hơn. Nhưng với dân “phượt”, thì những trải nghiệm tự mình khám phá trên đường đi mới thực sự có giá trị, chứ không phải chỉ là tấm ảnh check-in ở đích đến.
Ngã ba Đông Dương, Ngọc Hồi, Kon Tum
Địa điểm này được gọi vui là “Nơi một con gà gáy, ba nước cùng nghe”. Lý do vì đây là nơi tiếp giáp 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Cái tên “ngã ba Đông Dương” cũng mang ý nghĩa đó.
Ngã ba này nằm ở địa phận xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Vì vậy, để chạm tay được tới cột mốc đặc biệt này, bạn cần phải đi qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, với sự hướng dẫn và giám sát của các chiến sỹ biên phòng.
Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y
Về cơ bản, đường sá và phương tiện giao thông ở khu vực Tây Nguyên bây giờ khá thuận tiện. Từ trung tâm Kon Tum, bạn có thể thuê xe máy hoặc taxi đi đến khu vực cửa khẩu. Mình khuyến nghị nên đặt 1 chuyến taxi khứ hồi. Giá cả cũng phải chăng và chắc chắn tài xế sẽ quen đường hơn chúng ta. Họ đưa đến nơi, chờ mình làm thủ tục, lên tham quan, chụp ảnh check-in rồi quay về trung tâm tiếp tục khám phá thành phồ cao nguyên.
Đường bậc thang dẫn lên cột mốc Ngã ba Đông Dương
Từ vị trí cột mốc, phóng tầm mắt ra xa, chúng ta có thể ngắm cảnh thuộc 3 quốc gia. Nếu đi vào khoảng cuối năm dương lịch, đúng vào mùa hoa dã quỳ, bạn sẽ chứng kiến một khung cảnh vàng rực cả một góc trời.
Cột mốc Ngã ba Đông Dương
Đã mất công lên Tây Nguyên, bạn nên dành thời gian đi dọc một lượt để trải nghiệm những cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ nơi đại ngàn, như Biển Hồ ở Pleiku, hồ Lak ở Daklak… hoặc các công trình lịch sử như Nhà máy thủy điện Ialy, Nhà thờ gỗ Kon Tum…
Hồ Lak – hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên và lớn thứ hai cả nước, chỉ sau hồ Ba Bể ở Bắc Kạn
Nhà thờ gỗ Kon Tum, một công trình độc đáo, pha trộn giữa kiến trúc Roman và nhà sàn của người Bana. Toàn bộ Nhà thờ làm bằng gỗ sến đỏ, với tường và trần bằng đất trộn rơm
Thủy điện Ialy – một công trình nổi tiếng cả về tầm vóc và không ít phê phán do ảnh hưởng gây ra cho môi trường
Vậy là chúng ta đã cùng nhau khám phá hành trình chinh phục “4 cực 1 đỉnh 1 ngã ba” nhiều ý nghĩa và cũng vô cùng thú vị. Nếu cần thêm thông tin hay kinh nghiệm gì cụ thể hơn, bạn vui lòng comment phía bên dưới bài, bọn mình sẽ tiếp tục chia sẻ nhé.